Trong thời đại hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa ngày nay, quốc gia nào cũng có các biện pháp khuyến khích dùng hàng nội nhằm hạn chế nhập khẩu hàng tiêu dùng và phát triển bền vững. Điều kiện và hoàn cảnh kinh tế - xã hội nước ta thời kỳ đổi mới và phát triển càng cần phải vận động toàn dân ưu tiên tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước; dành ngân sách và ngoại tệ để nhập khẩu công nghệ tiên tiến nhằm phát triển sản xuất, góp phần ngăn chặn và kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội...
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trình bày trước Chính phủ mới đây, thời gian qua cuộc vận động trên kết quả còn hạn chế. Tâm lý “sính” hàng ngoại vẫn phổ biến trong các tầng lớp nhân dân; hàng hóa nhập khẩu vẫn tràn lan, trong đó có nhiều mặt hàng tiêu dùng, nông sản... trong nước sản xuất được và thậm chí còn tốt hơn. Gánh nặng nhập siêu vì thế ngày càng đè nặng lên nền kinh tế nước nhà vốn đang hết sức khó khăn.
Nguyên nhân của thực trạng trên đây, một phần do lãnh đạo các ngành, các cấp chưa quan tâm đúng mức cuộc vận động. Từ cuối năm 2010, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng đến nay mới có 10 bộ, ban, ngành... ở Trung ương và 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có báo cáo về kế hoạch triển khai thực hiện. Một số bộ, ngành, địa phương tuy có triển khai nhưng giải pháp chung chung, do làm kiểu “phong trào” và thời vụ, từ sau Tết Nguyên đán đến nay hầu như... im ắng (!).
Để khắc phục tình trạng trên, dư luận cho rằng, cùng với việc kiện toàn Ban chỉ đạo Cuộc vận động ở các cấp, Chính phủ cần tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện cuộc vận động ở các ngành, địa phương. Đặc biệt, Chính phủ sớm chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng Đề án quốc gia về phát triển thương mại trong nước, thông qua liên kết một số ngành dịch vụ nhằm củng cố và phát triển hệ thống phân phối, bán lẻ đi đôi với chiến lược quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao.
Dùng hàng nội là yêu nước! Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, khẩu hiệu này đã được nêu lên trong các phong trào cách mạng do các văn thân, nhân sĩ yêu nước khởi xướng. Do hạn chế của lịch sử, ngày ấy khẩu hiệu trên chỉ nhằm thể hiện tinh thần phản kháng trước chính sách cai trị thực dân, như lời một bài ca thuở ấy: Rượu ta nấu chúng cho rượu lậu. Muối ta làm chúng bảo muối gian... Ngày nay Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mang ý nghĩa kinh tế - xã hội rộng lớn hơn và ở tầm cao hơn, nhưng tinh thần yêu nước vẫn là nội dung cốt lõi!
Theo: qdnd.vn