Khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) là ngành khoa học nghiên cứu về con người, về xã hội. Thế nhưng, chưa bao giờ ngành học quan trọng nhường ấy, lại bị coi nhẹ như hiện nay.
Các số liệu thống kê cho thấy, số lượng thí sinh thi vào khối C những năm gần đây chỉ chiếm khoảng 10% tổng số hồ sơ đăng ký. Nhưng trong đó, chỉ có khoảng 30% là thí sinh ở các thành phố, còn lại hầu hết đều từ khu vực nông thôn.
Trước tình trạng các trường KHXH&NV ngày càng mất giá, nhiều nhà làm giáo dục đã phải thốt lên rằng: “Những trường đào tạo KHXH&NV đang bị coi như đại học hạng hai”.
Việc ấy, hoàn toàn đúng! Nhưng thực tế, tình trạng các trường đào tạo KHXH&NV không được xếp vào hạng nhất đã diễn ra từ rất lâu. Câu “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm” đã lan truyền trong giới sĩ tử cả nước hàng chục năm qua. Khoảng hơn chục năm trở lại đây, khi cánh cửa kinh tế đất nước mở rộng để hội nhập, ngành kinh tế trở nên “hot” hơn bao giờ hết và thu hút đông đảo người theo học. Trong khi đó, ngành KHXH&NV ngày càng tụt bước đến thê thảm.
Thế nhưng, đừng quá vội bi quan!
Trước hết, nên nhìn nhận xác đáng những nguyên nhân khiến ngành KHXH&NV đang thiếu sức hút. Những nguyên nhân được coi là “phổ biến” gồm: Người dạy thiếu thuyết phục, kinh phí đầu tư “hẻo”, ở mức cao hơn thì là sự thiên lệch trong việc hoạch định và điều hành chính sách… Những nguyên nhân ấy hoàn toàn xác đáng. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác quan trọng hơn nhiều, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Đó chính là nhu cầu của thị trường lao động.
Nền kinh tế Việt Nam, dù một vài năm qua có chững lại do khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng vẫn nằm trên đà phát triển nhanh. Do đó, nhu cầu lao động cho các ngành kinh tế và khoa học trở nên cực lớn. Vì thế, việc đông đảo thí sinh đâm đơn thi các ngành kinh tế là tất yếu. Đó là sự dịch chuyển tự nhiên của nguyên lý “cung - cầu”. Và vì thế, cũng đừng vội choàng cái tội “thực dụng” lên đầu thí sinh. Ngược lại, lượng thí sinh càng đông, các trường đào tạo kinh tế càng có cơ hội lọc lựa những sinh viên có chất lượng. Để rồi, sau đó, khi ra trường phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.
“Dân dĩ thực vi thiên” (Dân lấy ăn làm trời), dân phải có ăn rồi mới bàn chuyện khác. Trong khi, dù đã vượt qua mức nghèo, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, nhưng cuộc sống của người dân ta vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì thế, việc những lao động tương lai tìm đến với con đường phát triển kinh tế là tất yếu. Và cũng do đó, nên nhìn nhận tình trạng thí sinh quay mặt với các trường đào tạo KHXH&NV một cách “bình tĩnh”.
Vấn đề của hiện tại, đối với ngành KHXH&NV, là phải lựa chọn giải pháp phù hợp để có thể phát triển trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội.
Về đầu tư, việc ấy hoàn toàn cần thiết. Ai cũng biết, đầu tư cho KHXH&NV không mang lại nhiều giá trị tức thời nhưng lại có giá trị rất lớn trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu hiện tại đổ thật nhiều tiền để đầu tư cho ngành KHXH&NV trong bối cảnh nền kinh tế đang rất khát vốn để phát triển nhanh thì cũng không hợp lý. “Nước xa không cứu được lửa gần”, cần đặt trọng tâm vào giải quyết bài toán phát triển kinh tế trước mắt. Thế nhưng, điều ấy không có nghĩa là không quan tâm đầu tư cho KHXH&NV.
Trong vài thập kỷ trước, có một số nước cho rằng: Chỉ cần tăng trưởng kinh tế với việc sử dụng cơ chế kinh tế thị trường cùng với việc phát triển sử dụng khoa học công nghệ cao là có sự phát triển. Sau một thời gian thực hiện kết quả cho thấy, các quốc gia đó đạt được một số mục tiêu về tăng trưởng kinh tế nhưng đã vấp phải sự xung đột gay gắt trong xã hội, sự suy thoái về đạo đức, văn hóa ngày càng tăng. Từ đó, kéo theo kinh tế phát triển chậm lại, mất ổn định xã hội tăng lên và cuối cùng là sự phá sản của các kế hoạch phát triển kinh tế, đất nước rơi vào tình trạng suy thoái. Đây là quan niệm phát triển nhanh bằng cách hy sinh các giá trị văn hóa - xã hội cho sự phát triển. Và, trên thực tế, quan niệm ấy đã bị phá sản. Từ thực tế đó, một số nước đã lựa chọn mô hình: Tăng trưởng kinh tế cùng với việc phát triển tài nguyên con người, bảo vệ môi trường sinh thái. Mô hình này, tuy tăng trưởng kinh tế không nhanh, nhưng lại bền vững, xã hội ổn định. Đây là quan niệm phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa.
Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của sự phát triển và đã manh nha xuất hiện những “triệu chứng” của mô hình phát triển “chỉ cần tăng trưởng kinh tế”, với những biểu hiện như sự suy thoái về đạo đức, suy thoái về văn hóa ngày càng gia tăng. Vì thế, để không tự biến mình thành một “quốc gia trọc phú”, ngành KHXH&NV cần phải được nhìn nhận lại và đặt đúng vị trí hơn.
Trước hết, việc đào tạo kiến thức về KHXH&NV phải là cái nền cơ bản cho sinh viên mọi khối ngành trước khi đi vào chuyên ngành. Thực tế, trong chương trình đào tạo sinh viên các ngành tự nhiên, kinh tế, các môn KHXH&NV vẫn chiếm một tỷ trọng nhất định. Tuy nhiên, tỷ trọng ấy vẫn còn quá nhỏ và thường bị coi là môn “phụ”. Vấn đề của hiện tại là phải “đặt” lại vị trí của KHXH&NV ngay trong chương trình học của các ngành khác.
Đối với bản thân các trường đào tạo KHXH&NV, để thu hút người học đối với nhóm ngành này, chương trình đào tạo phải hài hòa giữa tính hàn lâm và tính ứng dụng, phải thường xuyên cập nhật và làm mới, sát yêu cầu xã hội thì mới giải quyết được đầu ra.
Bên cạnh đó, để người học đến với các ngành này, cần xác định rõ vai trò của KHXH&NV đối với đất nước. Cần có chính sách học bổng và chính sách tuyển dụng để thu hút được những thí sinh giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và phải sử dụng họ hiệu quả nhất.
Nhiệm vụ của KHXH&NV là cung cấp các luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách phát triển đất nước nhanh và bền vững trên các mặt trận kinh tế, văn hóa, chính trị. Thực tế, những kết quả nghiên cứu của KHXH&NV đã giúp chính phủ hoạch định các chính sách đúng đắn, làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Bên cạnh đó, KHXH&NV đóng vai trò thiết yếu để phát huy chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc. Vì thế, KHXH&NV cần phải được đặt đúng vị trí, vai trò của nó./.
Theo: qdnd.vn