Tháng 6 là thời điểm các trường tiểu học, THCS trong tỉnh hoàn thành việc tuyển sinh đầu cấp nên vào thời điểm này, thông tin về các trường điểm, trường chất lượng cao luôn được các bậc phụ huynh đưa ra bàn thảo và tìm cách “chạy” trường cho con. Để tìm hiểu thực hư vấn đề này, trong vai người đi xin học cho con, chúng tôi gặp chị P, người được cho là có quan hệ rộng, hay “dẫn mối” trong việc xin cho trẻ vào học tại trường tiểu học P (TP Nam Định). Qua giới thiệu của chị P, chúng tôi đã trực tiếp liên hệ với cô A để đặt vấn đề xin cho con vào trường. Sau khi giới thiệu mình là người nhà chị P, cô A đã thẳng thắn: “Chỗ thân quen, bảo đảm con anh chị không phải qua “cầu” nào nữa, nhưng “giá” hơi cao đấy…”. Quá bất ngờ với số tiền cô A ra giá, nhưng chúng tôi vẫn mềm mỏng để xem cô có hạ bớt đi phần nào, nhưng cô A đã quả quyết: “Chị thông cảm, nếu cháu không vào thì sẽ có người khác thay”. “Nhưng có chắc chắn là cháu được vào học không cô? Năm ngoái, bà chị em đã nộp tiền rồi mà cuối cùng con vẫn phải quay về trường đúng tuyến gần nhà đấy!”. “Đấy là người ta nhận bừa chứ mấy năm rồi, giờ em mới nhận một “suất” nên anh chị cứ yên tâm!”. Lấy cớ ngày mai sẽ quay lại đưa tiền, chúng tôi nhanh chóng dắt xe ra về trong tiếng “dặn dò” của cô A: “Không nhanh thì đừng trách em không để phần cho nhé!” (!).
Năn nỉ mãi, cuối cùng chị đồng nghiệp cũng cho tôi đi cùng đến nhà người thân của cô hiệu trưởng trường T để nhờ xin học trái tuyến cho con. Chị H (người tự giới thiệu là họ hàng của hiệu trưởng) nhận “giúp” cho cháu được vào học với số tiền “khá mềm”. Chị đồng nghiệp vội rút ngay tiền ra đưa như sợ chậm một chút sẽ “mất cơ hội” trước sự ngỡ ngàng của tôi. Không biết để trấn an tôi hay động viên chính bản thân trước sự vội vàng đó, chị thì thầm vào tai tôi: “Hy vọng sẽ được em ạ, năm ngoái mấy người có con vào học tại trường này qua chị H rồi!?”.
Hàng năm, ngành GD-ĐT đều chỉ đạo rất quyết liệt việc tuyển sinh trái tuyến, tuyển sinh vào các trường “chất lượng cao”. Và, thực tế các trường công khai nhận hồ sơ, công khai danh sách học sinh được tuyển vào trường. Nhưng sau khi bước vào năm học mới, khi con em đã ổn định chỗ học, nhiều người vẫn xì xào rằng cô A, thầy B, hay anh C đã nhận tiền để cho con em vào học tại trường và cũng có những trường hợp, dù đã nộp được hồ sơ cho con, nhưng trong danh sách học sinh được tuyển không có tên con mình!
Thông thường, khoảng giữa tháng 6, các trường tiểu học, THCS đã phát hồ sơ tuyển sinh đầu cấp. Trường hợp muốn xin vào trường trái tuyến cho con cha mẹ đều chạy đôn chạy đáo tìm kiếm mối quan hệ quen để “đặt chỗ trước”. Tâm lý của nhiều phụ huynh là muốn cho con em mình được học ở những trường có chất lượng tốt, dù phải đi xa và đóng góp nhiều hơn học sinh đúng tuyến, nên đối với các trường được coi là trường “điểm”, áp lực từ việc nhận học sinh trái tuyến rất lớn, bởi học sinh đông nếu không bảo đảm được cơ sở vật chất sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Trong khi đó, đối tượng xin học trái tuyến thường là người thân, người quen của giáo viên trong trường và đôi khi còn từ những áp lực “vô hình” khác, mà hiệu trưởng không dễ chối từ. Một giáo viên trường tiểu học trên địa bàn Thành phố Nam Định cho biết: “Sở GD-ĐT đã có quy định các trường không được nhận học sinh lớp 1 trái tuyến. Do đó, nhà trường chỉ được phép nhận học sinh đúng tuyến. Những trường hợp trái tuyến chỉ có thể ưu tiên đặc biệt cho con ruột cùng có hộ khẩu với giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong trường. Thế nhưng, trên thực tế vào năm học, vẫn có nhiều học sinh trái tuyến đến lớp!”.
Theo các nhà quản lý giáo dục, đối với bậc tiểu học, việc tạo điều kiện cho học sinh có thời gian tham gia các hoạt động, trò chơi để phát triển toàn diện về nhân cách, thể chất là việc làm quan trọng. Bởi, đây không phải là cấp học chuyên về kiến thức nên chuẩn kỹ năng rất nhẹ nhàng. Hơn nữa, đối với trẻ 6 tuổi vào lớp 1, sức khỏe là điều quan trọng nhất. Hãy để con em phát triển bình thường, học tập trong môi trường hài hòa giữa gia đình và nhà trường. Học gần nhà, đúng tuyến, các em sẽ có được tâm lý thoải mái, đảm bảo sức khỏe, có thời gian vui chơi. Hiện nay, nhiều phụ huynh chỉ vì cố gắng tìm một môi trường học tập tốt, hy vọng con có cơ hội phát triển, học tập tốt hơn mà không nghĩ đến quyền lợi và sức khỏe của trẻ. Rất nhiều trẻ đã không chịu được áp lực học tập khi phải cố gắng để được vào đội tuyển học sinh giỏi theo “yêu cầu” của bố mẹ, hay phải dậy sớm để đi học cách xa nhà nhiều cây số. Vẫn biết ở các trường chất lượng có nhiều giáo viên giỏi và tận tâm với nghề là yếu tố giúp học sinh tiếp thu và học tập tốt nhưng việc tìm một môi trường học tập phù hợp cho trẻ khi mới đi học mới là việc cần làm của các bậc cha mẹ./.
Thảo Linh