Vui, buồn nghề báo !

08:06, 20/06/2011

Đồng chí Tổng Biên tập Báo Nam Định (thứ hai từ phải sang) nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tặng Báo Nam Định. Ảnh: Xuân thu
Đồng chí Tổng Biên tập Báo Nam Định (thứ hai từ phải sang) nhận Bằng khen của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tặng Báo Nam Định.
Ảnh: Xuân Thu
Không giống như các nghề nghiệp khác, nghề báo có những đặc thù, đòi hỏi người làm báo phải thực sự say nghề, tâm huyết với nghề. Trong suốt hơn 30 năm làm báo, tôi có nhiều những chuyện vui, buồn trong quá trình tác nghiệp. Cứ vào dịp Ngày Nhà báo Việt Nam (21-6) hằng năm, tôi lại bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm về nghề nghiệp của mình.

Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1978,  tôi được phân công công tác giảng dạy ở Trường Đại học Tổng hợp Huế. Nhưng do yêu thích nghề báo, nên tôi làm đơn xin làm phóng viên. Hồi đó, số cơ quan báo chí chưa nhiều và đội ngũ phóng viên cũng không đông đảo như bây giờ, chỉ tiêu biên chế ít; nhưng thật may cho tôi được về nhận công tác tại cơ quan Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội. Những ngày đầu tập sự, tôi được cử lên tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) công tác. Thủ trưởng trực tiếp của tôi là nhà báo Ngô Đức Phương, một người đã luống tuổi và có nhiều kinh nghiệm làm báo. Được phân công đi làm tin đầu tiên về Cty Gang thép Thái Nguyên mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng thép thành phẩm, tôi hào hứng đi lấy tài liệu và sau một đêm gần như thức trắng, tôi đã hoàn thành tác phẩm đầu tay với gần 5 trang đánh máy. Khi duyệt tin của tôi, nhà báo Ngô Đức Phương đã trả lại và nói ngắn gọn nhưng dứt khoát: Cậu làm báo hay làm văn đấy! Viết lại đi, ngắn gọn nhưng đủ ý theo kết cấu của tin là hình tháp lộn ngược, nghĩa là những gì cốt lõi nhất, bản chất nhất của tin phải đưa lên ngay từ đầu… Tôi “tiu nghỉu” và viết lại tin đến 4 lần mà vẫn chưa được. Cuối cùng viết lại đến lần thứ 6 với độ dài còn lại của tin chỉ còn gần 1 trang đánh máy thì mới được đăng trên Bản tin TTXVN… Thú thật, khi ấy tôi có “tự ái” và có ý “oán trách” đồng chí Trưởng Phân xã TTXVN tại Bắc Thái khi ấy nhưng chỉ sau một thời gian ngắn tôi nhận thấy mình đã nghĩ sai về một nhà báo tốt đã tận tâm dìu dắt mình trong nghề nghiệp và thực sự cảm ơn ông rất nhiều. Đến nay qua rất nhiều năm làm báo, đã viết hàng nghìn cái tin từ cơ quan cũ TTXVN cho đến các thời kỳ ở Báo Hà Nam Ninh, Báo Nam Hà và ngày nay là Báo Nam Định, tôi lại thấy rõ hơn: Nhờ có sự nghiêm khắc ban đầu của nhà báo Ngô Đức Phương mà tôi “thạo” làm tin, viết tin nhanh hơn, chuẩn xác hơn và kịp thời, đúng hướng hơn. Đến hôm nay nhà báo Ngô Đức Phương không còn nữa nhưng những gì ông đã truyền đạt cho tôi về nghề làm báo là những kinh nghiệm quý và tôi vẫn luôn trân trọng.

Nghề làm báo quả có nhiều vui buồn. Buồn vì có những lúc đi lấy tư liệu khó khăn, vất vả nhưng sản phẩm lại không được dùng(!). Buồn vì sự đổi mới trong cách nghĩ, cách viết của mình chưa thật vượt lên chính mình và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp báo chí cách mạng hiện nay cũng như yêu cầu của bạn đọc, của thực tiễn cuộc sống đã và đang đặt ra. Vui vì nghề làm báo được đi đây đi đó nhiều, quan hệ rộng, mở mang thêm hiểu biết về cuộc sống. Tôi còn nhớ mãi không quên về những bài báo dài kỳ của mình đăng trên báo Hà Nam Ninh cũ như các bài: “Những tấm lòng vàng”, “Lên biên giới”, “Gặp những chiến sĩ tử tù”. Và rồi những chuyến đi “xuyên Việt”, tôi được Tỉnh Đoàn Hà Nam Ninh mời đi để viết báo về Đoàn từ những năm 1985…

Những vui, buồn trong nghề báo cũng đã dạy cho tôi những kinh nghiệm sống và kinh nghiệm làm báo. Tôi vẫn nghĩ: Nghề nào cũng là nghề, cũng có những yêu cầu, đòi hỏi riêng, song đối với nghề làm báo mang nhiều tính đặc thù thì dù vui hay buồn, thậm chí là có khi “vấp” phải những “tai nạn nghề nghiệp” thì cũng luôn phải có bản lĩnh vững vàng của người cầm bút, phải có ý thức chính trị và trách nhiệm công dân cao, có đạo đức và lương tâm nghề nghiệp, phải yêu nghề, say nghề, tâm huyết với nghề thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.

Phạm Quốc Tuấn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com