Vì trẻ thơ trước hết là đạo đức

08:06, 09/06/2011

Năm nay, lần đầu tiên nước ta tổ chức một tháng hành động với chủ đề cải thiện môi trường sống cho trẻ em. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm đến trẻ em đã tiến thêm một bước.

Từ rất sớm, nước ta đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Việt Nam được ghi nhận là một trong những quốc gia thực hiện xóa đói, giảm nghèo tích cực và có hiệu quả thiết thực. Xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống nói chung, cũng là cải thiện đời sống cho hàng triệu trẻ em. Đến nay trên 90% trẻ em trong độ tuổi đã được đến trường, trong đó không ít em thuộc diện nghèo vượt khó. Nhiều địa phương trong cả nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, hải đảo đã phổ cập trung học cơ sở; nhiều trường đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia, học sinh các trường này là các em nhi đồng và thiếu niên. Trẻ em ở nước ta còn được pháp luật bảo vệ ngày càng chi tiết và cụ thể, từ trong gia đình, ở trường học cũng như xã hội. Nhiều chính sách như tiêm chủng mở rộng, miễn viện phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, các phong trào chăm sóc và bảo vệ thiếu nhi của nhân dân cả nước đã góp phần giúp các em được chơi, được học, được chăm sóc sức khỏe. Về bảo vệ và chăm sóc trẻ em ở Việt Nam, không chỉ trong nước mà dư luận nước ngoài cũng khâm phục.

Tuy nhiên, cũng còn không ít băn khoăn. Việt Nam còn 3 triệu hộ nghèo và 1,5 triệu hộ cận nghèo theo tiêu chí nghèo mới. Trong mỗi gia đình thường có ít nhất một, hai trẻ em. Như vậy chỉ tính các hộ này thôi, nước ta còn hơn chục triệu trẻ em nghèo, một con số không nhỏ. Đã nghèo tức là gặp nhiều khó khăn trong học hành, trong đời sống, trong chăm sóc y tế. Trẻ em Việt Nam đã thoát khỏi cảnh phải đi lính nhưng vẫn phải lao động nặng nhọc trước tuổi; bị đánh đập, hành hạ ngay trong gia đình của mình; bị lôi cuốn vào các hành vi tội ác, thiếu nhân phẩm. Nhìn những tấm ảnh một em bé ở Cà Mau bị hành hạ đến thương tật; xem đoạn băng video một em gái bị đánh đập ở nhà trẻ Đồng Nai; một bé gái ngây thơ ở Hà Giang bị bán ra nước ngoài làm nghề mại dâm, không ai không khỏi đau lòng. Thoát nghèo ở một nước nghèo, được giải phóng, được bảo vệ và chăm sóc ở một nước nhiều đời nay con người chưa được bảo vệ và chăm sóc tức là sự sung sướng, tự do mới chỉ bước đầu. Con đường để mọi trẻ em đều là những đứa trẻ hạnh phúc còn lâu dài.

Nhưng dù lâu dài, không thể nôn nóng, vẫn còn những việc ta có thể làm ngay để rút ngắn thời gian hoặc không để xảy ra nhưng ta đã không làm hoặc không kiên quyết làm. Chẳng hạn như vấn đề giáo dục. Để tránh bàn rộng quá, chỉ xin giới hạn ở giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em mà thôi.

Có thể cách nhìn của tôi chưa chuẩn chăng, nhưng rõ ràng trong mắt tôi, trẻ em hôm nay không ngoan bằng trẻ em ngày trước. Trẻ em ngày trước lễ phép với cha mẹ và những người trên, yêu thương, chia sẻ và nhường nhịn kẻ ít tuổi, yếu đuối, bất hạnh hơn mình. Chúng ta rất ấm lòng trước lối sống lễ độ, ngoan ngoãn, vâng lời, đi thưa về gửi của các em. Không chỉ trong giao tiếp, từ trong ý thức và tâm hồn, các em luôn tôn sùng nhân ái, hòa đồng, khiêm tốn. Có trẻ em hư, nhưng bên cạnh một số em hư, vẫn có sự khuôn phép, tử tế mà số này chiếm phần đông. Một xã hội như thế, trong nhà nền nếp gia phong, ra ngoài khiêm nhường, lịch sự, mua một mớ rau muống cũng được nhận lời cảm ơn. Nhưng ngày nay, những thuần phong mỹ tục ấy đã gần như biến mất. Đúng là trẻ em ngày nay thông minh hơn, tự tin hơn, giàu ước mơ và sức sáng tạo hơn, nhưng thói hư tật xấu, sự xuống cấp về đạo đức, sự cằn cỗi về tâm hồn và tỷ lệ phạm tội cũng tăng lên gấp bội. Thật khó hình dung được tình trạng buông thả về tình dục vị thành niên (phải chăng là một cơn bão cách mạng tình dục đang lan tràn ở nước ta); tình trạng khoe hàng, lộ hàng vô liêm sỉ; tình trạng hành hạ bạn gái của nữ sinh được tung lên mạng; tỷ lệ hút thuốc, uống rượu, nghiện hút ma túy đang nhan nhản ở cả trẻ em trai và gái như hiện nay. Càng kinh ngạc hơn khi chứng kiến thái độ trơ lỳ, bất cần hoặc phản ứng chống đối dữ dội của các trẻ em bị bắt vì mại dâm, hút chích ma túy, sinh hoạt tình dục bầy đàn, đua xe lạng lách trái phép, sống thác loạn. Trước hết là tức giận, nhưng sau mọi tức giận là sự thương cảm, đau xót, thất vọng… của chúng ta trước sự lộng hành của cái xấu, cái ác; sự băng hoại của thế hệ tiếp nối.

Vì sao lại xảy ra tình trạng ấy là câu hỏi thường được đặt ra mỗi khi nhận một thông tin hoặc trực tiếp chứng kiến những điều đau lòng đó. Tìm một câu trả lời thỏa mãn tất cả mọi người ngay một lúc là khó nhưng có lẽ muốn có những thế hệ tiếp nối đáng mừng, đáng tin cậy trước hết không chỉ là chăm lo về vật chất mà phải quan tâm hàng đầu tới tinh thần, tới văn hóa. Trước đây chúng ta nghèo hơn, chậm phát triển hơn nhưng con người được giáo dục kỹ càng, chu đáo hơn. Đừng coi đó là thực dân phong kiến để rồi phá bỏ tất cả mà phải coi nền nếp gia phong trên kính, dưới nhường; công dung ngôn hạnh; hiếu nghĩa liêm trí dũng… là văn hóa, là thuần phong mỹ tục của dân tộc được đúc kết từ nghìn đời. Rời xa tinh hoa đó là tội ác, là tham nhũng và các thói hư tật xấu khác mặc sức sinh sôi nảy nở, tác oai tác quái./.

Theo: cand.com.vn

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com