Nắm bắt được nhu cầu vay vốn để lập thân, lập nghiệp của thanh niên nông thôn, từ năm 2003, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp tổ chức ủy thác cho thanh niên vay vốn. Tuy nhiên đến nay, nhiều thanh niên ở nông thôn tại tỉnh ta vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn do tổ chức Đoàn cơ sở gặp nhiều lúng túng khi xúc tiến chương trình.
Cơ sở may của chị Lê Thị Ngát, xã Hải Đông (Hải Hậu) được vay 94 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. |
Từ tháng 4-2005, Tỉnh Đoàn mới tiếp cận với nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) và đến năm 2008, các cơ sở Đoàn trong tỉnh đã nhận ủy thác cho vay 7,7 tỷ đồng. Đến tháng 3-2011, số vốn này tăng lên 54 tỷ đồng với 128 tổ vay vốn tại 8 huyện, thành phố. Thông qua việc thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhiều hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm và thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai chương trình, nhiều cơ sở Đoàn còn lúng túng trong việc giải ngân nguồn vốn vay, chưa biết cách đứng ra nhận ủy thác cho vay, hướng dẫn người vay sử dụng vốn vay đúng mục đích và có hiệu quả. Bên cạnh đó, do đặc thù của đội ngũ cán bộ Đoàn thường xuyên thay đổi trong khi những người nhận uỷ thác vay vốn cần nhiều thời gian, kinh nghiệm nên dẫn đến tâm lý e ngại và một phần đội ngũ cán bộ Đoàn cơ sở có tư tưởng ngại quản lý tiền. Đối với cấp huyện, hầu như không có cán bộ Đoàn chuyên trách nhận uỷ thác vốn vay, việc quản lý theo dõi cũng như trình độ nghiệp vụ còn hạn chế. Tại một số địa phương, Đoàn Thanh niên tiếp nhận nguồn uỷ thác vốn vay từ các tổ chức khác, có một số tổ TKVV chỉ ở mức trung bình và yếu, có những tổ nợ đọng kéo dài nên việc phát triển thành viên và tăng số lượng tổ TKVV chưa cao. Đây là nguyên nhân dẫn tới nợ đọng, nợ quá hạn vốn vay của Đoàn Thanh niên chiếm cao (0,5%).
Hoạt động vay vốn cho thanh niên hiện gặp khó khăn còn do nguồn vốn vay ưu đãi từ NHCSXH ưu tiên cho hộ nghèo, mà thanh niên lại chưa phải là “chủ hộ” nên không đáp ứng được điều kiện vay của ngân hàng. Còn vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh do đoàn viên, hội viên, hộ gia đình, kinh doanh cá thể do thanh niên làm chủ được vay tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án và không quá 20 triệu đồng/lao động được tạo việc làm mới, điều kiện vay phải có tài sản thế chấp, nên nhiều thanh niên không thể tiếp cận với các nguồn vốn này. Bên cạnh đó, tâm lý chưa tin tưởng cho người trẻ vay tiền cũng khiến cho thanh niên vay vốn để lập nghiệp thêm khó khăn. Chị Lê Thị Ngát, chủ cơ sở may ở xã Hải Đông (Hải Hậu), là người tàn tật, với nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của mọi người, chị đã mở được xưởng may, hiện đang dạy nghề miễn phí, tạo việc làm ổn định cho hơn 20 ĐVTN trong xã với thu nhập bình quân 1,7 triệu đồng/người/tháng, trong đó phần đông là người tàn tật. Đã từ lâu chị Ngát mong muốn có nguồn vốn để đầu tư máy móc, mở rộng cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho nhiều người. Đến tháng 5 vừa qua, chị Ngát mới được vay vốn. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 600 tổ chức Đoàn cơ sở nhưng đến hết năm 2010 mới triển khai được 87 dự án vay vốn giải quyết việc làm, 17 dự án đang triển khai với tổng số vốn hơn 1,4 tỷ đồng. Trong thực tế, tỉnh ta còn một số lượng lớn thanh niên chưa có việc làm, tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn. Đối với nhiều thanh niên, vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo việc làm, khởi nghiệp, đầu tư phát triển sản xuất. Do thiếu vốn, con đường lựa chọn của đa số thanh niên nông thôn là “ly hương”, đi tìm việc làm ở các thành phố lớn.
Để chương trình hỗ trợ vay vốn tạo việc làm cho thanh niên phát huy hiệu quả, đội ngũ cán bộ Đoàn các xã, phường, thị trấn cần nắm rõ nhu cầu, việc làm của thanh niên để trợ giúp cách lập dự án vay vốn phù hợp. Đồng chí Trần Đăng An, TUV, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm công tác 2011 cũng như toàn nhiệm kỳ được BCH Tỉnh Đoàn xác định là triển khai thực hiện tốt việc vay vốn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp. Từ đầu năm 2011, BCH Tỉnh Đoàn đã rà soát lại toàn bộ các nguồn vốn, thực trạng về số vốn, hiệu quả cho vay của từng tổ tiết kiệm và xây dựng kế hoạch để các cơ sở Đoàn trong tỉnh có thể tham gia vào hoạt động vay vốn”. Tín hiệu khởi động kế hoạch này là trung tuần tháng 5 vừa qua, Tỉnh Đoàn đã mở lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác cho vay ủy thác cho thường trực các huyện Đoàn. Dự kiến đến tháng 7-2011, Tỉnh Đoàn sẽ tiếp tục mở lớp tập huấn cho cán bộ Đoàn tại 229 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Đây là bước đi cần thiết để thúc đẩy công tác vay vốn, từ đó sẽ có nhiều thanh niên trong tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn, mở ra cơ hội việc làm và lập nghiệp cho thanh niên./.
Bài và ảnh: Ngân Huyền