Văn hoá gia đình và xây dựng gia đình văn hoá

03:06, 23/06/2011

Từ xưa, trong các gia đình truyền thống Việt Nam thường có từ 3 thế hệ trở lên cùng chung sống. Điều này đã tạo sự gắn bó tình cảm theo huyết thống. Các thành viên trong gia đình giúp đỡ nhau về tinh thần và vật chất, cùng chăm sóc thế hệ già, giáo dưỡng thế hệ trẻ. Các mối quan hệ trong gia đình được nâng lên thành “đạo” như một chuẩn mực đạo đức để mọi người thực hiện: đạo làm con, đạo làm vợ, đạo làm chồng… Lòng hiếu thảo của con cái, sự thuỷ chung của vợ chồng, tình yêu thương giữa các thành viên trong gia đình được đề cao và coi trọng. Đó là những giá trị cơ bản của văn hoá gia đình. Cùng với quá trình phát triển của xã hội, gia đình truyền thống cũng có sự biến đổi: Mô hình gia đình dần thu nhỏ. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, giá trị đạo đức truyền thống và nếp sống văn hoá trong gia đình truyền thống đã và đang có nguy cơ bị mai một: quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo: người già phải chịu cảnh cô đơn, trẻ em không được chăm sóc chu đáo, anh chị em trong gia đình mâu thuẫn chỉ vì tranh giành gia tài, tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng…

Mừng thọ cho người cao tuổi - Một nét đẹp của văn hóa gia đình. Ảnh: lam hồng
Mừng thọ cho người cao tuổi - Một nét đẹp của văn hóa gia đình.
Ảnh: Lam Hồng

Nhận thức việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc, tiến bộ là cơ sở, nguồn lực để xây dựng và phát triển xã hội, Đảng, Nhà nước ta luôn chú trọng đến công tác xây dựng gia đình văn hoá, thường xuyên quan tâm củng cố gia đình bằng những quyết sách quan trọng. Trong công tác xây dựng gia đình văn hoá, Bộ VH-TT và DL đã chọn lọc, tiếp thu những yếu tố tích cực hiện đại trong đời sống xã hội kết hợp nhuần nhuyễn với việc gìn giữ, phát huy các giá trị đạo đức của gia đình truyền thống để ban hành và triển khai thực hiện quy chế công nhận “Gia đình văn hoá”. Sở VH-TT và DL tích cực tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền chỉ đạo thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hoá phù hợp với truyền thống và nhiệm vụ chính trị - kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Phong trào đã khơi dậy và phát huy khả năng sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người, mọi gia đình ngày càng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức và nếp sống văn hoá gia đình trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Bằng sự “vào cuộc” của các tổ chức, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của các gia đình, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã thu được nhiều kết quả, đóng góp to lớn vào phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, tạo nền tảng tốt đẹp cho sự phát triển bền vững của gia đình Việt Nam. Việc bình xét, công nhận gia đình văn hoá công khai, dân chủ, đảm bảo nội dung tiêu chí đã quy định nên có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ phong trào. Số lượng gia đình đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá” ngày càng tăng, chất lượng cũng được nâng lên. Nhiều mô hình gia đình văn hoá tiêu biểu trên các lĩnh vực: xoá đói giảm nghèo, khuyến học khuyến tài, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền… được tuyên dương, xứng đáng là những tấm gương điển hình để các gia đình Việt Nam hướng tới và thực hiện. Ở tỉnh ta, xây dựng gia đình văn hoá luôn được coi là yếu tố quan trọng trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở. Với phương thức bám sát địa bàn, bám sát dân cùng biện pháp tiến hành từ “điểm” đến “diện”, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền về vai trò của gia đình với các lĩnh vực: Dân số và môi trường, phát triển kinh tế, phòng chống các tệ nạn xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng... Các địa phương đã khai thác những nét đẹp của gia đình truyền thống, đề cao việc hình thành nhân cách sống và nếp sống có văn hoá, có trách nhiệm của từng thành viên trong gia đình, của gia đình với cộng đồng, tìm hiểu thực trạng mỗi gia đình để có chương trình, biện pháp thực hiện hiệu quả. Gia đình văn hoá được xem là một trong những tiêu chí cơ bản để các làng thôn, cơ quan, trường học được xét công nhận làng văn hoá, đơn vị có nếp sống văn hoá. Từ phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã tác động đến nền tảng gia đình với những quy tắc ứng xử tốt đẹp, phát huy được những giá trị đạo đức truyền thống của gia đình Việt Nam như sự hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới... Bên cạnh đó, quyền bình đẳng giới và vai trò của người phụ nữ được đề cao, trẻ em, người cao tuổi được bảo vệ, được quan tâm chăm sóc. Đặc biệt, phong trào đã góp phần thực hiện tốt công tác khuyến học, khuyến tài, bảo tồn văn hoá truyền thống, đời sống vật chất và tinh thần của từng gia đình được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã có 398.500 gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hoá", nhiều làng có 80-90% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá. Đây chính là những pháo đài vững chắc bảo vệ các thành viên trong gia đình trước những tác động tiêu cực của nền kinh tế thị trường và sự xâm nhập của văn hoá ngoại lai. Tới đây, khi Nghị định của Chính phủ về công tác gia đình được ban hành sẽ là căn cứ pháp luật cho việc xây dựng gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước, tạo điều kiện cho phong trào xây dựng gia đình văn hoá phát triển sâu rộng./.

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com