Trong tổng số 96 xã, thị trấn đang tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015, Trực Nội không có lợi thế gì hơn về điều kiện kinh tế hay ngành nghề truyền thống. Nhưng đến nay, các chỉ tiêu về xây dựng NTM tại đây cho thấy địa phương này đang đứng trong tốp dẫn đầu. Tìm hiểu cho thấy các chỉ số đáng phấn khởi này đều có xuất phát từ một con số rất ấn tượng: Huy động sức dân lên tới trên 58 tỷ đồng... Huy động như thế nào, làm sao huy động được nguồn lực nhân dân lớn như thế trong điều kiện Trực Nội không phải là xã giàu (?) sẽ thực sự là một kinh nghiệm quý cho mỗi địa phương cũng như đối với công cuộc xây dựng NTM của tỉnh…
Kỳ I - Chuyện huy động sức dân ở Trực Nội
Lấy sức dân làm gốc!
Trước khi xây dựng NTM từ giữa năm 2009, Trực Nội không có nhiều ưu điểm hơn các xã, thị trấn khác của huyện Trực Ninh về điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng đã có cũng như các yếu tố lợi thế về phát triển kinh tế. Thậm chí Trực Nội còn là xã khó khăn, vì đời sống của hơn 6 nghìn dân chủ yếu trông chờ vào làm nông nghiệp với bình quân diện tích đất canh tác chỉ đạt 1,8 sào/khẩu. Không có ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới chưa có… Lý do lớn nhất để địa phương này được chọn là 1 trong 10 xã điểm của tỉnh tham gia xây dựng NTM vì đây là địa phương có sự ổn định, người dân có nếp sống ôn hòa, văn hóa, có truyền thống hiếu học. Đồng chí Tô Đình Thức, Chủ tịch UBND, Phó Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã Trực Nội cho biết: “Khi đưa ra chủ trương xây dựng NTM, từ lãnh đạo xã đến từng người dân đều đồng tình vì nhận thức rõ mức sống, điều kiện sống được nâng lên nếu xây dựng NTM thành công. Nhưng nói gì thì nói, việc trước mắt và cốt yếu theo trình tự là phải xây dựng được hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng bảo đảm theo các tiêu chí đề ra. Đó là nền móng cơ bản để tiếp tục thực hiện các tiêu chí khác! Đây thực sự là vấn đề nan giải vì ngân sách địa phương eo hẹp, chỉ đạt 2,1 tỷ đồng năm 2008, nguồn thu không có cơ sở tăng trưởng. Trong khi đó, hầu hết cơ sở hạ tầng lúc đó đều chưa đạt yêu cầu. Vấn đề nào, công trình nào về xây dựng hạ tầng cũng đòi hỏi kinh phí tiền tỷ!”. Lãnh đạo xã đã có hàng chục cuộc họp bàn mà vẫn chưa tìm ra giải pháp. Đã có lúc, sự bế tắc về giải pháp khiến nảy sinh ý kiến cho rằng cách đơn giản nhất là đợi đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, của huyện. Đầu tư đến đâu làm đến đấy, vì về lý cũng không trách được xã khi điều kiện địa phương có hạn…(!)
Làng Văn hóa Bách Tính, xã Nam Hồng (Nam Trực).
Ảnh:
Thu Hà
|
“Vạn sự khởi đầu nan” như vậy nhưng Trực Nội đã không lùi bước trước khó khăn. Không trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, huyện mà quyết tìm ra cách để vượt qua khó khăn ban đầu bằng chính nội lực của địa phương. Đó là huy động sức dân, lấy sức đóng góp của nhân dân để xây dựng NTM. Nguyên nhân để đưa ra hướng đi này chẳng ở đâu xa, nằm ngay trong chính truyền thống tốt đẹp đã được lịch sử của Đảng bộ và nhân dân địa phương ghi lại. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và thời kỳ đất nước còn khó khăn, người dân Trực Nội đã luôn dẫn đầu trong phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Nhiều thời điểm đời sống nhân dân rất khó khăn nhưng người dân Trực Nội vẫn chắt chiu, tiết kiệm, thậm chí bớt phần ăn mặc để đóng góp đủ phần nghĩa vụ và còn cho Nhà nước vay để bảo vệ và xây dựng đất nước. Dẫu biết có lợi thế là truyền thống, nhưng thực tế để đưa được chủ trương này đến với người dân và nhất là được nhân dân đồng tình ủng hộ lại không phải chuyện đơn giản. Như đã nói ở trên, ngay khi đưa chủ trương thực hiện xây dựng NTM, tất cả nhân dân Trực Nội đều đồng tình vì hệ thống 19 tiêu chí đưa ra cho thấy rõ đời sống vật chất, tinh thần của dân sẽ được nâng lên ở mức cao hơn rất nhiều so với hiện tại. Nhưng khi bàn đến việc đóng góp thì không ít người dân dãn ra. Có hai lý do chính lý giải cho việc này. Thứ nhất, một bộ phận nhân dân chưa hiểu rõ nội dung, trách nhiệm trong xây dựng NTM, vẫn nghĩ đây là công việc được Nhà nước đầu tư toàn bộ kinh phí và các điều kiện thực hiện. Thứ hai là do thực tế thu nhập, mức sống của người dân Trực Nội chưa cao, việc đóng góp kinh phí trước mắt sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế gia đình các hộ, nhất là các hộ diện nghèo, cận nghèo, thậm chí cả hộ trung bình. Chính vì vậy, việc làm đầu tiên của lãnh đạo, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã không phải là đưa ra mức đóng góp bao nhiêu với mỗi hộ, mỗi khẩu mà là phải đả thông tư tưởng để người dân thấy rõ lợi ích đi đôi với nghĩa vụ, xây dựng NTM là vì nhân dân, tương lai Trực Nội có trở thành NTM hay không chủ yếu do nhân dân quyết định bằng sự chung tay, góp sức từ mỗi cá nhân, gia đình. Từ giữa năm 2009 bắt đầu thực hiện xây dựng NTM đến đầu năm 2010, chỉ riêng tại cấp xã của Trực Nội đã diễn ra 25 hội nghị quán triệt tinh thần về xây dựng NTM theo hướng này. Thống kê ở mỗi thôn, mỗi chi bộ cũng có không dưới 10 cuộc họp cán bộ, nhân dân để giải thích, vận động toàn dân tham gia đóng góp xây dựng NTM. Ông Trương Minh Khắc, Trưởng thôn Thái Lãng cho biết: “Cả thôn có 450 hộ, 1.280 khẩu. Hộ ít nhất cũng dự họp xã, họp thôn đến hơn 10 lần. “Mưa dầm thấm lâu”, quan trọng hơn là lý lẽ đúng thì dân sẽ nhận ra. Rồi người hiểu trước tự đi vận động người chưa hiểu. Đến nay khẳng định 100% nhân dân thôn Thái Lãng, người khá giả cũng như người còn khó khăn đều sẵn sàng góp công, góp sức tham gia xây dựng NTM!”. Ông Vũ Đình Tuyến với gia đình hơn 10 khẩu, vẫn ở diện hộ nghèo theo tiêu chí mới vừa được bình bầu cuối năm 2010 đã tâm sự: “Tôi nghĩ rằng xây dựng NTM chính là cơ hội lớn nhất để gia đình tôi thoát nghèo và vươn lên. Xây dựng NTM thành công thì người được hưởng lợi lớn nhất chính là những người nghèo như gia đình tôi. Chính vì vậy mà vợ chồng, cha con bảo nhau dù khó khăn đến mấy cũng đóng góp đủ phần trách nhiệm của mình, không để thiếu, chậm một ngày công, một đồng đóng góp!”. Còn ông Vũ Đình Thắng, Bí thư chi bộ Đội sản xuất 15 thì khẳng định: “Ở chi bộ của tôi cũng như tất cả các chi bộ khác đều nhất quán quan điểm là cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, tiên phong trong đóng góp xây dựng NTM để nhân dân nhìn vào đó thực hiện. Không chỉ có vậy, mỗi cán bộ, đảng viên còn phải có trách nhiệm vận động họ hàng, ngõ xóm, kể cả người thân đã rời quê đi xa làm ăn cùng hăng hái tham gia góp sức!”. Hộ nghèo có ý thức như thế; cán bộ, đảng viên gương mẫu, có trách nhiệm như thế; việc huy động sức dân đóng góp xây dựng NTM ở Trực Nội không thể không có kết quả tốt! Đáp số cuối cùng là vượt lên trên điều kiện của một địa phương còn khó khăn về kinh tế, Trực Nội huy động tổng lực các nguồn đóng góp của dân được 58,050 tỷ đồng. Con số này thực sự ấn tượng khi tổng số kinh phí huy động nhân dân đóng góp của cả 10 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh đến nay mới đạt gần 78 tỷ đồng.
“Khoan thư sức dân” để xây dựng NTM bền vững!
Từ cuối năm 2009 đến năm 2010, phong trào đóng góp xây dựng NTM diễn ra sôi nổi ở Trực Nội, trở thành phong trào thi đua giữa làng trên, xóm dưới, giữa các dòng họ và ngay trong các gia đình. Tuy nhiên, đến đây lại gặp thêm một kinh nghiệm quý của Trực Nội về việc cần có tầm nhìn xa, biết khoan thư sức dân để việc huy động đóng góp được lâu dài, tạo hiệu quả xây dựng NTM được bền vững. Chủ tịch UBND xã Tô Đình Thức cho biết: “Sau khi thông suốt về tư tưởng, nhiều hộ dân tìm đến lãnh đạo xã, lãnh đạo thôn xin đóng góp. Nhưng lúc này chúng tôi lại xác định rõ hai vấn đề nguyên tắc về huy động dân đóng góp. Thứ nhất là việc xây dựng NTM là quá trình lâu dài, trước mắt cũng là 5 năm nên không thể vội vàng huy động một lúc, huy động tối đa nguồn lực được. Vì vậy lãnh đạo và nhân dân cùng nhau bàn bạc xem việc gì, công trình gì cần làm trước, cần triển khai ngay thì đồng thuận đóng góp cùng làm. Làm gì phải rõ ràng, công khai từng việc, từng phần với dân để dân thấy rõ hiệu quả đóng góp, lấy chữ tín cho lần sau. Vấn đề thứ hai là xác định rõ điều kiện kinh tế của từng đối tượng đóng góp để họ có thể tham gia đóng góp nhưng không ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống hiện tại. Ví dụ hộ giàu, hộ khá, kể cả hộ trung bình thì đóng ngay, đóng đủ. Nhưng hộ nghèo, cận nghèo, hộ gặp khó khăn đột xuất thì đóng thành nhiều đợt. Những hộ quá nghèo thì lãnh đạo xã, thôn, lãnh đạo các đoàn thể có ủng hộ kinh phí, sau đó đi vận động họ hàng, người thân đứng ra hỗ trợ họ đóng góp…”. Nói cách khác thì nguyên tắc đóng góp của Trực Nội là đảm bảo dân chủ và biết “khoan thư sức dân” để giữ sức lâu dài. Nhờ vậy mà suốt hơn một năm nay, xã cứ cần huy động gì là dân Trực Nội đáp ứng ngay. Các công trình, phần việc luôn đảm bảo tiến độ và không để xảy ra bất kỳ băn khoăn, kiện cáo gì. Đơn cử như việc đầu năm 2010 xã đưa chủ trương vận động nhân dân hiến đất để thực hiện xây dựng đường giao thông nội đồng và các công trình phúc lợi của xã. Với các địa phương khác đây là việc lớn, nhiều nơi đến nay chưa làm được nhưng ở Trực Nội thì “nhẹ tựa lông hồng”. Lãnh đạo xã, thôn chỉ cần đem quy hoạch chi tiết đến từng thôn, đội họp dân để tính toán tổng diện tích xã cần là 19 nghìn ha, chia cho nhân khẩu thì số đất mỗi khẩu cần đóng có diện tích 36m2 (1 miếng) là coi như xong. Các hộ chủ động đi làm thủ tục hiến đất, nhiều hộ còn đề nghị đóng thêm khiến xã phải xin khất, hứa sẽ nhận vào lần đóng góp sau. Chỉ trong hơn 6 tháng, đến đầu tháng 8-2010 là quỹ đất công của Trực Nội có thêm hơn 19 ha, tính ra tiền trị giá 38 tỷ đồng.
Cùng với việc huy động được sự đóng góp rất lớn của nhân dân trong xã, Trực Nội còn có phương án tận dụng tối đa nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cụ thể là huy động đóng góp xây dựng NTM từ con em quê hương đang sinh sống ở nơi khác. Việc huy động nguồn lực này ở Trực Nội cũng có cách làm riêng và thu được kết quả rất lớn. Ngay sau khi triển khai xây dựng NTM, lãnh đạo xã Trực Nội đã họp với các chi tộc, dòng họ để bàn về vấn đề này. Cùng với thư kêu gọi, xã cử đoàn cán bộ, nhân dân đến trực tiếp các hội đồng hương Trực Nội ở các nơi vận động đóng góp xây dựng quê hương. Cũng như khi vận động nhân dân trong xã, Trực Nội bàn, định hướng cụ thể với con em quê hương về các hạng mục công trình cần đầu tư, triển khai sớm, tính thiết thực của công trình này. Ví dụ như việc xây trường tiểu học, xã phân tích rõ tình hình giáo dục Trực Nội đang là điểm sáng của toàn huyện luôn là 1 trong 3 xã dẫn đầu huyện về thành tích dạy và học, là nơi được 6 xã lân cận tin tưởng gửi học sinh tiểu học về đào tạo học sinh giỏi… Từ đó đưa ra thực trạng phòng học xuống cấp, trang bị thiếu thốn, ngân sách và điều kiện nhân dân địa phương còn khó khăn và kêu gọi đầu tư. Chỉ tính từ 2009 đến nay, trên địa bàn Trực Nội có hàng chục công trình phúc lợi được hoàn thành hoặc đang thi công do nguồn đầu tư của con em Trực Nội xa quê. Tiêu biểu là Trường Tiểu học và Đền liệt sỹ xã do đồng hương tại Hà Nội đầu tư có tổng trị giá 12,5 tỷ đồng, đã khánh thành giữa năm 2010, Nghĩa trang xã đang thi công từ cuối năm 2010 với hỗ trợ 1 tỷ đồng của Hội đồng hương Trực Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh và các nơi khác… Các công trình thi công đều do chính nhà đầu tư và nhân dân trong xã thực hiện giám sát…
Nguồn lực huy động từ nhân dân là yếu tố chính để tạo ra sự đổi thay rõ nét hiện nay tại Trực Nội. Đối chiếu cho thấy xã đã đạt và sắp đạt 13 tiêu chí xây dựng NTM, cơ bản hoàn thành các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng NTM. So sánh với trước khi triển khai đã tăng tới 8 tiêu chí… Quan trọng hơn cả, theo Chủ tịch UBND xã Tô Đình Thức thì “Biểu hiện về sự đồng lòng nhân dân hôm nay sẽ là nền móng vững chắc để triển khai và hoàn thành khối lượng công việc rất lớn trong xây dựng NTM Trực Nội tương lai!” …
Hoàng Long