Sức dân trong xây dựng nông thôn mới (kỳ cuối)

08:06, 22/06/2011

[links()]

Kỳ 2: Chung sức xây dựng nông thôn mới !

Thống kê sơ bộ, chỉ với 96 xã, thị trấn triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn 2010-2015 đã có nhu cầu vốn lên tới 9.000 tỷ đồng, trong đó riêng nhu cầu vốn xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn là 4.070 tỷ đồng. Thực tế hơn 1 năm triển khai xây dựng NTM chưa phải là thời gian dài nhưng cũng đủ thấy rằng địa phương nào huy động sức dân được nhiều hơn thì tiến độ thực hiện các tiêu chí NTM nhanh hơn. Đặc biệt, chất lượng thực hiện đạt được cũng cao hơn… Xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm của cả nước. Trung ương và tỉnh đã và sẽ có những đầu tư lớn, nhưng rõ ràng các chỉ số về nguồn vốn cũng như kết quả của các tiêu chí về an ninh, chính trị, văn hóa, xã hội... chỉ có thể đạt được và phát huy hiệu quả bền vững nếu như có sự chung tay đóng góp của nhân dân.

Thành quả của nhân dân !

Báo cáo mới nhất, ngày 10-6-2011 cho thấy tiến độ chung về xây dựng NTM tại tỉnh ta đang đạt kết quả tốt. Tại Hải Đường (Hải Hậu), xã điểm xây dựng NTM của cả nước đến nay đã đạt tổng giá trị thực hiện đề án xây dựng NTM là 90,9 tỷ đồng, trong đó triển khai 32 công trình xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội với tổng vốn đầu tư là 41,7 tỷ đồng, đã có 28 công trình với tổng vốn 27,5 tỷ đồng được hoàn thành. Trong bộ 19 tiêu chí xây dựng NTM, Hải Đường đã hoàn thành 13 tiêu chí (tăng 8 tiêu chí so với trước khi xây dựng NTM) và có thêm 3 tiêu chí đạt tiến độ thực hiện trên 50%, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2011. Ở 10 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, số vốn đầu tư các công trình hạ tầng xã hội đã thực hiện đạt trên 145 tỷ đồng. Cả 10 xã đều hoàn thành từ ít nhất 9 tiêu chí trở lên, dự kiến hết năm 2011 sẽ đạt ít nhất trên 13 tiêu chí. Đối với 85 xã, thị trấn còn lại đều đã hoàn thành điều tra, đánh giá thực trạng nông thôn, đang tiến hành các bước xây dựng quy định huy động đóng góp của nhân dân và cộng đồng. Thống kê sơ bộ, tổng số kinh phí triển khai xây dựng NTM tại Hải Đường và 10 xã điểm của tỉnh đạt khoảng 245 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư vào xây dựng NTM dù mới ở giai đoạn đầu tiên nhưng đã tạo ra sự thay đổi khá lớn bộ mặt nông thôn của các địa phương và người được hưởng thành quả của sự đổi thay đó chính là nhân dân trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Văn Tuần, Chủ tịch UBND xã Hải Đường khẳng định: “Hỏi bất kỳ ai trong số gần 13 nghìn dân Hải Đường đều sẽ nhận được câu trả lời là Hải Đường từ khi xây dựng NTM có tốc độ phát triển bằng cả chục năm về trước!”. Tại xã Hiển Khánh (Vụ Bản), chị Trần Thị Thảo, một nông dân trong xã cho biết: “Chưa nói tới trường học cao tầng, đường làng, ngõ xóm, chợ… đều khang trang, sạch đẹp. Chỉ riêng việc quy hoạch và xây dựng hệ thống đường ra đồng, bãi đã khiến dân trong xã thấy phấn khởi vì công việc đồng áng sẽ thuận lợi, tạo điều kiện cho sản xuất mang lại năng suất cao hơn! Chúng tôi tin rằng NTM là cơ hội đổi đời với người nông dân!”. Còn ở Trực Nội (Trực Ninh), bà Phạm Thị Hòa ở thôn Sa Nhất vui mừng: “Chỉ hơn một năm, thôn tôi, xã tôi xây dựng NTM, chẳng nhìn đâu xa, so với mấy xã bên đã khác xa rồi. Trường học, Đền Liệt sỹ, cầu cống, công trình nối tiếp mọc lên. Hơn 6km đường liên thôn đổ bê tông rộng đẹp vào đến tận ngõ ”…

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là trong số vốn được triển khai đó cũng như toàn bộ các kết quả đã đạt được về xây dựng NTM đều có sự đóng góp quan trọng của người dân. Phân tích số liệu cụ thể cho thấy tại Hải Đường, trong tổng số kinh phí thực hiện, ngoài sự đầu tư của TW cho xã điểm toàn quốc 22,3 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh đầu tư 582,7 triệu đồng, vốn ngân sách huyện đầu tư 90 triệu đồng, vốn ngân sách xã đầu tư 2,4 tỷ đồng thì riêng đóng góp của người dân đã lên tới 8,2 tỷ đồng. Tại 10 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh, với tổng vốn thực hiện trên 145 tỷ đồng. Báo cáo tài chính cho thấy số kinh phí huy động trong nhân dân đạt tới 78 tỷ đồng. Cụ thể tại Trực Nội (Trực Ninh) huy động được 58,050 tỷ đồng, tại Hiển Khánh (Vụ Bản) huy động được 5,8 tỷ đồng, tại Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) huy động được 3,8 tỷ đồng, tại Yên Phú (Ý Yên) huy động được 2,6 tỷ đồng… So sánh như trên để thấy rằng kinh phí do nhân dân đóng góp đang đóng vai trò to lớn trong thực hiện xây dựng NTM. Ở nhiều địa phương như xã Trực Nội, Hiển Khánh, nguồn lực này có vị trí chủ lực trong tổng nguồn vốn triển khai, đặc biệt là đối với thực hiện các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục đánh giá theo tiến độ cho thấy ở xã nào người dân đồng thuận cao với chủ trương xây dựng NTM thì kéo theo sức đóng góp cao và tốc độ thực hiện các tiêu chí NTM cũng nhanh hơn. Đơn cử như xã có mức huy động nhân dân cao nhất tỉnh hiện nay là Trực Nội, chỉ sau hơn một năm đã vượt so với trước khi xây dựng NTM tới 8 tiêu chí. Hiện tại địa phương này cơ bản hoàn thành các tiêu chí về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội bằng nguồn lực chính là sức dân. Lý giải nguyên nhân, đồng chí Tô Đình Thức, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Các công trình, phần việc trong xây dựng NTM của xã đều có tiến độ thi công nhanh, đặc biệt là bảo đảm chất lượng cao vì người dân ý thức rất rõ công trình, phần việc đó là do chính họ bỏ tiền ra làm và để phục vụ cho chính đời sống của họ và gia đình, cho cả tương lai con cháu của họ”. Tại Hải Lộc, Chủ tịch UBND xã Cao Đức Thiệp cho biết: “Từ khi có phong trào xây dựng NTM, thông qua bàn bạc đóng góp, trông coi công trình, rồi vận động nhau đóng góp ngày công làm đường, dọn dẹp khang trang xóm ngõ mà tình làng nghĩa xóm ở vùng nông thôn Hải Lộc được nâng lên rất nhiều. Người dân ngày càng biết đoàn kết, quy tụ với nhau, giúp nhau phát triển. Tôi nghĩ đó cũng là giá trị cuộc sống rất lớn mà NTM đem lại cho người dân!”. 

Làng văn hóa Duyên Hưng, xã Nam Lợi (Nam Trực). Ảnh: Thu Hà
Làng văn hóa Duyên Hưng, xã Nam Lợi (Nam Trực).
Ảnh: Thu Hà

Phải chung sức để xây dựng NTM thành công !

Ngày 8-6-2011, phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được phát động. Đây là phong trào được xác định có tầm vóc lịch sử của thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước. Mục tiêu của xây dựng NTM là đưa diện mạo nông thôn lên một tầm cao mới, nâng cao toàn diện mức sống, đời sống của nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Hệ thống 19 tiêu chí xây dựng NTM khép kín, tác động toàn diện và cụ thể đến cuộc sống của người dân nông thôn. Nói cách khác thì xây dựng NTM hướng tới phục vụ nhân dân, vì nhân dân. Đối với tỉnh ta, từ đặc thù trên 80% cư dân sống ở vùng nông thôn, 209 xã, thị trấn/229 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh có sản xuất nông nghiệp thì công cuộc xây dựng NTM càng có vai trò quan trọng. Chính vì vậy, khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ngày 28-10-2008 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM” và nhất là sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4-6-2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020 đến nay thì công tác xây dựng NTM luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của tỉnh cũng như các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương. Giai đoạn 2011-2015, tỉnh ta có 96 xã, thị trấn tham gia xây dựng NTM. Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ có 107 xã, thị trấn phải hoàn thành xây dựng NTM. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu nói trên, trong thời gian qua tỉnh đã ban hành hàng loạt các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các địa phương tham gia xây dựng NTM. Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng tỉnh cũng đã ưu tiên tập trung nguồn lực thực hiện các nội dung xây dựng NTM. Cụ thể, ngoài kinh phí theo chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn đầu tư khác, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ mỗi xã, thị trấn tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 từ 8 đến 10 tỷ đồng. Riêng tổng nguồn lực đầu tư năm 2011 sẽ là 147,8 tỷ đồng…

Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng NTM của riêng 96 xã, thị trấn giai đoạn 2011-2015 đã lên tới 9.000 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn cần sử dụng trước để xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất kinh tế - xã hội đã lên tới 4.070 tỷ đồng. Những con số này thành hiện thực sẽ tác động trực tiếp đến điều kiện sống của từng người dân ở các xã, vùng NTM. Nhưng trước hết, ở thời điểm hiện tại, vấn đề đặt ra là phải làm sao có được số vốn này? Cũng đã nêu ở trên, Nhà nước và tỉnh đã và sẽ thực hiện sự đầu tư lớn, trọng điểm cho công tác xây dựng NTM. Nhưng mục đích cuối cùng của xây dựng NTM là vì nhân dân, cho nhân dân. Chính vì vậy nhân dân cũng phải thể hiện phần trách nhiệm xứng đáng của mình trong công cuộc trọng đại và mang tính lịch sử này. Đây cũng là quan điểm của Đảng, Nhà nước khi triển khai công tác xây dựng NTM. Cần đưa ra ý kiến này vì thực tế tại tỉnh ta, trong khi đại bộ phận nhân dân đều đồng tình với chủ trương xây dựng NTM và hăng hái tham gia đóng góp công sức, của cải để xây dựng NTM, thậm chí rất nhiều người còn đăng ký đóng nộp vượt mức thì ở một số nơi, một số xã vẫn còn một bộ phận nhân dân có thái độ ỷ lại, xem việc xây dựng NTM là của chính quyền, đợi chính quyền đầu tư toàn bộ. Không chỉ người dân, cá biệt có nơi ngay cả cán bộ, chính quyền cấp xã cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này, “than khổ, kêu khó”, không nhiệt tình với chủ trương xây dựng NTM. Biểu hiện cụ thể là có không ít xã đã đăng ký tham gia xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015 nhưng khi biết chính quyền phải vào cuộc quyết liệt, huy động sức dân để xây dựng chứ không phải được Nhà nước đầu tư toàn bộ đã xin rút với lý do “dân nghèo, ngân sách xã thấp”(!). Quay trở lại việc xã nghèo Trực Nội trong hơn 1 năm qua huy động sức dân được hơn 58 tỷ đồng, kết quả triển khai xây dựng NTM đã quá rõ thì thái độ, hành động nêu trên cần được thay đổi ngay để không ảnh hưởng đến lợi ích chung của cộng đồng cũng như kết quả thực hiện xây dựng NTM tại tỉnh ta. Cũng từ thực tế tại Trực Nội cho thấy khi nhân dân đồng tình, ủng hộ thì việc dù khó đến mấy cũng có thể thành công. Điều cốt yếu là cấp ủy Đảng, chính quyền, đội ngũ cán bộ cơ sở phải nói làm sao để dân hiểu, làm thế nào để dân tin và có kế hoạch huy động sức dân hợp lý, lâu dài.

Ngoài vấn đề nêu trên còn có thêm lý do để khẳng định việc huy động sức dân là cần thiết, thậm chí là tất yếu. Công trình, tiêu chí trong xây dựng NTM là vì nhân dân, phục vụ nhân dân. Nếu nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng công trình thì việc giám sát khối lượng, chất lượng thi công, triển khai sẽ chặt chẽ, có chất lượng hơn. Đặc biệt, trong quá trình sử dụng, khai thác các nội dung đầu tư để phục vụ cuộc sống, do bản thân người dân cũng đồng thời là “chủ đầu tư” nên cùng với hiệu quả khai thác sẽ đồng thời có ý thức giữ gìn, bảo vệ tốt hơn, tạo ra tính bền vững cho kết quả, thành quả xây dựng NTM. Có thể khẳng định, chỉ khi nhân dân góp sức, đồng lòng với Nhà nước thì nhiệm vụ xây dựng NTM mới có thể thành công, hiệu quả phục vụ nhân dân của NTM mới bền vững!

Hoàng Long

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com