Phòng chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình văn hoá

08:06, 16/06/2011

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 49 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước”, đến nay, toàn tỉnh có 299.536 hộ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; nhiều địa phương số gia đình đạt tỷ lệ “Gia đình văn hoá” từ 85 đến 90%; tiêu biểu là các xã: Hải Phương, Hải Hà, Hải Thanh (Hải Hậu); Nghĩa Hoà, Nghĩa Lạc (Nghĩa Hưng); Liên Minh (Vụ Bản); Điền Xá (Nam Trực); Yên Đồng (Ý Yên). Phong trào xây dựng “Gia đình văn hoá” còn được gắn với công tác DS-KHHGĐ, được các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân các cấp tham gia, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng thực hiện. 

Lãnh đạo xã Giao Hà (Giao Thủy) triển khai những nội dung xây dựng gia đình văn hóa.
Lãnh đạo xã Giao Hà (Giao Thủy) triển khai những nội dung xây dựng gia đình văn hóa.

Xây dựng gia đình “bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”, là động lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước. Đặc biệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TTg ngày 30-5-2008 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), năm 2008, Sở VH-TT và DL đã triển khai xây dựng mô hình điểm về phòng, chống BLGĐ bằng hình thức xây dựng CLB “Gia đình phát triển bền vững” tại xã Nam Tiến (Nam Trực). Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống BLGĐ xã Nam Tiến đã xây dựng quy chế hoạt động có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên. 5 CLB “Gia đình phát triển bền vững” được thành lập ở 5 thôn với hơn 100 thành viên tham gia sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Đến nay cả 5 thôn trong xã đã tổ chức cho 100% gia đình học tập những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; vận động 100% số cặp vợ chồng là thành viên CLB ký cam kết không để xảy ra BLGĐ; tuyên truyền, vận động 100% gia đình có nhiều thế hệ chung sống thực hiện “ông, bà, cha, mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Trong thời gian triển khai thực hiện, xã tổ chức 36 buổi phát thanh trên hệ thống truyền thanh, phát gần 5.000 tờ rơi, tổ chức 90 buổi họp thôn gắn với sinh hoạt các tổ chức đoàn thể. Cùng với hoạt động của CLB xây dựng gia đình phát triển bền vững, tại địa phương đều thành lập 5 nhóm phòng, chống BLGĐ hoạt động với hai nhóm chức năng: tư vấn, hoà giải và can thiệp kịp thời các vụ BLGĐ. Đồng chí Nguyễn Văn Hoà, Trưởng phòng Nếp sống văn hoá và gia đình (Sở VH-TT và DL)  cho biết: Nhóm phòng, chống BLGĐ là một điểm mới của mô hình phòng, chống BLGĐ mà thành phần là công an viên, trưởng thôn, xóm, thành viên Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên. Nhiệm vụ của các thành viên là điều tra, lập danh sách các đối tượng trên địa bàn các thôn xóm có nguy cơ gây BLGĐ (nghiện rượu, gia đình thường xuyên mâu thuẫn, gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thu nhập không ổn định, đối tượng đã từng gây BLGĐ) nhằm ngăn chặn kịp thời các vụ bạo lực, bảo vệ nạn nhân. Ngoài chức năng theo dõi, ngăn chặn BLGĐ, các thành viên trong nhóm tích cực tham gia hoạt động truyền thông, tư vấn, vận động thông qua hệ thống phát thanh; lồng ghép nội dung phòng, chống BLGĐ trong các buổi họp của các tổ chức đoàn thể và trong các buổi sinh hoạt ngoại khoá tại các trường học, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống BLGĐ. Kết quả hoạt động 5 nhóm phòng chống BLGĐ tại các thôn đã giải toả thành công cũng như tư vấn nhiều vụ BLGĐ trong thời gian qua. Tình trạng BLGĐ trên địa bàn các thôn đã giảm rõ rệt. Năm 2008, xảy ra 6 vụ BLGĐ, đến năm 2010 chỉ còn 1 trường hợp.

Thành quả đạt được trong công tác xây dựng gia đình ở tỉnh ta những năm qua đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư tiên tiến, tạo sự khởi sắc trong đời sống văn hoá xã hội ở thôn xóm, được các tầng lớp nhân dân ủng hộ và tham gia tích cực. Đây là động lực để thúc đẩy công tác xây dựng gia đình bình đẳng, không bạo lực đi vào chiều sâu nhằm bảo vệ và nâng cao những giá trị văn hoá tốt đẹp của cha ông để lại. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng gia đình ở tỉnh ta vẫn còn những khó khăn tồn tại; Các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới, ở một số nơi trên địa bàn tỉnh đang có biểu hiện đi xuống. Bên cạnh đó, cấp uỷ chính quyền ở địa phương chưa nhận thức đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa của phong trào nên chưa tập trung chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc nên phong trào chưa đồng đều. Ban vận động phong trào ở một số làng, thôn, xóm, khu phố hoạt động còn yếu, chưa phát huy được khả năng tập hợp, vận động quần chúng. Công tác bình xét có biểu hiện chạy theo thành tích, số lượng mà chưa coi trọng “chất lượng”; thậm chí, không ít địa phương sau khi được công nhận danh hiệu “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá”, “Gia đình văn hoá” vẫn “phát sinh” trường hợp sinh con thứ 3, các tệ nạn xã hội như cờ bạc, nghiện hút, BLGĐ. Việc tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống BLGĐ ở cơ sở chưa được chú trọng, tình trạng ly hôn vẫn có xu hướng gia tăng. Hiện nay, do không có cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở, mỗi địa phương chỉ phân công cán bộ văn hoá xã hội kiêm nhiệm, nên việc tổ chức phòng, chống BLGĐ chưa đạt hiệu quả cao. Việc kiện toàn bộ máy cán bộ làm công tác gia đình tại các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở là rất cấp thiết. Các báo cáo viên, chủ nhiệm CLB không được đào tạo bài bản, kiến thức chỉ là kinh nghiệm và tự trau dồi qua sách báo nên còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, để duy trì và nhân rộng mô hình phòng, chống BLGĐ giảm thiểu những vụ BLGĐ cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội đối với công tác xây dựng gia đình. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến và quán triệt pháp luật về gia đình đến từng cán bộ, đảng viên và mọi người dân nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong thời kỳ CNH-HĐH. Cung cấp cho các cặp vợ chồng trẻ, các gia đình kiến thức về kỹ năng sống, kỹ năng nuôi dạy con cái, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử trong các mối quan hệ của gia đình và xã hội. Tiếp tục nhân rộng việc đưa tiêu chí gia đình văn hoá làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên hằng năm. Đặc biệt quan tâm đến công tác thi đua khen thưởng, xây dựng mô hình điển hình để tôn vinh các gia đình văn hoá tiêu biểu tạo động lực để xây dựng phong trào thi đua có sức lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com