Phải thật sự “Cô giáo như mẹ hiền”

08:06, 27/06/2011

 

Trẻ ở độ tuổi mầm non hầu như chưa biết tự bảo vệ, phòng tránh tai nạn, chưa biết vệ sinh cá nhân, thậm chí đói, khát hay đau cũng chưa biết nói với người lớn. Khi đến trường mầm non, việc học, việc chơi của trẻ đều cậy nhờ vào cô giáo. Tuy đa phần các bậc cha mẹ đều ưng ý, nhưng cũng không ít người ca thán, con của họ đến trường không được đi vệ sinh, không được nói chuyện, bị cô giáo đánh, quát mắng hoặc lười ăn, bị lạnh, bị nóng…(!). Tuy không phải là hiện tượng phổ biến, nhưng vẫn có những giáo viên chưa thật sự có “tâm” với nghề.

Các cháu học sinh Trường Mầm non Họa Mi, xã Yên Cường (Ý Yên) trong Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-2011. Ảnh: Quốc Tuấn
Các cháu học sinh Trường Mầm non Họa Mi, xã Yên Cường (Ý Yên) trong Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-2011.
Ảnh: Quốc Tuấn

Toàn tỉnh hiện có trên 7.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang công tác tại các trường, các cơ sở giáo dục mầm non. Hằng năm, Sở GD-ĐT đã mở nhiều lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Các trường, các cơ sở giáo dục mầm non cũng tổ chức cho 100% giáo viên học tập các yêu cầu, quy chế nuôi, dạy trẻ; thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới do Bộ GD-ĐT quy định, nhất là các chuyên đề giáo dục dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các trường, cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ các hoạt động ăn, nghỉ tại trường của các cháu; bếp ăn thoáng mát, sạch sẽ; ký hợp đồng ngay từ đầu năm với các cơ sở bán rau xanh, thực phẩm; hằng ngày thực hiện kiểm tra xuất, nhập thực phẩm, chất lượng chế biến, định lượng, thực đơn bữa ăn của các cháu, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các cháu được chăm lo chống rét về mùa đông, chống nóng về mùa hè. Hằng năm, trong kế hoạch của từng trường, từng cơ sở giáo dục mầm non đều nêu rõ việc phấn đấu đạt và vượt tỷ lệ bé khỏe, bé ngoan… Nhưng, đối với mỗi trẻ khi đến trường, việc trẻ tăng cân và có được nhiều phiếu bé ngoan… cũng không khiến phụ huynh quan tâm bằng các vấn đề khác như: Con đến trường có được sử dụng khăn mặt, cốc uống nước sạch sẽ không (?). Mùa đông nước uống có đủ ấm không, có an toàn không, có biết xin cô cho uống nước khi khát hay không…(?). Đối với việc tổ chức cho trẻ ăn phải phân theo nhóm trẻ ăn bột, nhóm trẻ ăn cháo, mỗi trẻ một bát, một thìa chứ không dùng chung một thìa cho nhiều trẻ trong lớp, trong nhóm ăn. Cô giáo trong quá trình cho trẻ ăn phải xử lý tốt các tình huống thông thường khi các cháu làm rơi vãi cơm, hất đổ bát bột… bởi những cử chỉ, thái độ cư xử của cô ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của các cháu. Ngoài ra, các cô cần quan tâm, chỉ bảo trẻ chơi với bạn cho hòa thuận, biết nhường nhịn, chia sẻ với bạn. Việc làm quen với chữ viết, con số cũng cần có sự dạy bảo chuẩn mực, tư thế ngồi và nét bút đầu tiên trẻ được học ở trường mầm non có ảnh hưởng lớn đến việc học tập sau này. Nếu các cô giáo thực hiện đúng những yêu cầu chuyên môn cần phải có “tâm” với nghề. Quyền lợi của trẻ ở trường được bảo đảm thì các bậc cha mẹ mới yên tâm khi cho trẻ đến trường. Vì vậy, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non hơn bao giờ hết rất cần sự tâm huyết, giàu năng lực chuyên môn của mỗi “Cô giáo - mẹ hiền”./.

Thảo Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com