Những bất cập trong công tác quản lý dịch vụ Internet, games online

07:06, 16/06/2011

Từ khi có dịch vụ Internet, đặc biệt là dịch vụ Internet băng thông rộng ADSL về các huyện, số lượng đại lý tham gia cung cấp dịch vụ này đã tăng nhanh. Toàn tỉnh hiện có 568 đại lý kinh doanh dịch vụ Internet; trong đó tại các huyện, đại lý Internet rải khắp trên địa bàn các xã, thị trấn, tập trung ở những khu trung tâm đông dân cư, gần các trường học. Sự gia tăng về số lượng các đại lý cung cấp dịch vụ Internet và games online đã góp phần nâng cao dân trí, cung cấp thông tin, nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho nhân dân. Bởi thông qua Internet, người dân tiếp cận được nhiều kiến thức về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và cập nhật thông tin thời sự... Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng làm chủ bản thân, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên do đam mê khai thác các trò chơi trực tuyến (games online) trên Internet đã gây thiệt hại về kinh tế, sức khỏe và ảnh hưởng xấu đến tính cách. 

Tại các đại lý Internet luôn thu hút nhiều thanh, thiếu niên đến chơi Games Online.
Tại các đại lý Internet luôn thu hút nhiều thanh, thiếu niên đến chơi Games Online.

Để hạn chế những tác động tiêu cực từ Internet và games online, Chính phủ đã ban hành Nghị định 97/2008/NĐ-CP thay thế Nghị định 55 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet; UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 16/QĐ-UBND ngày 14-8-2010 quy định các đại lý kinh doanh dịch vụ Internet trên địa bàn chỉ được phép mở cửa hoạt động từ 6 đến 23 giờ hàng ngày; phải niêm yết công khai nội quy sử dụng dịch vụ Internet tại địa điểm kinh doanh, ghi rõ thời gian mở cửa, đóng cửa. Tuy nhiên trong thời gian qua, tình trạng vi phạm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh, cung cấp dịch vụ Internet, games online trên địa bàn tỉnh ta vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong năm 2010, đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã tiến hành 7 cuộc thanh, kiểm tra hoạt động cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet đối với 3 doanh nghiệp và 145 đại lý kinh doanh. Phòng Văn thể các huyện, thành phố đã tiến hành 7 cuộc thanh tra đối với 176 đại lý kinh doanh dịch vụ Internet. Kết quả, phần lớn các đại lý kinh doanh dịch vụ Internet có các dấu hiệu vi phạm như: Đăng ký dịch vụ Internet nhưng vẫn kinh doanh dịch vụ trò chơi trực tuyến; không bảo đảm an toàn an ninh thông tin, để khách hàng truy cập vào các trang thông tin độc hại; một số đại lý còn tự ý cài đặt các phần mềm xóa thông tin người truy cập sau khi khởi động lại máy; kinh doanh tại địa điểm cách trường học dưới 200m... Hầu hết khách hàng đến truy cập đều ở lứa tuổi thanh, thiếu niên, là học sinh, sinh viên; phần lớn thời gian truy cập của khách hàng là cá độ, trò chơi trực tuyến, chat…; có rất ít khách hàng vào đọc tin tức báo chí và truy cập phục vụ cho công tác học tập, nghiên cứu. Tại khối doanh nghiệp, hầu hết đã thực hiện đầy đủ các quy định, trong đó có cả biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ Internet, trò chơi trực tuyến sau 23 giờ. Đoàn thanh tra đã phạt vi phạm hành chính đối với 28 đại lý Internet, 1 doanh nghiệp viễn thông với tổng số tiền hơn 31 triệu đồng; đình chỉ hoạt động của 2 đại lý và phạt hành chính đối với 11 đại lý Internet với tổng số tiền gần 12 triệu đồng. Theo phản ánh của nhân dân, nhiều đại lý Internet vẫn hoạt động “chui” sau 23 giờ. Nguyên nhân của các vi phạm trên chủ yếu là do các ngành chức năng còn yếu về nghiệp vụ quản lý, nhiều chủ đại lý chưa nắm vững các quy định của pháp luật hoặc do chạy theo lợi nhuận đã cố tình không thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc các đại lý vẫn có thể vi phạm quy định ngừng cung cấp dịch vụ sau 23 giờ là do họ đăng ký thêm với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ một đường truyền Internet dưới dạng hợp đồng cung cấp cho hộ gia đình. Sau 23 giờ, khi đã bị cắt đường truyền kinh doanh, chủ đại lý sẽ đấu nối với đường truyền hộ gia đình. Mặc dù nắm được các thủ đoạn vi phạm nhưng việc xử lý dứt điểm vẫn nằm ngoài tầm tay của các ngành chức năng do lực lượng thanh tra hạn chế, không thể thường xuyên kiểm tra, xử lý. Mặt khác, các chủ đại lý thường né tránh, đóng cửa khi được thông báo thanh tra hoặc biết thông tin đoàn đến kiểm tra. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật quy định về lĩnh vực này vẫn còn bất cập. Chẳng hạn, Nghị định 97 của Chính phủ quy định không được kinh doanh Internet cách cổng trường học dưới 200m, phải bảo đảm môi trường trong sử dụng dịch vụ... nhưng không quy định rõ như thế nào là “đủ tiêu chuẩn” về môi trường và khoảng cách “dưới 200m” là tính theo đường chim bay hay đường vòng? Thực tế, có điểm dịch vụ Internet nằm đối diện trường học - tức là vi phạm, nhưng đi đường vòng thì đủ tiêu chuẩn (trên 200m), và cơ quan cấp phép kinh doanh thì cho rằng: tuy nằm đối diện nhưng không thể trèo qua tường bao, mà phải đi đường vòng. Mặt khác, từ khi nghị định mới bãi bỏ quy định: trẻ em dưới 14 tuổi sử dụng dịch vụ cần có người lớn đi kèm hoặc người bảo lãnh; không lập hồ sơ theo dõi thông tin khách hàng, những em nhỏ tha hồ “tung hoành” mà không bị ai quản lý.

Thực trạng này đã đặt ra cho các cơ quan quản lý một nhiệm vụ là vừa bảo đảm sự phát triển, phát huy tối đa hiệu quả tích cực của Internet, vừa hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng tiêu cực của Internet. Để đạt được mục tiêu này, các cơ quan quản lý Nhà nước cần phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích mọi người sử dụng Internet cho mục đích học tập, làm việc, nâng cao nhận thức, đồng thời tiếp thu ý kiến đóng góp của nhân dân và các cấp, các ngành để điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật liên quan bảo đảm quản lý hiệu quả hoạt động này. Việc quản lý Internet, games online cần thực tế hơn khi ban hành các văn bản pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề bất cập, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng dịch vụ Internet của các tổ chức và cá nhân. Các nhà cung cấp dịch vụ cần quan tâm hơn nữa đến khách hàng là các đại lý, thường xuyên tập huấn, nâng cao trình độ cho các chủ đại lý, hướng dẫn các biện pháp để không cho khách hàng truy cập vào những trang web không lành mạnh; nâng cấp, hoàn thiện phần mềm quản lý và ứng dụng tiện ích, dễ dàng, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đại lý áp dụng… Các ngành chức năng cần thường xuyên phối hợp với các cấp, các ngành hữu quan tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật./.

Bài và ảnh: Thúy Vy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com