Nhớ lần nhận được thư bạn đọc (!)

08:06, 20/06/2011

Là phóng viên, tôi đã nhiều lần nhận được “phản hồi” từ bạn đọc về bài viết của mình, bằng thư cũng có, bằng điện thoại cũng có. Có những ý kiến là sự trân trọng, khen ngợi, lại có cả công văn yêu cầu Ban biên tập…“xử lý” người viết. Nhưng, dù là khen ngợi hay phản đối, với tôi, mỗi lần nhận được thư của bạn đọc đều là những kỷ niệm khó quên, là bài học kinh nghiệm bổ ích.

Tác nghiệp. Ảnh: Xuân thu
Tác nghiệp.
Ảnh: Xuân Thu

Cách đây hơn 10 năm tôi nhận được thư của bạn đọc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày đó, tôi vừa ra trường, đang là cộng tác viên chứ chưa được làm phóng viên chính thức ở cơ quan báo chí nào. Một đêm, trong ngôi nhà trọ ở ngoại thành Hà Nội, đầu óc vẩn vơ, nghĩ về nhà, về quê. Làng Bái Dương quê tôi, từ lâu có nghề trồng rau màu, tuy không nghèo nhưng cuộc sống của người dân rất vất vả. Trước khi đi học xa nhà, tôi cũng là một trong những người làng lam lũ, vất vả ấy. Tiền ăn, tiền học hàng tháng bố mẹ tôi gửi cho cũng đều từ cà chua, su hào, cải bắp… Cứ thế, theo dòng ký ức tôi kể về làng, về nỗi khó khăn, vất vả của nông dân làng tôi khi làm ra mớ rau, quả dưa, quả cà, về những niềm vui của họ khi được mùa cũng như nỗi xót xa khi mất mùa hoặc gặp cảnh “được mùa rớt giá”. Những bài tôi viết đều là những câu chuyện của gia đình, anh em, họ hàng, làng xóm, những chuyện tôi đã trải qua nên rất chân thật. Hôm sau tôi mang bài báo “Vị mặn cà chua” ra bưu điện gửi Báo Tiền Phong. Mới bắt đầu viết báo, không tự tin nên tôi cũng không có nhiều hy vọng được đăng. Không ngờ ít hôm sau báo đăng bài viết ấy, tôi run lên vì sung sướng...(!) Bài viết mang tên tôi, kèm theo cả địa chỉ gia đình. Bất ngờ hơn, ít lâu sau, mẹ tôi ở quê báo tin, ngoài 180 nghìn đồng tiền nhuận bút do tòa báo gửi còn có một lá thư của bạn đọc ở Thành phố Hồ Chí Minh gửi cho tôi. Về quê, đọc lá thư ấy tôi quá đỗi cảm động. Người viết lá thư tên là Trần Thị Tuyết Chinh, ở số nhà 15B, Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Chị gọi tôi là chú, xưng cháu (sau này tôi mới biết chị còn hơn tuổi tôi) và đinh ninh tôi là người nông dân trồng cà chua, rau màu “chính hiệu”(!). Thư chị viết dài, lời lẽ trân trọng, bày tỏ sự chia sẻ với nỗi vất vả, cực nhọc của người nông dân, mong muốn được giúp đỡ bằng cách tổ chức thu mua sản phẩm để người dân nâng cao thu nhập, bớt đi nỗi khó khăn, vất vả. Chị khen tôi “đứng trên mảnh đất quê hương suốt ngày lam lũ, vất vả mà chú thật tinh tế, sâu sắc khi viết lên cuộc sống tốt đẹp của những người dân quê mình” và tâm sự: “Cháu đang được sống ở chốn thị thành, quen cầm đồng tiền “đổi lấy” bó rau, củ su hào thật dễ dàng, nhiều khi còn cò kè bớt một thêm hai, đâu hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc của những người đã trồng ra chúng. Nhờ có bài báo của chú, cháu mới thấu hiểu và thương nhiều hơn những cô bác nông dân lam lũ, chân lấm tay bùn nhưng thật đáng kính phục và biết nâng niu hơn những thành quả lao động của họ…”. Đưa lá thư cho một số người làng đọc, ai cũng cảm động xen chút tự hào. Còn tôi, ngày càng gắn bó với nghề cầm bút lại hiểu thêm một điều: Nếu viết những điều chân thực có lợi cho dân, cho nước sẽ được người đọc đón nhận nhiệt thành. Để đạt được điều đó thật không đơn giản, đòi hỏi người viết phải luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, hội đủ các phẩm chất cần có của người làm báo. Với mỗi người cầm bút, có người đọc đã là điều rất vui, còn được người đọc nhớ đến những gì mình viết, lại dành thời gian, tình cảm viết thư hồi âm động viên, khích lệ thì còn hạnh phúc nào bằng. Đó chính là động lực giúp những người cầm bút yêu nghề và nỗ lực hơn nữa...(!)

Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com