Đất nước ta, mạng lưới GTVT trải khắp nơi như một bàn cờ khổng lồ. Có người nói: Bước chân ra khỏi cổng là gặp ngay con đường trước mặt. Đấy có thể là mấy thước thuộc dải đường của cái ngõ đầy hoa bông bụt... Hoặc là một dải đường của cái hẻm ngoằn ngoèo chữ chi của một đường phố, đêm đêm sáng ánh đèn và có thể thánh thót tiếng dương cầm từ căn gác tầng 2 đang rơi rơi từng giọt ngọt như hạt mưa xuân.
Ca dao cổ của ông bà để lại cho ta nhiều câu lý thú: Nghe đọc đã hay, ngẫm kỹ càng cảm nhận cái hay rất mộc mạc, chân chất. Ví như câu này: “Yêu anh từ thuở lên ba/ Mẹ bồng ra ngõ cầm hoa tặng người”. Ra ngõ là gặp đường, là có thể gặp người yêu trên đường. Ca dao xưa lãng mạn biết bao.
Rồi ta bước trên đường cái quan. Con đường trải dài, rộng thênh thang, xa vun vút. Bao nhiêu xe cộ, bao nhiêu bước chân người ngược xuôi suốt từ lúc bình minh cho đến lúc sao mọc. “Đường ta xe cộ ngược xuôi/ Biết bao nhiêu dấu chân người lại qua/ Đông vui đám cưới trăm nhà/ Đoàn xe đưa đón như là hội xuân”. Mấy câu có vần này tôi nhặt được khi rong ruổi bằng xe đạp nơi ngoại thành Hà Nội.
Đi đường là nói đến văn hoá giao thông. Đề tài này vừa rộng lớn, vừa sâu sắc; vừa phức tạp vừa phong phú; vừa chồng chéo vừa đa dạng. Ý thức về văn hóa giao thông phải được thường trực trong mỗi con người. Trước hết, những người cầm vô lăng phải được quán triệt và thực hiện.
Phóng nhanh, phóng ẩu dễ gây ra tai nạn. Vượt dốc vượt đèo một chút lơ là dễ rơi xuống vực sâu, có lẽ, cần nhắc lại điều này: mỗi người đi trên đường: đi bộ, đi xe máy, đi xe đạp, đi xe ngựa, gồng gồng gánh gánh... đều là những công dân. Họ có quyền sống, quyền được hưởng những nét đẹp của văn hóa giao thông: Người tránh xe, xe cũng cần tránh người. Đến mỗi ngã ba, ngã tư, xe cần giảm tốc độ, anh lái cần nhìn rõ những biển báo đang “đứng” nơi ven đường. Không ai rõ hơn anh về những ký hiệu của biển báo ấy. Cũng không ai rõ hơn anh về bảo đảm tính mạng của con người khi đang cất bước trên con đường mưa nắng.
Ở ngoại ô thị xã nọ, tôi đứng chờ xe đón. Có mấy em nhảy lò cò nơi cái sân rộng của ngôi trường mới xây. Chúng nắm tay nhau, quay thành vòng tròn rồi tỏa ra kéo dài như rồng rắn, vừa hát vừa cười. Đây là một bài đồng dao mới về “Văn hóa giao thông”, không biết ai đã sáng tác: “Đường phố đường làng/ Biển vàng biển trắng/ Ngày nắng ngày mưa/ Buổi trưa buổi tối/ Xe như mắc cửi/ Người như hội xuân/ Đi xa đi gần/ Phải theo luật pháp/ Nhớ rằng câu hát/ Văn hóa giao thông/ Phải học thuộc lòng/ Thực hành nghiêm chỉnh/ Như là người lính/ Khi ra chiến trường/ Ta đi trên đường/ Phải nên thận trọng”.
Ta thường chúc nhau, mỗi lần lên xe, lên tàu: “Thuận buồm xuôi gió”, “Thượng lộ bình an”. Bây giờ, gió của thời đổi mới đã thuận với những cánh buồm trên sông nước. Và đường đang mở rộng, những hầm xuyên núi, những con đèo cao được hạ thấp, tạo bao nhiêu thuận lợi cho các đoàn xe rong ruổi trên đường: Đường mở rộng, gió thuận chiều, cầu mới bắc, biển báo giao thông, ngành GTVT đang đổ mồ hôi, trí tuệ để bảo đảm cho sự an toàn khi tàu xe chạy trên đường, tàu thuyền vượt sóng dữ, cập bến an toàn.
Văn hóa giao thông, hơn bao giờ hết, cần được quan tâm đặc biệt. Không chỉ phát động mà còn là cuộc vận động, tuyên truyền, hướng dẫn thường xuyên năm này qua năm khác. Bao giờ văn hóa giao thông/ Được như cánh đồng, nở rộ trăm hoa/ Từ nơi gần đến nơi xa/ “Bình an thượng lộ”: câu ca truyền đời./.
Theo: giaothongvantai.com.vn