Nam Trực nâng cao chất lượng công tác công chứng, chứng thực

09:06, 10/06/2011

Thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 1-7-2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, những năm qua công tác chứng thực ở huyện Nam Trực đã có nhiều đổi mới, khắc phục cơ bản tình trạng quá tải ở cấp huyện, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho nhân dân.

Ngay sau khi nghị định được ban hành, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác chứng thực cho lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện; lãnh đạo UBND và cán bộ tư pháp - hộ tịch, cán bộ văn phòng 20 xã, thị trấn trong huyện, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền những nội dung cơ bản của nghị định và các văn bản có liên quan trong các tầng lớp nhân dân. Tại trung tâm giao dịch hành chính “một cửa” của huyện và các xã, thị trấn đều niêm yết công khai các thủ tục và mức thu các khoản lệ phí theo quy định của pháp luật. Phòng Tư pháp huyện tăng cường tuyên truyền về thẩm quyền chứng thực, những thủ tục cần thiết khi có nhu cầu chứng thực, đồng thời hướng dẫn UBND các xã, thị trấn thủ tục khắc mẫu dấu chứng thực. Khi công tác chứng thực được chuyển giao về cấp xã, UBND các xã, thị trấn đã chủ động bố trí thêm cán bộ tư pháp - hộ tịch và tổ chức làm việc ngày thứ bảy, để đáp ứng nhu cầu về chứng thực cho nhân dân. Qua 4 năm thực hiện Nghị định 79 của Chính phủ, cấp huyện đã chứng thực được 51 việc, trong đó có 19 việc chứng thực chữ ký, 32 văn bản có yếu tố nước ngoài; cấp xã đã chứng thực được trên 166 nghìn việc, trong đó có 10.131 hợp đồng giao dịch, 152.728 bản sao, 3.323 chữ ký, tổng lệ phí thu là trên 642 triệu đồng. Cùng với việc triển khai thực hiện các việc về chứng thực thuộc thẩm quyền, Phòng Tư pháp huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra nghiệp vụ chứng thực tại các xã, thị trấn nhằm phát hiện sai sót để chấn chỉnh kịp thời. Qua kiểm tra, công tác lưu trữ hồ sơ được thực hiện tốt, đảm bảo đúng quy trình, hồ sơ được đánh số sắp xếp theo từng loại, đảm bảo cho việc theo dõi, kiểm tra. Ngoài ra, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện tổ chức từ 2 đến 3 đợt tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch. Ông Vũ Xuân Tác, thôn An Đông, xã Nam Tiến cho biết: “Trước đây, công tác chứng thực chưa chuyển về cấp xã, tất cả các loại hồ sơ giấy tờ cần chứng thực đều phải đến huyện, đường xá xa xôi, phải đi lại nhiều lần vì không mang đủ giấy tờ nên người dân mất thời gian và công sức. Từ khi công tác chứng thực được chuyển về cấp xã, mọi công việc chứng thực được thực hiện nhanh gọn, chúng tôi rất phấn khởi”.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Nghị định 79 của Chính phủ vẫn còn một số bất cập như: Ở nhiều địa phương trong huyện vẫn còn một số cán bộ tư pháp - hộ tịch chưa đạt chuẩn về chuyên môn (Trung cấp Luật) nên chất lượng công tác tư pháp nói chung, chứng thực nói riêng chưa cao. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị như máy photocopy, máy vi tính, phòng làm việc, phòng chờ, tủ đựng tài liệu... ở nhiều xã, thị trấn chưa đảm bảo… Thời gian tới, các cấp, các ngành trong huyện cần tăng cường công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các xã, giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh để công tác chứng thực đi vào nền nếp, góp phần thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính./.

Văn  Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com