Đối với mọi người Việt Nam từ xưa đến nay, lòng hiếu thảo là một trong các nghĩa vụ và trách nhiệm gia đình có tính chất tự giác, trở thành tình cảm sâu nặng trong cuộc sống mỗi người. Vì thế, dù giàu hay nghèo, ở gần hay ở xa,... thì mọi người cũng không bao giờ thoái thác. Lời răn dạy về lòng hiếu thảo trở thành một bộ phận quan trọng trong kho tàng văn hóa dân gian, được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nhiều câu tục ngữ, ca dao đã được nhập tâm, trở thành chuẩn mực ứng xử của các thế hệ, ví như: “Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”, “Thờ cha mẹ, ở hết lòng/ Ấy là chữ hiếu dạy trong luân thường”, “Mẹ già ở tấm lều tranh/ Sớm thăm, tối viếng, mới đành dạ con”... Trong thực tế cuộc sống, lòng hiếu thảo là một trong các yếu tố để đánh giá đạo đức của con người. Ai đó đối xử không đúng mực với cha mẹ, sẽ bị dư luận xã hội phê phán, thậm chí là xa lánh. Do vậy, hai chữ “bất hiếu” luôn luôn được xem là điều không thể chấp nhận trong ứng xử của mỗi người con.
Ngày nay, cuộc sống đã có bước phát triển vượt bậc so với trước đây. Xã hội xuất hiện nhiều đặc điểm riêng và cũng đang tạo ra những điều kiện để mỗi người có thể khẳng định vị trí xã hội, đồng thời khuyến khích họ lao động một cách sáng tạo để nâng cao đời sống mọi mặt của mình. Nhưng cũng lúc này, trong xã hội lại xuất hiện một số hiện tượng không phù hợp tính tích cực xã hội của con người, đặc biệt là không phù hợp các chuẩn mực của đạo đức. Với lòng hiếu thảo cũng vậy, dư luận đã nhiều lần lên tiếng phê phán gay gắt hành vi “bất hiếu” của một số cá nhân. Như: người thì hắt hủi, không quan tâm chăm sóc cha mẹ lúc về già; anh em chia nuôi bố mẹ theo lịch hằng tháng; người tranh giành nhà cửa, đất đai, có người đang tâm đánh đập cả cha mẹ...
Với tinh thần nhân văn trong khi hoạch định, thực hiện chính sách xã hội, Nhà nước đã có nhiều việc làm nhằm tạo điều kiện để người cao tuổi được hưởng cuộc sống ngày càng đặn đầy về vật chất, tinh thần. Tuy nhiên, trong tư cách là cha là mẹ, người cao tuổi còn luôn cần tới tình cảm, lòng hiếu thảo, và sự thương yêu ngay chính trong gia đình. Đó là một dạng thức tình cảm mà dù cố gắng đến thế nào, xã hội cũng khó có thể thay thế. Được vui tuổi già, sum vầy bên con cháu,... bao giờ cũng là mong ước của người cao tuổi, của mọi bậc cha mẹ. Trong hoàn cảnh riêng của mình, mỗi người con cần chia sẻ với mong ước đó, để tìm được “chìa khóa” giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng. Trong tính liên tục của sự trao truyền thế hệ, lòng hiếu thảo của mỗi người con khi ứng xử với cha mẹ cũng là tấm gương để con cái của chính họ noi theo./.
Theo: nhandan.com.vn