Từ xưa đến nay, lịch sử của một dân tộc nói riêng, lịch sử của nhân loại nói chung, thường lưu giữ tên tuổi của những con người mà tài năng, đức độ của họ có ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển xã hội. Họ trở thành người nổi tiếng vì được cộng đồng ghi nhận. Trong quá khứ, sự ra đời của người nổi tiếng là kết quả của một quá trình sàng lọc khắt khe, phải đáp ứng được các tiêu chí về năng lực, phẩm chất. Ý nghĩa xã hội từ việc làm của họ được khẳng định, trở thành tấm gương để mọi người noi theo. Tuy nhiên, cũng có một số người "nổi tiếng" từ các tiêu chí đối lập với sự lành mạnh và tính tích cực xã hội, tên tuổi được lưu truyền như bài học, lời răn dạy đối với hậu thế về cái xấu, cái phản văn hóa...
Những năm gần đây, khi xã hội đã tạo ra nhiều điều kiện để con người lao động, sáng tạo, cống hiến, vừa phát triển và nâng cao chất lượng cuộc sống của chính mình, vừa đóng góp vào sự phát triển chung, thì người nổi tiếng cũng nhiều hơn. Điều này là tất yếu khách quan, bởi nó diễn ra trong bối cảnh xã hội có hệ thống truyền thông phát triển, tiếp xúc xã hội phong phú, con người có nhu cầu thể hiện mình... Nhưng dường như chính lúc này, sự nổi tiếng của con người lại trở nên phức tạp hơn, không phải khi nào người nổi tiếng cũng là hình ảnh cần trân trọng, mà có người “nổi tiếng” vì có hành vi rất đáng phê phán. Thực tế cho thấy, người nổi tiếng có mặt hầu như trên tất cả các lĩnh vực hoạt động xã hội. Họ là anh công nhân đã hy sinh một phần thân thể để cứu hàng trăm người trên đoàn tàu hỏa; là bác nông dân chế tạo ra máy gặt đập liên hợp nhỏ phù hợp đồng đất Nam Bộ; là em thiếu niên dũng cảm lao mình xuống dòng nước xiết để cứu người; là nhà khoa học có công trình nghiên cứu được thế giới công nhận; là nhà văn có tác phẩm được bạn đọc tán thưởng; là ca sĩ có giọng hát làm say mê công chúng; là vận động viên nỗ lực để đạt kỷ lục mới... Và thực tế cũng cho thấy, đã có một số người trở nên “nổi tiếng” vì phát ngôn không đúng mực, viết sách nhảm nhí, ăn mặc phản cảm thiếu thẩm mỹ... Thậm chí, có người còn cố nổi tiếng bằng cách gồng mình trên sàn diễn, khuếch trương và khoe khoang cơ thể một cách lố lăng, công khai bới móc chuyện riêng tư của đồng nghiệp, rồi tự “đánh bóng” bản thân... Đáng tiếc là với một số trường hợp, người “nổi tiếng” như vậy lại khiến một bộ phận trong lớp trẻ học theo một cách cực đoan, làm cho bản chất trong sáng của lứa tuổi đứng trước nguy cơ bị tha hóa...
Người xưa từng nói “hữu xạ tự nhiên hương”, con người có tài năng, đạo đức như thế nào, có đáng trân trọng hay không thể hiện ở việc làm của họ. Dù có muốn hay không, thì từ ý nghĩa việc làm của mỗi người mà xã hội sẽ biểu dương hoặc phê phán. Mọi sự mưu cầu nổi tiếng từ tham vọng cá nhân, bất chấp lẽ phải và các nguyên tắc ứng xử xã hội lành mạnh đều không đưa lại kết quả tích cực. Vì thế, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đang cần sự nỗ lực của mọi người. Những người đem hết sức mình cống hiến cho sự nghiệp ấy sẽ được xã hội ghi nhận và trân trọng. Sự nổi tiếng ấy mới có ý nghĩa./.
Theo: nhandan.com.vn