Hiện tượng tin nhắn rác trên điện thoại di động xuất hiện đã lâu, nhưng gần đây đang trở thành vấn nạn bởi số lượng, “chủng loại” và thời điểm xuất hiện dày đặc, tràn ngập ở tất cả các mạng, gây rất nhiều phiền toái cho khách hàng. Đa số các tin nhắn rác là quảng cáo, tiếp thị, mời chào người tiêu dùng đăng ký sử dụng các loại hình dịch vụ thông qua mạng điện thoại di động và hệ thống internet. Nhưng cũng có không ít những tin nhắn rác có tính chất lừa đảo để rút tiền của khách hàng. Dư luận phản ứng đã nhiều, nhưng câu trả lời của các nhà mạng là họ không thể kiểm soát được loại hình “ăn theo” này. Nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động... vô can(!)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet). |
Với những tin nhắn mang tính chất lừa đảo để chiếm đoạt tài sản công dân thì rõ ràng là hành vi tội phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Còn với các loại tin nhắn mời chào, tiếp thị... tuy không nguy hại như hành vi lừa đảo nhưng cũng là hành vi quấy rối, phiền nhiễu khách hàng; đồng thời là hình thức lách luật trốn thuế, quảng cáo trá hình trong hoạt động kinh doanh, cần được xử lý nghiêm. Bất luận vì lý do gì thì các nhà mạng cũng không thể vô can khi quyền lợi của khách hàng bị xâm phạm. Người tiêu dùng khi đăng ký sử dụng dịch vụ của một hãng điện thoại di động thì họ có quyền được hưởng thụ một loại hình dịch vụ “sạch”, an toàn và tối ưu.
Vả chăng, việc truy tìm và xử lý xuất xứ của các loại tin nhắn rác đâu phải là quá khó khăn như “mò kim đáy bể”? Bởi vì đây là loại hình dịch vụ “ăn theo” các mạng điện thoại di động và internet, lại có cả số điện thoại dịch vụ hẳn hoi. Do vậy, các nhà mạng hoàn toàn có thể can thiệp và ngăn chặn được tin nhắn rác bằng các biện pháp kỹ thuật. Trong những trường hợp cần thiết, có thể phối hợp với các ngành chức năng để điều tra truy tìm và xử lý các đối tượng vi phạm bằng biện pháp hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Còn nhớ một thời ở Hà Nội và nhiều thành phố lớn nhức nhối vấn nạn rao vặt “khoan cắt bê tông” dai dẳng ngỡ như chính quyền bất lực, vậy mà gần đây đã cơ bản dẹp được. Tin nhắn rác cũng là một loại hình rao vặt như “khoan cắt bê tông” trên mạng và chắc chắn là các nhà mạng và các ngành chức năng không thể bó tay. So với nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội hiện nay thì hiện tượng trên đây chưa đến mức nghiêm trọng “chết người”; nhưng nếu “lỗ hổng” này không được ngăn chặn triệt để thì không loại trừ khả năng sẽ có lúc các loại tin nhắn rác rưởi, bẩn thỉu, nguy hại, phản động, đồi truỵ... cũng sẽ phát tán theo cách này? Vì thế không thể coi thường và làm ngơ, mặc cho các loại tin nhắn rác tràn lan như hiện nay!
(Theo: Báo Quân đội nhân dân)