Kết quả và những vấn đề đặt ra trong công tác xuất khẩu lao động ở tỉnh ta

03:06, 23/06/2011

Những năm qua, xã Xuân Phú (Xuân Trường) đã tập trung đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ), giải quyết việc làm, nâng cao đời sống kinh tế của nhân dân. Đồng chí Nguyễn Văn Tấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Để công tác XKLĐ mang tính bền vững, xã đã tập trung tìm hiểu, lựa chọn các mô hình liên kết với các đơn vị cung ứng XKLĐ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu đi XKLĐ. Hiện tại, xã Xuân Phú có gần 300 người đang lao động ở các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Nga, Ba Lan, Quata… Nhờ có thu nhập ổn định nên nguồn kiều hối của con em Xuân Phú gửi về cho gia đình ngày càng lớn (bình quân mỗi lao động từ 700 đến 1.000 USD/tháng), đã góp phần thúc đẩy kinh tế của xã phát triển. Từ số tiền tích luỹ được, nhiều người dân xã Xuân Phú khi trở về quê đã gây dựng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho lao động địa phương. Hiệu quả từ công tác XKLĐ ở Xuân Phú cho thấy, XKLĐ không chỉ giúp người lao động có thêm việc làm, thu nhập mà còn giúp người lao động tiếp cận với máy móc và công nghệ tiên tiến, cung cách quản lý hiện đại, rèn luyện tác phong công nghiệp để trở thành lao động có chất lượng cao. Anh Nguyễn Văn Minh, 43 tuổi ở xóm 2, là một trong những người "tiên phong" trong XKLĐ ở Xuân Phú, hiện là chủ Doanh nghiệp may Minh Nhung, kể: Kinh tế gia đình trước đây rất khó khăn, anh phải bươn trải làm nhiều nghề nhưng vẫn không đủ ăn. Năm 2003, được UBND xã tạo điều kiện, anh đăng ký sang lao động tại Hàn Quốc với mức lương 1.000 USD/tháng. Sau 5 năm chịu khó làm lụng và tiết kiệm chi tiêu, khi về nước, với số tiền dành dụm được anh đã mở xưởng may. Với những kiến thức, kỹ thuật đã tích lũy được trong quá trình làm công nhân tại một nhà máy dệt của Hàn Quốc, đã giúp anh Minh có cách đầu tư, phát triển mô hình sản xuất đúng hướng, chú trọng chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, đào tạo công nhân có tay nghề. Đến nay, doanh nghiệp đã tạo việc làm cho gần 40 công nhân là con em địa phương với thu nhập bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/người/tháng. Ở xã Xuân Phú có nhiều hộ gia đình, trước đây thuộc diện “nghèo”, nhờ đi XKLĐ, đến nay trở thành những gia đình khá giả như gia đình các anh: Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Quyết, Vũ Đức Thu, Phan Văn Thắng, Lê Văn Chương.

Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB và XH) tư vấn giới thiệu cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh (Sở LĐ-TB và XH) tư vấn giới thiệu cho người lao động đi làm việc tại nước ngoài.

Trong hơn 10 năm (từ 1999 đến 2010), toàn tỉnh có 21.443 người đi XKLĐ; bình quân hằng năm tỉnh ta có 1.787 người lao động đi XKLĐ. Riêng năm 2010, toàn tỉnh có 2.116 người tham gia XKLĐ, tăng 41% so với năm 2009. Trong đó, huyện Hải Hậu 350 người, Xuân Trường 287 người, Nam Trực 250 người, Thành phố Nam Định 241 người, Giao Thủy 128 người, Ý Yên 225 người… Phần lớn số lao động của tỉnh đi XKLĐ có việc làm ổn định, mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng, mỗi năm có một lượng tiền đáng kể do lực lượng lao động này chuyển về cho gia đình, góp phần đáng kể vào việc giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Ngoài ra, người tham gia XKLĐ còn học được tác phong lao động công nghiệp, tư duy làm kinh tế, năng động do được tiếp xúc với môi trường lao động hiện đại của các nước. Đây sẽ là “vốn quý” để người lao động tiếp tục vận dụng vào việc phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân, gia đình và quê hương. Nhiều doanh nghiệp về tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với chính quyền các cấp trong công tác tuyên truyền, tư vấn, đối thoại trực tiếp với người lao động và hướng dẫn họ chọn thị trường lao động phù hợp, chi phí hợp lý khi tham gia XKLĐ. Ngoài việc cho vay vốn, người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ còn được tư vấn, tham gia học nghề thông qua hình thức đào tạo nghề ngắn hạn tại địa phương. Các cơ quan chức năng cũng đã chú trọng hướng dẫn, tổ chức kiểm tra chuyên đề nhằm hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia XKLĐ. Công tác dạy nghề và đào tạo lao động xuất khẩu luôn được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 37 cơ sở dạy nghề đã hình thành hệ thống dạy nghề 3 cấp. Bình quân mỗi năm có khoảng hơn 26.000 người được học nghề tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn, trong đó có trên 1.000 lao động thuộc hộ nghèo được học nghề miễn phí, và một bộ phận sau khi học nghề đã tham gia hoạt động XKLĐ, góp phần tích cực trong việc giải quyết việc làm và làm giàu chính đáng.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động XKLĐ ở tỉnh ta vẫn còn một số hạn chế. Phần lớn lao động tham gia vào thị trường XKLĐ đều có tay nghề thấp, vì vậy chỉ tham gia được vào thị trường có thu nhập không cao; tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề chỉ từ 20 đến 27%; tác phong làm việc chưa mang tính công nghiệp, hay vi phạm kỷ luật lao động, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín nguồn lao động phục vụ hoạt động XKLĐ. Ngoài ra, một số doanh nghiệp tuy được Bộ LĐ-TB và XH cấp phép hoạt động dịch vụ XKLĐ nhưng vì lợi nhuận nên trong quá trình tuyển dụng nặng về số lượng, không thẩm định cụ thể tình hình hoạt động của các đơn vị đối tác nước ngoài trước khi đưa lao động sang làm việc nên còn xảy ra tình trạng hợp đồng của người lao động ký với doanh nghiệp xuất khẩu là 3 năm nhưng thực tế chỉ đủ việc làm và lương cho người lao động 1-2 năm; đến năm thứ 3, nhà máy không bố trí đủ việc làm, tự ý cắt giờ làm... nguồn thu nhập của người lao động không đảm bảo. Hoạt động dạy nghề cho người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ chủ yếu vẫn theo hướng cung, chất lượng dạy nghề còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác giải quyết việc làm - XKLĐ đều kiêm nhiệm nên chưa tập trung tham mưu, tổ chức thực hiện trong hoạt động này.

Để hoạt động XKLĐ ở tỉnh ta phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, trong thời gian tới các cấp, các ngành cần tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát chặt chẽ trong công tác tuyển chọn lao động. Ngăn ngừa và xử lý kịp thời những vi phạm của các tổ chức, cá nhân môi giới làm thiệt hại về kinh tế đối với người lao động có nhu cầu tham gia XKLĐ. Đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ, tay nghề để đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của phía nước ngoài. Về lâu dài, các doanh nghiệp tham gia XKLĐ cần tập trung đầu tư chuẩn bị tốt nguồn lao động có nghề và trình độ nghề cao, nhằm tạo sự chủ động, tăng lợi thế cạnh tranh của nguồn lực lao động. Với doanh nghiệp có trường dạy nghề, nên tập trung đào tạo một số nghề mà mình có thế mạnh, thị trường cần. Với những nghề mà các doanh nghiệp chưa đào tạo được, cần hợp tác chặt chẽ với các tổ chức đào tạo nghề để tuyển sinh, đào tạo sát với yêu cầu, trình độ mà đối tác nước ngoài đòi hỏi. Lựa chọn từ học sinh, sinh viên của các trường có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài để bồi dưỡng, bảo đảm sát yêu cầu của các hợp đồng cung ứng lao động. Đồng thời, trong quá trình đào tạo nghề cần gắn với đào tạo ngoại ngữ cho người lao động, giúp họ chủ động trong quá trình lao động tại các nước./.

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com