Giá trị gia đình

03:06, 23/06/2011

Có tới 41% vị thành niên “đồng ý” và 29% “đồng ý một phần” với nhận định “lúc khó khăn cảm thấy nói chuyện với người ngoài dễ hơn với người trong gia đình”.

Số liệu của cuộc điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam nói trên chắc hẳn sẽ khiến nhiều bậc cha mẹ phải chùng xuống mà suy tư, trăn trở...

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ảnh: Internet

Hơn thế nữa, những ông bố bà mẹ trong cuộc sẽ quặn đau khi biết cục cưng của mình không muốn sống trong gia đình nữa, chúng không muốn trở về vì cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà mình. Nhiều bi kịch gia đình ngày nay có nguyên nhân từ chính nỗi cô đơn không được sẻ chia của con trẻ, từ cả sự vô cảm đáng trách của người lớn. Xã hội càng hiện đại, nhịp sống càng gấp gáp. Dường như vòng xoáy của những lo toan bươn chải, những toan tính tiền tài danh vọng đã khiến không ít ông bố, bà mẹ quên mất một nhu cầu tinh thần - đôi khi còn lớn hơn cả nhu cầu vật chất - của lứa tuổi vị thành niên. Thậm chí nhiều người còn vô tình biến con cái mình thành nạn nhân của những ước mơ dang dở thuở thiếu thời của họ. Các em phải chịu một áp lực về thành tích học tập, kỳ vọng thành đạt quá sức mình từ phía cha mẹ. Tệ hơn, nhưng không hề hiếm gặp, nhiều em đã bị cha mẹ thỏa sức mắng nhiếc, xúc phạm chỉ vì kết quả học tập không như ý muốn của họ.

Câu chuyện một số ông bố bà mẹ người Việt sống ở châu Âu bị cảnh sát hỏi thăm vì tội hồn nhiên đánh mắng, xúc phạm con cái, rất xa lạ với văn hóa Việt. Song nó cũng là lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ không tôn trọng, đối xử bình đẳng với chính con cái họ - điều mà nhiều bậc phụ huynh chúng ta đang thiếu.

Người Việt xưa nay có truyền thống coi trọng gia đình, bố mẹ hết lòng chăm lo cho con cái, và ngược lại khi về già họ cũng sẽ nhận được sự chăm sóc, báo hiếu tận tâm của con cháu. Truyền thống tốt đẹp đó tự nó đã nuôi dưỡng, vun trồng cho biết bao thế hệ ngàn đời nay, cho nòi giống dân tộc mỗi ngày thêm phát triển.

Hỡi các bậc cha mẹ, xin đừng để con trẻ cô đơn, bế tắc ngay trong chính ngôi nhà của chúng ta. Để tồn tại thực trạng đáng báo động nói trên, nghĩa là chúng ta đang có lỗi, đang tự mình làm mai một dần truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc - một nét văn hóa Việt mà nhiều dân tộc văn minh khác ở châu Âu trân trọng, cảm phục: Giá trị gia đình !

Theo: tienphong.vn

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com