Các lò luyện thi đại học ở Thành phố Nam Định đã “nóng”

08:06, 15/06/2011

 

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010-2011 vừa kết thúc cũng là lúc các “lò” luyện thi cấp tốc “nóng” lên từng ngày. Cùng với số lượng học sinh thành phố, nhiều thí sinh từ các miền quê, các tỉnh lân cận đã “khăn gói” về Thành phố Nam Định đăng ký luyện thi cấp tốc chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học đang đến rất gần.

Lộn xộn ở một lớp luyện thi cấp tốc vào đại học trên đường Vũ Hữu Lợi (TP Nam Định).
Lộn xộn ở một lớp luyện thi cấp tốc vào đại học trên đường Vũ Hữu Lợi (TP Nam Định).

Từ lâu, các “trung tâm luyện thi đại học” trên địa bàn Thành phố Nam Định đã thu hút rất nhiều thí sinh trong và ngoài tỉnh đến học. Bởi các trung tâm này đã “tuyển” được đội ngũ giáo viên giỏi, có kinh nghiệm luyện thi của các Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến… Các trung tâm có các lớp cho học sinh có nhu cầu học, ôn thi từ lớp 10, lớp 11, mở liên tục đến hết năm học, khóa học. Các lớp luyện thi cấp tốc cho học sinh vừa thi tốt nghiệp lớp 12 nhằm đáp ứng nhu cầu cho học sinh muốn củng cố lại kiến thức. Năm nay, trung tâm luyện thi ở phố Bến Ngự đồng loạt khai giảng các lớp luyện thi đại học cấp tốc vào ngày 6-6 và 7-6. Trên những tấm bảng được đặt ngoài cổng trung tâm đã ghi từng môn học, giờ học, giáo viên trường nào dạy và giá tiền cho từng môn học để các “sĩ tử” tiện theo dõi. Cuối mỗi tấm bảng là dòng chữ được viết đậm “Có nhà cho học sinh trọ” dành cho học sinh ở xa. Giá một môn/một buổi học 15-20 nghìn đồng được nhiều phụ huynh cho là khá hợp lý. Tuy nhiên, nếu cộng tất cả các buổi học trong mỗi môn học được phủ kín ngày 3 ca đến 6 ca, nhiều phụ huynh không khỏi giật mình. Chị Nguyễn Thị Thơm ở Lý Nhân (Hà Nam) loay hoay mãi bên những tấm bảng ghi tên các thầy cô dạy tại trung tâm, cuối cùng cũng tìm được nhóm thầy cô giáo có uy tín để đăng ký học cho con. Chị tâm sự : “Con tôi năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, nhưng chưa ra ngoài ôn luyện bao giờ nên gia đình cũng lo không biết thầy cô giáo luyện thi vào đại học thế nào. Thấy bạn bè của con rủ nhau đi ôn thi, nhà tôi đành bán lứa lợn lo cho con đi ôn cho bằng bạn bằng bè. Nhưng các ca học dày đặc thế này, cùng với tiền thuê nhà trọ, tôi thấy tốn kém mà chẳng biết có đảm bảo được sức khỏe cho con đến kỳ thi không”. Tuy nhiên, giữa cái nắng như đổ lửa, các lớp ôn thi cấp tốc vẫn đông kín học sinh. Trong lớp học chật chội với 40-50 học sinh ngồi chen chúc tại trung tâm luyện thi ở phố Nguyễn Trãi, em Trần Thị Vân, quê ở huyện Giao Thủy cho biết: “Em nghe nói ở đây toàn thầy cô giáo dạy giỏi nên mua phiếu vào học, nhưng với khối C, thầy cô dạy khái quát và nhanh như thế này, học lực trung bình như em không theo kịp”. Nhiệt độ ngoài trời lên đến 37-38 độ C, trong lớp học sinh vừa chép bài, vừa lấy sách phe phẩy quạt, có em mệt mỏi nằm ngủ gục trên bàn. Còn trung tâm luyện thi ở đường Hưng Yên, có lớp mở tại Trung tâm giáo dục thường xuyên Trần Phú, tuy mới khai trương từ đầu tháng 6 nhưng đã thu hút được trên 40 học sinh đến ôn thi cấp tốc. Đội ngũ giáo viên ở đây được quảng cáo là những thạc sỹ, nhà quản lý, giáo viên giỏi đến từ các trường đại học: Sư phạm Hà Nội, Bách khoa Hà Nội, Đại học Hàng hải, cùng đội ngũ giáo viên giỏi của tỉnh nên nhiều phụ huynh vội đăng ký cho con học. Với thời gian ôn luyện chưa đầy một tháng trước khi bước vào kỳ thi đại học, liệu thí sinh sẽ tiếp thu được bao nhiêu kiến thức từ đội ngũ giáo viên giỏi? Theo các em, sở dĩ phải đến các lớp luyện thi cấp tốc vì cho rằng các thầy cô giáo ở trung tâm sẽ hướng dẫn những phần trọng tâm cần học và còn chỉ “bí kíp” học sao cho nhanh thuộc bài. Tuy nhiên, hơn hết là tâm lý không yên tâm khi ở nhà tự ôn. Mặc dù, so với những năm trước, số lượng học sinh đến các trung tâm luyện thi cấp tốc đã giảm do sự phát triển của các trang web ôn thi trực tuyến, sự mở rộng và nâng cao trình độ của các lớp luyện thi ngay tại trường, nhưng đến thời điểm này, các “lò” luyện thi đại học vẫn nóng lên từng ngày.

Nam Định có tiếng là một trong những tỉnh trong nhiều năm có điểm bình quân thi đại học của học sinh cao nhất cả nước, nhưng không phải kết quả đó có được qua các lò luyện cấp tốc mà là quá trình tích luỹ kiến thức lâu dài. Việc đến với các “lò” luyện thi cấp tốc, bên cạnh việc hệ thống lại kiến thức, chỉ là một việc làm nhằm trấn an tâm lý lo lắng của các thí sinh và phụ huynh khi mùa thi đang đến gần. Trên thực tế, nhiều học sinh các vùng nông thôn, xa trung tâm thành phố, không có điều kiện luyện thi tại các “lò”  luyện vẫn đỗ thủ khoa với số điểm cao. Vấn đề cốt lõi là, tự thân của các em và cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên THPT. Thực tế, không phải học sinh nào cũng có điều kiện đến các trung tâm, các lớp ôn thi. Vì vậy, các trường THPT cần xây dựng đội ngũ giáo viên vững về chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy tham gia hướng dẫn ôn thi đại học cho học sinh. Các thầy cô cũng cần tích cực tìm tòi, nâng cao khả năng “luyện thi”. Hơn nữa, vài năm trở lại đây, đề thi đại học luôn bám sát kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa, ít câu hỏi mang tính “đánh đố” học sinh như trước, vì vậy việc ôn tập giúp học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, thành thục kỹ năng làm bài là có thể bảo đảm đạt kết quả tốt. Các “sĩ tử” hãy cân nhắc trước khi đến các “lò”  luyện thi cấp tốc./.

Bài và ảnh: Thảo Linh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com