Du lịch Việt Nam tái đầu tư cho phát triển

07:05, 18/05/2011

Ngành Du lịch đang tập trung và hướng tới thu hút một lượng lớn du khách từ nhiều nước trên thế giới, thay vì tập trung khai thác khách nội địa như những năm trước đây. Điều này đặt ra bài toán xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch mang tính chuyên nghiệp. Đã đến lúc câu chuyện tái đầu tư cho du lịch ở Việt Nam không chỉ là vấn đề thời sự mà còn là yêu cầu cấp bách hỗ trợ mạnh hơn cho hoạt động xúc tiến du lịch, tăng cường quảng bá, mở rộng phát triển du lịch xanh...

Đón cơ hội phát triển mới

Theo Tổng cục Thống kê, hiện nay, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Cam-pu-chia, Pháp, Ma-lai-xi-a, Anh là những thị trường khách quốc tế dẫn đầu của du lịch Việt Nam. Tính trong tháng ba, có đến bảy thị trường lượng khách sụt giảm so với tháng trước đó. Tuy nhiên, trong ba tháng đầu năm 2011, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn đạt hơn 1,5 triệu lượt, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2010.

Việt Nam được biết tới là đất nước có một bờ biển trải dài hơn 3.000km với nhiều bãi biển đẹp, ngoài du lịch nghỉ dưỡng, còn có thể khai thác loại hình du lịch sinh thái, tham quan trải nghiệm thiên nhiên và các hoạt động thể thao trên biển. Ngoài ra, Việt Nam còn được biết đến về sự tinh tế của nghệ thuật ẩm thực, tinh sảo về các nghề truyền thống. Du lịch Việt Nam có ba điểm hấp dẫn du khách đã được các chuyên gia tổng kết, đó là phong cảnh đẹp, nhiều điểm tham quan mới và chi phí du lịch thấp. Trong một hội thảo quốc gia về du lịch, GS Vũ Khiêu cho rằng, Việt Nam có rất nhiều giá trị văn hóa tinh thần và vật chất giàu bản sắc cần được khai thác và phát triển du lịch.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Pv
Vườn Quốc gia Xuân Thủy.
Ảnh: PV

Dù có nhiều thành công, nhưng so với tiềm năng du lịch to lớn của Việt Nam, lượng khách quốc tế đến Việt Nam hằng năm còn thấp và còn giữ khoảng cách khá xa so với một số nước trong khu vực như Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a. Tại hội thảo “Đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch tổng thể Phát triển Du lịch Việt Nam thời kỳ 2005 - 2010” vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia du lịch cho rằng, nhiệm vụ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2005 - 2010 còn mang tính hình thức. Việt Nam thiếu các sản phẩm đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, giá cả thiếu cạnh tranh, nhiều khu du lịch, điểm du lịch phát triển tự phát, chưa có thương hiệu du lịch quốc gia... Sự liên kết, phối hợp giữa các ngành, địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, đội ngũ làm công tác xúc tiến du lịch còn yếu và thiếu...

Dự thảo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng được xây dựng và thực hiện trên cơ sở những quyết sách mạnh mẽ hơn về tổ chức, quản lý, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và xúc tiến quảng bá du lịch. Chú trọng tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, mang bản sắc Việt Nam, có sức cạnh tranh cao song song với việc xây dựng thương hiệu cho du lịch. Coi trọng đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch như một yếu tố đặc biệt quan trọng để thu hút đầu tư FDI và nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Dự thảo này cũng xác định, du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn của đất nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Điều này cũng có nghĩa, ngành Du lịch sẽ tập trung và hướng tới thu hút một lượng lớn du khách từ nhiều nước trên thế giới, thay vì tập trung khai thác khách nội địa như những năm trước đây.

Để thu hút khách du lịch như mục tiêu đã đề ra, chiến lược phát triển của ngành du lịch sẽ tập trung xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, thu hút khách du lịch theo các phân đoạn thị trường. Du lịch theo mùa là thời điểm thu hút du khách dựa trên cơ sở nhu cầu, các đặc điểm xã hội và văn hóa. Việt Nam có hai mùa du lịch chính là xuân và hè, bên cạnh đó còn có mùa chuyển tiếp là mùa thu. Thực tế là du lịch theo mùa khá phổ biến ở hầu hết quốc gia và có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp lữ hành cũng như là một yếu tố góp phần xác định mùa cao điểm và mùa thấp điểm để có những chiến lược khác nhau.

Mỗi một thị trường lại có những đặc điểm và nhu cầu riêng. Du khách đến từ các thị trường gần như ASEAN và Đông Bắc Á có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày với những sản phẩm mới như du lịch hội thảo, du lịch chữa bệnh, làm đẹp... sẽ được chú trọng khai thác. Bên cạnh đó, ngành Du lịch vẫn duy trì khai thác các thị trường khách truyền thống là Tây Âu, Bắc Mỹ, Bắc Âu, Việt kiều cùng các thị trường mới nổi như các nước Nga, U-crai-na... và cả các thị trường tiềm năng như châu Mỹ la-tinh, Nam Phi và Trung Đông.

Muốn phát triển phải tái đầu tư

Theo tin từ Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch), một chương trình quảng bá du lịch Việt Nam, đặc biệt là giới thiệu tiềm năng du lịch biển với chi phí khoảng ba tỷ đồng sẽ tiếp tục được quảng cáo trên kênh truyền hình BBC (Anh). Đây là lần thứ hai, ngành Du lịch triển khai chiến dịch quảng bá trên kênh truyền hình quốc tế nổi tiếng này. Được biết, BBC đã hoàn tất các cảnh quay và đang duyệt nội dung. Dự kiến, vào tháng năm này, clip quảng cáo dài 30 giây này sẽ được phát sóng trên BBC với thời lượng ba lần một ngày vào các giờ cao điểm của buổi sáng, trưa và tối.

Những nỗ lực cho việc quảng bá hình ảnh Việt Nam như thế được coi là tiền đề để hướng tới mục tiêu của ngành du lịch, đó là, năm 2011, mục tiêu được ngành Du lịch đề ra là đón khoảng 5,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ từ 30 - 31 triệu lượt khách du lịch nội địa. Năm 2010, Việt Nam đón hơn năm triệu lượt khách nước ngoài. Bước tiếp những thành công của du lịch Việt Nam trong những năm qua, để tiếp tục thu hút khách đến Việt Nam, ngay từ đầu năm, Tổng cục Du lịch đã đề xuất chương trình quảng bá theo chiều sâu, hướng vào những thị trường trọng điểm. Nếu mỗi du khách đến Việt Nam được dành một USD để tái đầu tư trở lại cho hoạt động xúc tiến, quảng bá thì năm triệu khách, ngành Du lịch sẽ có được năm triệu USD để tái đầu tư. Câu chuyện Thái-lan, Ma-lai-xi-a mỗi năm dành ra 10-20 USD/khách để tái đầu tư, nâng cao chất lượng quảng bá, xúc tiến du lịch đã và đang mang đến những kinh nghiệm hay cho Việt Nam.

Đã đến lúc câu chuyện tái đầu tư cho du lịch ở Việt Nam không chỉ là vấn đề thời sự mà còn là yêu cầu đầu tư mạnh hơn cho hoạt động xây dựng thương hiệu, tăng mức độ chuyên nghiệp, có chiều sâu trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, phát triển du lịch xanh...

Nguyễn Linh (nhandan.com.vn)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com