Qua gần 5 năm triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” do Bộ GD-ĐT phát động, ngành GD-ĐT đã có những chuyển biến tích cực trong dạy học và thi cử. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đều nhận thức, chỉ có dạy nghiêm túc, đánh giá các bài kiểm tra, các kỳ thi nghiêm túc và từng nhà trường, từng giáo viên chấp nhận kết quả đánh giá nghiêm túc thì phong trào dạy và học mới có được chất lượng thực chất. Trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động, các phòng GD-ĐT đã tăng cường kiểm tra, đánh giá chất lượng, nhất là việc thực hiện nghiêm túc việc coi và chấm bài kiểm tra, bài thi nên đã loại bỏ dần tình trạng học sinh lười học, quay cóp bài lại có điểm cao hơn học sinh có học lực tốt và chăm học. Kết quả xếp loại đã đánh giá đúng thực chất việc học trên lớp và tự học ở nhà của mỗi học sinh…
Giờ lên lớp của cô và trò Trường Tiểu học xã Mỹ Thắng (Mỹ Lộc). |
Điểm nổi bật mà cuộc vận động đem lại là tạo sự chuyển biến trong nhận thức của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh ở các nhà trường, cơ sở giáo dục và thực sự trở thành đợt sinh hoạt sâu rộng, tạo nên sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động. Nhiều biện pháp chống tiêu cực trong thi cử được các trường tiếp tục triển khai ngay từ đầu năm học như tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chương trình, nội dung giảng dạy; việc thực hiện quy định về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới thi cử và kiểm tra, đổi mới công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, tích cực áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy… Nhiều trường đã xây dựng kế hoạch phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém ngay từ đầu năm học để chuẩn bị cho các kỳ thi lên lớp, thi cuối cấp, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh vào lớp 10 THPT và các trường đại học, cao đẳng được diễn ra bình thường, bảo đảm chất lượng và nghiêm túc. Cùng với nâng cao chất lượng dạy và học, các nhà trường đều khơi dậy được lòng yêu nghề, ý thức trách nhiệm và tinh thần hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên. Ở Trường THCS Giao Tiến (Giao Thủy), từ nhiều năm nay, nhà trường đã đưa vấn đề “thực dạy, thực học” là yêu cầu hàng đầu nên hầu như trong các lớp học không xảy ra hiện tượng quay cóp, gian lận trong thi cử. Từ khi cuộc vận động “Hai không” được phát động, mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh càng hiểu sâu sắc hơn về việc dạy thực chất, học thực chất. Niềm tự hào, tự trọng nghề nghiệp của mỗi thầy cô giáo đã được khơi dậy và mỗi học sinh đã xác định đúng động cơ học tập, quyết tâm thực hiện chống gian dối trong học tập và thi cử để có chất lượng giáo dục tốt, vì ngày mai lập thân, lập nghiệp. Ban giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu cán bộ, giáo viên bộ môn báo cáo danh sách học sinh kém ở từng lớp, đồng thời yêu cầu giáo viên cùng một số học sinh khá, giỏi trong lớp kèm cặp để học sinh yếu, kém có cơ hội vươn lên. Đối với những học sinh khá, giỏi, nhà trường có kế hoạch tổ chức dạy để các em có điều kiện nâng cao kiến thức cho chương trình học tập trên lớp, tham gia vào các kỳ thi học sinh giỏi và thi vào các trường THPT có chất lượng giáo dục cao. Từ cách dạy, cách học nên nhiều năm qua, nhà trường có kết quả giáo dục toàn diện vững chắc, học sinh lớp 9 thi đỗ vào các trường THPT đạt tỷ lệ cao.
Tuy nhiên, ở một số trường học, cuộc vận động “Hai không” đã có phần buông lỏng và trở thành hình thức, khi vẫn có những giáo viên, phụ huynh chạy theo thành tích để con em mình dù “sao nhãng” việc học hành mà vẫn có điểm tổng kết cao, để giáo viên khẳng định chất lượng giáo dục của lớp mình tốt thông qua các bài kiểm tra và điểm số môn học cuối năm. Vì vậy, việc nâng điểm cho học sinh vẫn còn ở một số nơi, nhất là trên địa bàn Thành phố. Và để làm được điều ấy, các em đã được “học riêng” tại nhà cô, được làm trước các dạng bài sẽ kiểm tra ở lớp… Với những học sinh cuối cấp THCS, thời điểm này các em đang tập trung ôn tập cho các bài kiểm tra đánh giá cuối năm và là điều kiện để xét tốt nghiệp, nhưng đã có nhiều em lạc quan vào việc tốt nghiệp của mình. Em Trần Trọng Kiên, học sinh lớp 9 trường THCS H đã tâm sự: “Cô giáo em nói, việc tốt nghiệp không cần lo lắng quá bởi hàng năm, nhà trường đều có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 100%, vấn đề là cần tập trung vào các môn thi tuyển vào lớp 10 THPT”. Được thầy cô “bật đèn xanh” nên nhiều học sinh lớp 9 đã lơ là việc học các môn phụ (!).
Để cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” phát huy hiệu quả, đang đòi hỏi sự quyết tâm, bản lĩnh, ý chí và tấm lòng tâm huyết với sự nghiệp trồng người của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhằm bảo đảm lợi ích cơ bản lâu dài của người học, của gia đình người học, của cộng đồng xã hội và của đất nước, góp phần vào việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, làm tiền đề, điều kiện để tỉnh ta tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục./.
Bài và ảnh: Thảo Linh