Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu

07:05, 23/05/2011

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là nguyên nhân gây nên những hình thái khí hậu cực đoan như bão, giông, lốc, lũ lụt, hạn hán, ngập úng, sạt lở đất, động đất... với sức tàn phá khôn lường. Tỉnh ta thuộc vùng duyên hải, có trên 72km bờ biển, nhiều sông lớn như sông Hồng, sông Đáy, sông Đào, sông Ninh Cơ... thường xuyên phải đối mặt với thiên tai: bão, lũ, lụt, giông, lốc..., gây thiệt hại không nhỏ về tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Năm 2002, tỉnh ta liên tục chịu 7 trận lũ lớn, đỉnh điểm là trận lũ kéo dài 12 ngày đêm từ ngày 12 đến 24-8, các địa phương đã phải huy động hàng nghìn người cùng các phương tiện để giữ vững đê trước trận lũ lịch sử trong vòng 65 năm lại đây. Năm 2005, tỉnh ta chịu ảnh hưởng trực tiếp 6 cơn bão; trong đó cơn bão số 7 với sức gió mạnh cấp 11, 12 giật cấp 13, 14 đổ bộ trực tiếp vào tỉnh ta ngày 27-9-2005 đúng thời điểm đỉnh triều cao nhất trong vòng 60 năm trở lại đây. Tuy không thiệt hại về người nhưng tuyến đê biển bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn bị vỡ đã làm ngập úng 48.300ha lúa, màu, trong đó 13.000ha mất trắng... ước thiệt hại gần 2 nghìn tỷ đồng. Năm 2008, rét đậm, rét hại đầu năm làm chết 3.218ha mạ; mưa lũ cuối tháng 10, đầu tháng 11 làm ngập 14.000ha lúa mùa chưa kịp gặt và 3.700ha cây vụ đông mới trồng, ước thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Năm 2011, rét hại dưới 100C kéo dài làm chết rải rác tới 1/4 tổng diện tích lúa xuân mới cấy (19.600ha) phải dặm tỉa và kéo dài thời gian sinh trưởng của cây trồng 15-20 ngày. Bên cạnh đó, BĐKH còn là một trong những yếu tố phát sinh, phát triển dịch bệnh. Chỉ trong mấy tháng cuối năm 2004 và đầu năm 2005 dịch cúm gia cầm xuất hiện, cả tỉnh đã phải tiêu huỷ cả triệu con gia cầm. Dịch cúm gia cầm năm 2007, tỉnh ta đã tiêu huỷ 32.500 con; dịch tai xanh ở lợn năm 2008, chúng ta đã phải tiêu huỷ 5.000 con lợn. Bệnh lùn sọc đen trên lúa ở vụ mùa năm 2009 với 17.600ha nhiễm, làm gần 8.100ha mất trắng, giảm sản lượng 60 nghìn tấn thóc. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 8 ổ dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng trên đàn gia súc... Hiện tại thời tiết chưa thuận, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể bùng phát bất kể lúc nào; dịch bệnh trên cây lúa, cây màu xuân cũng chưa thể xem nhẹ, đặc biệt rầy, bệnh lùn sọc đen và nhất là mưa úng cuối vụ...

Trạm bơm Quán Chuột phục vụ tiêu úng cho TP Nam Định, sắp được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Trạm bơm Quán Chuột phục vụ tiêu úng cho TP Nam Định, sắp được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Để phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, Nhà nước, tỉnh và các địa phương đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng cho việc kiên cố hoá đê biển, đê sông, nạo vét, kiên cố hoá kênh mương, khoanh vùng, trang bị máy móc, thiết bị PCLB, thiên tai; phòng, chống dịch hại trên đàn gia súc, gia cầm, thuỷ sản, cây trồng... để phát triển sản xuất. Từ năm 2005 trở lại đây, tỉnh ta đã được đầu tư cả nghìn tỷ đồng, để kiên cố hoá trên 33km đê và đang thi công trên 9km xung yếu. Hiện tại 9 dự án đê biển đang triển khai thi công là: Dự án nâng cấp đê, kè Nghĩa Phúc thuộc tuyến đê biển Nghĩa Hưng; Dự án nâng cấp khẩn cấp một số đoạn đê, kè xung yếu thuộc tuyến đê biển của cả 3 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thuỷ; Dự án khắc phục hậu quả thiên tai năm 2005 với tổng chiều dài 3.360m đê biển (huyện Hải Hậu: 2.860m và huyện Giao Thuỷ 500m); Dự án thí điểm trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển ở cả 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; Dự án hoàn thiện mặt cắt đê từ cống Cồn Nhì đến cống số 10 đê biển Giao Thuỷ dài 13km và đang lập các dự án bổ sung xây dựng, nâng cấp các đường cứu hộ PCLB cùng một số mỏ kè cắt sóng giữ bãi trên tuyến đê biển xung yếu của cả 3 huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng... Trong những năm qua, hệ thống đê sông cũng đang tu bổ, nâng cấp, kiên cố hoá hàng trăm km mặt đê. Hiện tại, 2 dự án đang thi công là: Củng cố, xử lý trọng điểm đê tả Đáy (Ý Yên) dài 30km; Xử lý khẩn cấp kè chống sạt lở và nâng cấp đê hữu sông Hồng (Xuân Trường) và đê tả sông Ninh Cơ tổng chiều dài 25,717km. 3 dự án đê sông đã được phê duyệt chuẩn bị cho thi công là: cải tạo, nâng cấp tuyến đê tả Đáy huyện Nghĩa Hưng, dài 34,5km; Nâng cấp hệ thống đê tả, hữu sông Sò, dài 25km; Dự án tu bổ đê điều thường xuyên của toàn tỉnh... Hệ thống thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng được cải tạo nâng cấp, nạo vét, kiên cố hoá để nâng cao năng lực tưới, tiêu... Chỉ trong vài năm gần đây, Nhà nước và tỉnh đã đầu tư gần nghìn tỷ đồng, riêng năm 2011, trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng 11 cống qua đê; nạo vét, xây đắp mới 3-4 triệu m3 thủy lợi nội đồng và hệ thống giao thông đồng ruộng...

Trao đổi về việc phòng chống, giảm nhẹ thiên tai trong BĐKH, đồng chí Lê Xuân Thuỷ, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: “Phòng, chống giảm nhẹ thiên tai cần có sự vào cuộc của toàn xã hội. Phải tập trung tuyên truyền để mọi người hiểu, tự giác chấp hành, đồng thời vận động những người xung quanh cùng làm và giám sát lẫn nhau để cùng thực hiện; trong đó cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu…”.

BĐKH có thể gây ra những thảm hoạ khôn lường song nhiều tổ chức, cá nhân, địa phương vẫn còn xem nhẹ công tác phòng, chống và ứng phó với BĐKH nên việc chấp hành Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, Pháp lệnh Thú y… chưa nghiêm. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cả cộng đồng về mối hiểm hoạ do BĐKH có thể gây ra; nâng cao khả năng hiểu biết về quy luật tự nhiên về thiên tai và thích ứng với sự BĐKH, nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai từ BĐKH; để mọi tổ chức, cá nhân trong hoạt động của mình không tàn phá nguồn tài nguyên, sinh thái; không trực tiếp hoặc gián tiếp đưa vào môi trường chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí… gây hiệu ứng nhà kính. Tập trung tuyên truyền, giáo dục các tổ chức, cá nhân, địa phương thực hiện đúng Luật Đê điều, Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, Pháp lệnh Thú y…, không vi phạm và khắc phục nhanh những vi phạm... Tuy nhiên, hiện nay tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ đê điều vẫn diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương; thậm chí có địa phương cấp “sổ đỏ” cho tổ chức, cá nhân trong phạm vi bảo vệ đê. Ở khu vực đê hữu sông Hồng, đoạn thuộc xã Nam Thanh (Nam Trực) nhà dân xây sát con chạch, thậm chí còn lấn chiếm phần đê khi Nhà nước xây con chạch… để xây nhà kiên cố(!). Các xưởng đóng, sửa chữa tàu thuyền ven các triền đê mặc dù trong giấy phép không cho dựng các nhà xưởng kín, xây dựng nhà ở… nhưng vẫn “mọc” lên(!). Bãi cát ở đê sông Đáy thuộc địa phận xã Yên Phong (Ý Yên) chất cao đã gây sạt bãi, Tổng cục Thuỷ lợi đã chỉ đạo phải giải toả. Bãi khai thác cát xã Tân Thành (Vụ Bản) vẫn cao hơn đê(!). Bên cạnh đó, tình trạng đào ao, khai thác đất đóng gạch, hút cát… sát chân đê, xe quá tải, quá khổ chạy trên đê vẫn diễn ra tràn làn... Trước thực trạng trên, việc tuyên truyền các văn bản pháp luật về đê điều phải được tiến hành thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống đài phát thanh từ huyện đến cơ sở. Cùng với công tác tuyên truyền, các ngành chức năng và các địa phương cần tăng cường kiểm tra, phát hiện, kiên quyết xử lý dứt điểm vi phạm ngay từ khi mới phát sinh...

BĐKH với những thảm hoạ khôn lường là một thực tế đã và đang diễn ra. Để phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, cần triển khai đồng bộ các biện pháp, song công tác tuyên truyền giáo dục, thuyết phục nâng cao nhận thức, trách nhiệm bảo vệ cộng đồng là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu mang lại hiệu quả thiết thực./.

Bài và ảnh: Tuấn Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com