Dân số với vấn đề môi sinh môi trường

07:05, 09/05/2011

Sự gia tăng dân số đã gây sức ép lớn tới tài nguyên thiên nhiên và môi trường trái đất do khai thác quá mức các nguồn tài nguyên phục vụ cho các nhu cầu nhà ở, sản xuất lương thực thực phẩm, sản xuất công nghiệp, đồng thời tạo ra các nguồn rác thải lớn khiến môi trường không khí, môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là tại khu vực đô thị và các làng nghề.

Tỉnh ta, mặc dù có tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm song những năm qua, dân số đô thị có xu hướng gia tăng, cộng với sự phát triển mạnh của các làng nghề, các khu, CCN đã khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều khu, CCN đi vào hoạt động, tập trung ở khu vực ngoại thành Nam Định, các thị trấn, thị tứ đã tạo nên sự gia tăng dân số cơ học tại các khu vực này. Riêng các KCN đã thu hút khoảng 50 nghìn người đến lao động, sinh sống. Dân số tập trung quá đông tại Thành phố Nam Định (5.305 người/km2) khiến môi trường sống ở khu vực đô thị trở nên ngột ngạt. Rác thải sinh hoạt tăng, thiếu nước sạch sinh hoạt, ô nhiễm không khí do lượng phương tiện giao thông nhiều... là hệ quả tất yếu của sự gia tăng dân số tác động đến môi trường.

Tăng dân số dẫn đến tăng số người tiêu thụ, đòi hỏi phải khai thác tài nguyên nhiều hơn, sản xuất nhiều hơn, do vậy cũng làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Hiện nay, chăn nuôi ở tỉnh ta khá phát triển. Chất thải từ các trang trại là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp ngày càng tăng cả về số lượng và chủng loại cùng với thói quen canh tác dùng phân chuồng chăm bón trực tiếp cho cây trồng vẫn còn phổ biến đang là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cho người dân. Trong khai thác, chế biến thuỷ sản, sự gia tăng lượng dầu thải, sự cố rò rỉ dầu, tràn dầu của các phương tiện khai thác, hiện tượng đánh bắt thuỷ sản bằng thiết bị mang tính huỷ diệt (xung điện, nổ mìn...), việc khai thác cạn kiệt, chế biến thuỷ sản mang tính thủ công... cũng gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường nước. Đặc biệt, với 94 làng nghề đang hoạt động, các làng nghề hầu hết có các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất lạc hậu xen lẫn trong khu dân cư, không có hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung và bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh, làm gia tăng khí thải, bụi, tiếng ồn, gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường nước, tác động xấu đến môi trường đất. Chỉ riêng làng nghề Vân Chàng (Nam Trực) một ngày thải ra sông 40-50m3 nước độc hại, chứa nhiều hoá chất nguy hiểm cho sức khoẻ con người như HCl, H2SO4, NaOH, Ni... Khi môi trường bị huỷ hoại đã tác động ngược trở lại quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và mức sống của người dân. Việc suy giảm chất lượng môi trường sống cũng tác động không nhỏ đến sức khoẻ và bệnh tật của con người. Các số liệu thống kê cho thấy, tình trạng sức khoẻ của người lao động và cư dân trong các làng nghề đang diễn biến theo chiều hướng xấu. Tại các làng nghề chế biến lương thực, mây tre đan, chế biến gỗ, tỷ lệ người mắc bệnh ngoài da, mắt hột, phụ khoa tăng. Tại các làng nghề cơ khí, đúc, sản xuất vật liệu xây dựng, người mắc bệnh phổi, phế quản cao. Ở các làng nghề có tiếng ồn lớn như cơ khí, mộc có nhiều người mắc các bệnh thần kinh, bệnh não cao, giảm tuổi thọ. Nguồn nước thải nhiễm chì còn là nguyên nhân gia tăng các bệnh tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sẩy thai..., ảnh hưởng lớn đến chất lượng dân số.

Trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, dự báo tốc độ gia tăng dân số bình quân thời kỳ 2016-2020 khoảng 0,9%. Mặc dù mức sinh giảm nhanh nhưng quy mô dân số ngày một lớn do dân số tăng thêm trung bình mỗi năm còn ở mức cao. Nhu cầu về nhà ở tăng, gây sức ép với nguồn tài nguyên đất. Thời gian qua, diện tích nhà ở xây mới trên địa bàn tỉnh gia tăng mạnh mẽ, nhất là tại Thành phố Nam Định và khu vực thị trấn, thị tứ của các huyện. Ngoài ra các công trình dân dụng, công trình công cộng, công trình dịch vụ, công trình sản xuất... trong quá trình xây dựng phát sinh nước thải, chất thải rắn, bụi, tiếng ồn tác động tiêu cực đến môi trường. Để giảm sức ép của sự gia tăng dân số đối với môi trường, trước hết cần thực hiện tốt chính sách dân số nhằm điều tiết sự phát triển dân số hợp lý; điều chỉnh quá trình di cư, bảo đảm sự phân bố dân cư, lao động hợp lý, phù hợp với đặc điểm, điều kiện, tình hình phân bố lực lượng sản xuất của từng vùng, từng địa phương; bảo vệ sức khoẻ bà mẹ, trẻ em, giảm tử vong, tăng tuổi thọ của dân cư góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn lao động. Có chính sách giải pháp phát triển kinh tế đồng đều ở các địa phương, vùng miền nhằm tránh thu hút dân số vào một số khu vực gây mất cân đối như hiện nay. Bên cạnh đó cần giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức về môi trường, về pháp luật, chính sách tuyên truyền các hoạt động và trách nhiệm bảo vệ môi trường cho cộng đồng, nhất là ý thức bảo vệ, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên: đất, nước, sinh vật...

Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com