Tuyên truyền để xây dựng thái độ và hành vi với ATGT

02:05, 19/05/2011

Sự hiểu biết và tham gia của người dân trong các hành vi ATGT là mục tiêu lớn của Chương trình ATGT đường bộ quốc gia. Từ góc độ tuyên truyền, giáo dục, làm thế nào để giúp xây dựng được thái độ và hành vi tích cực với ATGT? Tư vấn Egis Bceom của dự án “Tuyên truyền ATGT đường bộ quốc gia Việt Nam” (VRSP) đã đưa ra những lời khuyên hữu ích cho vấn đề này.

Nghiên cứu cộng đồng dân cư

Để triển khai thành công các biện pháp với mục tiêu thay đổi hành vi con người thông qua giáo dục và truyền thông cần phải dựa trên cơ sở đánh giá hành vi và nguyên nhân hành vi của người tham gia giao thông trong thực tế. Theo Tư vấn Egis Bceom, nghiên cứu này cần được thực hiện càng sớm càng tốt và lặp lại sau một thời gian. Nghiên cứu dựa vào phỏng vấn với cá nhân, các nhóm tư nhân và thông qua khảo sát đại diện để xác định phạm vi vấn đề. Các câu hỏi cần đơn giản như: Người dân (lái xe và không phải lái xe được tính riêng) biết gì về ATGT đường bộ? Như thế nào? Từ ai? Ý muốn người dân như thế nào, họ hiểu gì, họ sẽ chấp nhận những gì? Các nguyên nhân chung được biết về nguy hiểm đường bộ có giống như trong nghiên cứu không? Văn phong các thông điệp về ATGT đường bộ nên như thế nào, nên dùng phương tiện thông tin đại chúng nào?

Thực hiện từng bước và liên tục

Các chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức ATGT đường bộ phải được thực hiện thường xuyên. Tuyên truyền ATGT đường bộ cần đi vào cuộc sống hàng ngày của người dân bất kể đối tượng nào. ATGT đường bộ phải được coi là một ưu tiên xã hội quan trọng - hiện hữu, thực sự và rõ ràng; như thể giao thông là vấn đề hàng ngày và có thể thấy ở mọi nơi. Tuyên truyền ATGT đường bộ là một vấn đề rất quan trọng và phức tạp, do đó khó có thể làm tốt chỉ bằng những thông điệp đơn giản, tuyên truyền mỗi năm vài lần, ngay cả khi đó là những thông điệp đáng chú ý.

Những chuyển biến trong giáo dục và hành vi là một quá trình diễn ra theo thời gian. Quá trình chuyển biến bao gồm: Trước mắt là các chiến dịch thu hút sự quan tâm rộng rãi của dư luận như các chiến dịch quảng bá và truyền thông với mục đích giáo dục người tham gia giao thông về các hành vi an toàn - thường được thực hiện kết hợp với các chiến dịch cưỡng chế. Về lâu dài, với các hoạt động giáo dục đang được triển khai cũng như việc tăng cường tuyên truyền về các hành vi tích cực và tiêu cực khi tham gia giao thông, chuyển biến trong thái độ và hành vi sẽ dần được hình thành.

Ưu tiên một số chủ đề

Một số chủ đề khá thú vị, tuy nhiên việc lựa chọn các nhóm đối tượng tuyên truyền, thông điệp chủ đạo và tiếp đó là hoạt động quảng bá và chiến dịch giáo dục phải dựa trên phân tích dữ liệu TNGT đường bộ bên cạnh các nghiên cứu khác. Trước hết, cần tập trung vào các hành vi mất an toàn nghiêm trọng nhất (phổ biến và thường gặp) như: Người điều khiển xe máy và việc đội mũ bảo hiểm; Sử dụng rượu bia và lái xe; Vượt quá giới hạn tốc độ; Phóng nhanh vượt ẩu - đặc biệt là lái xe khách và xe tải; Lái xe bất cẩn; Không thắt dây an toàn; Hành vi mất an toàn của người đi xe đạp; Hành vi mất an toàn của người đi bộ; An toàn cho người già và trẻ em.

Mang chiến dịch vào cuộc sống

Theo Tư vấn Egis Bceom, cần thiết kế một trang tin điện tử quốc gia về ATGT đường bộ, không chỉ nhằm cung cấp thông tin cho đông đảo cộng đồng mà còn tiếp nhận ý kiến phản hồi từ họ qua đường thư điện tử. Đồng thời, một mạng lưới các trang tin điện tử tại địa phương cũng cần được thiết lập. Trong vài năm trở lại đây đã có những chiến dịch ATGT đường bộ được tiến hành thông qua Internet với mức độ thành công ngày càng cao, cung cấp nhiều thông tin hơn cho cộng đồng. Với sự hỗ trợ của Internet, hoàn toàn có thể “mang chiến dịch vào cuộc sống” và tìm hiểu yêu cầu thực sự cũng như những ý kiến đóng góp của cộng đồng thông qua nội dung thư điện tử và blog cá nhân. Một số thông tin cũng có thể được truyền tải thông qua điện thoại di động ở cả Trung ương và địa phương, đặc biệt là đối với các trường học khuyến khích các dự án của học sinh, sinh viên./.

Theo: giaothongvantai.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com