Tại kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc lần thứ XIX - năm 2011 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội Sinh viên VN, Hội Toán học VN tổ chức, đội tuyển của Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định toàn thắng với cả 7 em đi thi đều giành giải chính thức (3 giải nhì, 4 giải ba). Như vậy, 10 năm liên tục “mang chuông” đi dự một trong những kỳ thi danh giá của sinh viên toàn quốc, năm nào đội tuyển của trường cũng giành thắng lợi. Kết quả này là một trong những minh chứng đầy thuyết phục về quyết tâm nâng cao chất lượng đào tạo của trường.
Đỗ Thị Huế quê ở xã Xuân Thủy (Xuân Trường), sinh viên năm thứ 2, lần đầu dự thi nhớ lại: Chiều 15-4, cả đoàn được “xả hơi” đi tham quan về thì được thầy Tuân báo tin vui cả đội đều có giải. Niềm vui sướng vỡ òa, các em ôm nhau hò reo! Nhưng không ai dám tin hoàn toàn, còn “đánh cược” với thầy. Cả đội chỉ có Đỗ Thị Thu Huyền (Nam Trực) và Phạm Thị Oanh (Ý Yên) là sinh viên năm thứ 3 đã nhiều lần dự kỳ thi này, còn lại cả năm bạn (Đỗ Thị Huế, Vũ Thị Hoa ở Giao Thủy, Nguyễn Thị Quỳnh ở Trực Ninh, Trịnh Thị Hằng ở Ý Yên và Đặng Thị Thu Hường ở Mỹ Lộc) đều dự thi lần đầu, lại thi đấu với khoảng 700 sinh viên của các trường đại học và cao đẳng trong toàn quốc. Chẳng ai dám gọi điện về nhà ngay để báo tin vui với gia đình. Sáng 16-4, lễ trao giải được tổ chức trang trọng, lúc này cả đội mới tin giấc mơ đã thành hiện thực! Thầy và trò trong đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhà trường giao cho. Đây là một kỳ thi có nhiều “đặc biệt” đối với trường: lần thứ 10 trường có đội tuyển tham dự kỳ thi này, cả 7 thành viên đều là nữ và tuy không có giải cao nhất nhưng lần đầu tiên cả đội đều giành giải chính thức ở hai môn Đại số và Giải tích. Và trong số 75 trường đại học, cao đẳng tham dự kỳ thi này không có nhiều đội giành giải toàn đoàn. Kỳ thi Olympic Toán sinh viên toàn quốc được tổ chức thường niên nhằm thúc đẩy phong trào học toán cũng như khuyến khích, phát hiện các tài năng toán học trẻ và tăng cường giao lưu trao đổi để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học toán ở các trường đại học và cao đẳng. Olympic Toán sinh viên toàn quốc đã trở thành một hoạt động khoa học thường niên, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội và đặc biệt có ý nghĩa đối với các nhà toán học, các thầy cô giáo nghiên cứu - giảng dạy toán, các bạn sinh viên và những người quan tâm đến lĩnh vực toán học.
Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Định là một cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín, chất lượng của tỉnh trong nhiều năm đã hăng hái tham gia hoạt động khoa học quy mô và bổ ích này. Tiến sỹ Bùi Huy Ngọc, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi bộc bạch, tại cuộc thi lần thứ X-2002, Ban tổ chức cuộc thi mở rộng “sân chơi” khoa học này đến cả các trường cao đẳng trong cả nước. Đảng uỷ và Ban Giám hiệu nhà trường đã quyết định cử đội tuyển tham gia và chỉ đạo khoa Tự nhiên tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển. Thầy Ngọc, khi đó với cương vị Trưởng khoa Tự nhiên, lần đầu tiên nhận nhiệm vụ “dẫn quân” tham gia cuộc thi “không cân sức”, không chỉ giúp các em tập luyện tốt mà còn vượt qua mặc cảm tự ti là sinh viên cao đẳng đi thi cùng sinh viên đại học. Kết quả 6 sinh viên của trường đã đoạt giải ngay trong lần xuất quân đầu tiên. Truyền thống đó đã liên tiếp được tiếp nối trong 10 năm qua, đóng góp xứng đáng vào bề dày thành tích của nhà trường. Suốt 10 kỳ tham gia Olympic Toán sinh viên toàn quốc, năm nào khoa Tự nhiên của trường cũng giành giải.
Khoa Tự nhiên là một khoa lớn của trường. Đội ngũ của khoa có 38 cán bộ, giảng viên, nhân viên, trong đó hơn 60% có trình độ thạc sỹ, có nhiệm vụ đào tạo giáo viên các môn Toán, Vật lý, Sinh học, Hóa học, Tin học, Kỹ thuật công nghiệp, Thể dục thể thao cho các trường trung học cơ sở trong tỉnh. Ngoài ra, khoa còn có các hệ đào tạo không sư phạm như Cử nhân Tin học, nhân viên Quản lý thiết bị trường học, tham gia đào tạo giáo viên tiểu học, bồi dưỡng giáo viên trong tỉnh. Đồng chí Vũ Đức Thắng, Trưởng khoa cho biết, trước yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo để cung cấp cho xã hội lực lượng giáo viên đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục, nhà trường và khoa luôn chú trọng đẩy mạnh công tác chuyên môn cũng như khuyến khích tạo điều kiện để các cán bộ, giảng viên của khoa tham gia học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ. Trong hai năm học vừa qua, khoa đã cử 10 giảng viên trẻ đi học thạc sỹ, 4 giảng viên đi học tiến sỹ. Các giảng viên trẻ về trường được làm việc trong môi trường sư phạm thân thiện và luôn được khuyến khích tài năng. Thầy Đỗ Minh Tuân, chỉ sau 3 năm về công tác tại trường, năm 2007 đã được tín nhiệm chọn tham gia bồi dưỡng đội tuyển Olympic Toán của trường. Niềm say mê toán học của các giảng viên đã “truyền lửa” cho các em. Nhiều sinh viên khi còn học phổ thông chưa “phát hiện” ra năng khiếu toán học của mình, qua thời gian học tập tại trường đã tiến bộ nhanh chóng. Hằng năm, tỷ lệ sinh viên của khoa tốt nghiệp đạt loại khá, giỏi đều chiếm trên 80%. Nhiều sinh viên của khoa sau khi tốt nghiệp ra công tác một thời gian ngắn đã trở thành giáo viên giỏi cấp tỉnh, chuyên viên, lãnh đạo các phòng giáo dục; có em phấn đấu trở thành hiệu trưởng trường phổ thông. Không chỉ hăng hái tham gia các hoạt động rèn luyện chuyên môn, nghiệp vụ do khoa và trường phát động, sinh viên của khoa còn hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Hiến máu nhân đạo”, rèn luyện đạo đức… Mỗi năm, có 45-60 sinh viên của khoa có thành tích cao trong học tập và tu dưỡng đã được giới thiệu đi học lớp đối tượng Đảng, và có 2-3 em được kết nạp vào Đảng. Kết quả đội tuyển Olympic Toán của trường là một trong những minh chứng đầy sức thuyết phục về chất lượng, uy tín đào tạo của trường. Tuy nhiên, điều trăn trở lớn nhất của nhà trường là làm sao sự rèn luyện phấn đấu của thầy và trò không chỉ được nhà trường mà cả ngành Giáo dục và toàn xã hội ghi nhận. Mấy năm qua, với tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng, sinh viên của trường khi đi xin việc luôn khó khăn “cạnh tranh” với các sinh viên tốt nghiệp đại học, mặc dù hệ cao đẳng được đào tạo cho bậc giáo dục THCS, các em về công tác ở các trường này là “đúng người, đúng việc”./.