Theo thống kê, trong giai đoạn 2001-2010 số lượng trẻ em (TE) tỉnh ta giảm dần qua các năm. Năm 2001 toàn tỉnh có 613.587 TE, chiếm 31,9% dân số; năm 2010 chỉ còn 467.175 TE, chiếm 25,5% dân số. Số lượng TE có hoàn cảnh đặc biệt cũng giảm từ 2,6% (năm 2001) xuống còn 1,49% tổng số TE (năm 2010). Trong 10 năm thực hiện chương trình hành động vì TE, các cấp, các ngành trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các Đề án: Ngăn chặn và trợ giúp trẻ em lang thang kiếm sống giai đoạn 2005-2010 tại tỉnh Nam Định; Truyền thông vận động, nâng cao năng lực quản lý chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng TE lang thang, TE bị xâm hại tình dục, TE phải lao động trong điều kiện độc hại nguy hiểm, giai đoạn 2005-2010… Kinh phí đầu tư cho thực hiện 7 mục tiêu chương trình hành động vì TE của tỉnh giai đoạn 2001-2010 đạt 53,41 tỷ đồng; bình quân kinh phí đầu tư cho 1 TE/năm trong giai đoạn 2006-2010 gấp đôi giai đoạn 2001-2005. Toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 80 nghìn TE có hoàn cảnh đặc biệt, 6.000 trẻ khuyết tật được phẫu thuật và phục hồi chức năng miễn phí, gần 6.000 TE lang thang, phải làm việc xa gia đình; 100% TE bị xâm hại tình dục, bị buôn bán, bắt cóc hoặc bị xâm hại nghiêm trọng các quyền cơ bản được hỗ trợ; trên 30% số TE vi phạm pháp luật được hỗ trợ dạy nghề, tìm việc làm; tỷ lệ TE được khai sinh đúng quy định đạt 100%; duy trì cấp phát thẻ khám chữa bệnh miễn phí, thẻ bảo hiểm y tế cho TE dưới 6 tuổi; thực hiện đạt và vượt 6/7 mục tiêu Chương trình hành động vì TE giai đoạn 2001-2010, triển khai thực hiện có hiệu quả 4 mô hình bảo vệ, chăm sóc TE tại 115/229 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Nhờ đó, tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng TE được cải thiện, cơ sở vật chất cho giáo dục TE được chú ý đầu tư và nâng cấp, đời sống văn hóa tinh thần của TE được cải thiện, nâng cao, TE có hoàn cảnh đặc biệt được quan tâm chăm sóc tăng về số lượng và chất lượng các dịch vụ. Phong trào bảo vệ, chăm sóc TE có chuyển biến tích cực, huy động đông đảo cộng đồng ở trong nước và ngoài nước đóng góp tích cực cho hoạt động bảo vệ, chăm sóc TE.
Đội biểu diễn võ thuật của Trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định).
Ảnh:
Thảo Linh
|
Tuy nhiên, công tác bảo vệ, chăm sóc TE vẫn còn những hạn chế như: Nhận thức của gia đình và cộng đồng về bảo vệ TE chưa đầy đủ, dẫn tới không hoặc rất ít hành động đấu tranh trực tiếp để ngăn chặn hành vi bạo lực ngược đãi, bóc lột TE ở gia đình và cộng đồng. Pháp luật chưa quy định các thủ tục cho việc điều tra các trường hợp xâm hại TE; việc hỗ trợ ở TE vi phạm pháp luật và phạm tội tái hoà nhập cộng đồng còn khó khăn; TE lang thang, lao động trong điều kiện độc hại nguy hiểm, xa nhà, TE bị khuyết tật, bị nhiễm HIV/AIDS diễn biến khó kiểm soát nên việc hỗ trợ và đảm bảo thực hiện chính sách của Nhà nước cho nhóm đối tượng này gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương mới bố trí được mặt bằng địa điểm vui chơi, giải trí cho TE chứ chưa có trang thiết bị, xây dựng các chương trình, nội dung cụ thể cho các cháu ngoài trường học. Việc đầu tư các điểm vui chơi giải trí cho TE vẫn đang là vấn đề nan giải. Tỷ lệ hộ gia đình được tuyên truyền trực tiếp về kiến thức, kỹ năng về lĩnh vực bảo vệ chăm sóc giáo dục TE đạt thấp; tỷ lệ TE có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ bằng các hình thức khác nhau mới đạt 48%, tỷ lệ TE dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn ở mức cao; chưa tổ chức được nhiều lớp học chuyên biệt dành cho TE khuyết tật... Nguyên nhân do công tác xã hội hóa hoạt động bảo vệ, chăm sóc TE chưa mạnh mẽ, đồng đều ở các địa phương. Sự khó khăn về kinh tế của một bộ phận gia đình dẫn đến sao nhãng, bỏ mặc TE; áp lực tâm lý trong đời sống gia đình và xã hội dẫn đến nguy cơ cao TE bị bỏ rơi, bị bạo lực. Bên cạnh đó, việc giáo dục đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh trong trường học chưa được quan tâm đúng mức và chưa có cách thức phù hợp; tác động từ mặt trái của Internet, các xuất bản phẩm, băng đĩa ngoài luồng gây “ô nhiễm” môi trường văn hóa tác động nguy hại đến TE. Việc tạo cho TE môi trường vui chơi giải trí lành mạnh, phát triển năng khiếu còn nhiều hạn chế, nhất là ở khu vực nông thôn. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức của tỉnh trong hoạt động bảo vệ, chăm sóc TE còn hạn chế.
Hoạt động trọng tâm trong công tác chăm sóc, bảo vệ TE giai đoạn 2011-2015 của tỉnh là trợ giúp cho 54.646 hộ nghèo, 42.602 hộ cận nghèo và 165.800 TE có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Trong đó đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc TE, cộng tác viên, tình nguyện viên; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc TE. Triển khai trên địa bàn 148 xã, phường, thị trấn các hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình trợ giúp TE có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng với mục tiêu lớn xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh mà ở đó tất cả TE đều được bảo vệ. Chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn thương cho trẻ, giảm thiểu tình trạng TE rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và bị ngược đãi, xâm hại, bạo lực. Trợ giúp, phục hồi kịp thời cho TE có hoàn cảnh đặc biệt và TE bị tổn thương, tạo cơ hội để các em được tái hòa nhập cộng đồng và bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện. Trước mắt tổ chức thực hiện có hiệu quả “Tháng hành động vì TE năm 2011” theo chỉ đạo của tỉnh, tạo cho các em một mùa hè vui tươi, bổ ích. Tích cực vận động, tham gia ủng hộ xây dựng Quỹ bảo trợ TE các cấp, tạo nguồn kinh phí hỗ trợ cho hoạt động chăm sóc, bảo vệ TE./.
Vân Thi