Thực hiện phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động

08:05, 04/05/2011

Khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp (BNN) là một yêu cầu bắt buộc được pháp luật quy định. Các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề, mà môi trường làm việc có nhiều yếu tố, nguy cơ gây bệnh cho người lao động (NLĐ) thì ngoài việc khám sức khỏe định kỳ còn phải tổ chức khám phát hiện BNN để điều trị cho NLĐ và hưởng các chế độ trợ cấp bảo hiểm liên quan. Bộ Y tế hiện đã quy định danh mục bệnh liên quan đến nghề nghiệp gồm: bệnh bụi phổi si-lic; bệnh bụi phổi atbet (amiăng) hay xảy ra với những người làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất tấm lợp Phibro-xi-măng sử dụng nguyên liệu sợi amiăng; bệnh bụi phổi bông (công nhân đứng máy ở các doanh nghiệp sản xuất bông sợi, sợi đay); bệnh viêm phế quản mạn tính. Nhóm các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp có 8 loại bệnh như bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất của chì, nhiễm độc thủy ngân, mangan, TNT, asen, nhiễm độc hóa chất từ thuốc trừ sâu; các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý như bệnh do X-quang và các chất phóng xạ; bệnh điếc do tiếng ồn, bệnh rung chuyển nghề nghiệp (do thường xuyên sử dụng điều khiển các thiết bị có độ rung lắc lớn), bệnh giảm áp mạn tính nghề nghiệp. Riêng về da cũng có khá nhiều bệnh như bệnh sạm da (hay xảy ra với lao động ở các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xăng dầu), bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc; bệnh nốt dầu, viêm móng và xung quanh móng. Nhóm các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp có bệnh lao, viêm gan vi rút, bệnh do xoắn khuẩn Leptospira.

Bác sỹ Trần Thị Thiện, Khoa Sức khỏe nghề nghiệp (Trung tâm y tế dự phòng tỉnh) cho biết: Hiện tại Trung tâm có đủ năng lực chuyên môn, trang thiết bị để khám, phát hiện BNN, nhưng yêu cầu trong lĩnh vực này không nhiều. Một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn như Cty xăng dầu Hà Nam Ninh, Cty cổ phần may Sông Hồng… cũng chủ yếu duy trì hợp đồng với đơn vị để khám sức khỏe định kỳ hàng năm cho NLĐ. Có những trường hợp qua khám định kỳ, khoa đã tư vấn cho doanh nghiệp chọn lọc khám, phát hiện BNN cho một số NLĐ làm việc tại các bộ phận mà nguy cơ mắc BNN cao nhưng doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà. Tìm hiểu qua các cơ quan y tế ở các huyện cũng thấy một thực tế là hầu như chỉ có khối cơ quan hành chính sự nghiệp hoặc một số đơn vị, doanh nghiệp Nhà nước là duy trì công tác bảo hộ lao động trong đó có nội dung về y tế như các Cty thủy nông, các đơn vị trong ngành Y tế, một số doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, thực phẩm đông lạnh… Nguyên nhân một phần do năng lực chuyên môn và trang thiết bị của các đơn vị y tế ở huyện, cơ sở còn hạn chế; mặt khác do ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động. Nếu như việc khám sức khỏe định kỳ chi phí theo quy định chỉ chưa đến 30 nghìn đồng/người, thì để khám, phát hiện BNN, ngoài khám lâm sàng thông thường phải làm một số xét nghiệm theo chỉ định của bác sỹ nên chi phí lên đến vài trăm nghìn đồng/người và theo quy định, chủ sử dụng lao động phải thanh toán nên người sử dụng lao động không tích cực cũng là điều dễ hiểu.

Để bảo đảm NLĐ khi mắc BNN được điều trị và hưởng các chế độ bảo hiểm theo quy định thì đơn vị, doanh nghiệp phải làm tốt khâu quản lý từ hồ sơ sức khỏe NLĐ. NLĐ khi được tuyển dụng vào phải được khám sức khỏe, đối với những công việc có khả năng gây BNN thì phải được khám kỹ về những loại bệnh đó, lập hồ sơ ban đầu. Định kỳ quy định đối với từng loại bệnh, sau 6 tháng, 12 tháng hoặc 18 tháng… Tuy nhiên trong thực tế khâu này đang bị buông lỏng do cả hai phía là NLĐ và người sử dụng lao động đều né tránh, trong khi các chế tài ràng buộc thực hiện quy định này chưa đủ sức răn đe. Trao đổi với các bác sỹ chuyên thực hiện nhiệm vụ này được biết, chỉ những NLĐ đã cao tuổi, muốn được khám điều trị BNN và có hồ sơ để hưởng các chế độ trợ cấp, bảo hiểm như chi phí điều trị, khám chữa bệnh, chế độ điều dưỡng… nhưng do hồ sơ từ ban đầu không đầy đủ nên không thể làm được. Các trường hợp lao động trẻ thì sợ mất việc làm nếu bị phát hiện mắc BNN nên cũng né tránh. Pháp luật về lao động hiện quy định, doanh nghiệp phải có bộ phận y tế tại đơn vị hoặc phải ký hợp đồng với các cơ sở y tế phù hợp (từ trạm y tế cấp xã đến các bệnh viện) về việc chăm sóc, quản lý sức khỏe NLĐ. Nhưng trên thực tế việc chấp hành quy định này còn sơ sài với số lượng rất “khiêm tốn”. Đáng chú ý và lo ngại hơn cả là ở khu vực nông thôn, nhất là ở các làng nghề. Sản xuất phát triển, tăng trưởng với tốc độ cao nhưng công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ nói chung, quản lý, khám phát hiện BNN nói riêng còn yếu. Trạm y tế xã thì chỉ riêng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân địa phương đã khó bảo đảm nên các yêu cầu về phối hợp với doanh nghiệp để chăm sóc, quản lý sức khỏe NLĐ vượt quá năng lực chuyên môn cũng như điều kiện trang thiết bị kỹ thuật hiện có. Các doanh nghiệp thì “lách luật”, sử dụng lao động mùa vụ, không ổn định nên “khó” để buộc họ phải chấp hành các quy định về khám sức khỏe định kỳ và BNN cho NLĐ. Trong khi đối với các làng nghề như Yên Ninh, Yên Xá, Cát Đằng (Ý Yên), Vân Chàng, Bình Yên (Nam Trực)… luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây BNN cho NLĐ.

Để tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe NLĐ, thực hiện nghiêm quy định khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện BNN cho NLĐ, mới đây, Sở Y tế đã có quyết định về phân cấp quản lý nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe NLĐ, khám phát hiện BNN cho các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện cần phải có các điều kiện về con người, trang thiết bị, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, phổ biến pháp luật sâu rộng để người sử dụng lao động và NLĐ nâng cao nhận thức và tích cực chấp hành. Tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành quy định này và kiên quyết xử lý các cơ quan đơn vị không chấp hành để tăng hiệu lực quản lý và tính răn đe./.

Trần Vân Anh

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com