Tạo thói quen đọc sách cho trẻ: Trách nhiệm của người lớn

02:05, 19/05/2011

Trong thực tế hiện nay, trẻ đang có xu hướng xa rời văn hoá đọc, tỷ lệ trẻ có niềm đam mê đọc sách còn rất ít. Số trẻ có thói quen đọc sách thì lại chỉ thích những loại truyện tranh và truyện dịch giả tưởng của nước ngoài. Nguyên nhân thì nhiều song đánh giá chung lại, trẻ lười đọc sách là do thiếu sự quan tâm, định hướng của người lớn.

Trẻ lười đọc sách - vì sao ?

Bạn tôi có con học lớp 4 than phiền: cháu rất lười đọc sách, báo. Chưa bao giờ cháu đọc hết một quyển truyện mặc dù chị đã mua đủ loại như báo Nhi đồng, Hoạ mi, truyện tranh Đô-rê-mon hay truyện cổ tích như Tấm Cám, Thạch Sanh, Cây tre trăm đốt… không hiểu sao trẻ lười đọc sách thế, chẳng bù cho thế hệ các chị ngày trước, những cuốn truyện hay có khi đọc quên ăn, đọc thuộc lòng từng trang, mà truyện ngày ấy không có tranh ảnh, hình thức in ấn đẹp như bây giờ.

 Không chỉ bạn tôi mà nhiều bậc phụ huynh có con đang trong độ tuổi đến trường cũng đều có chung nhận xét đó. Nhiều người cho rằng, trẻ bây giờ thiếu tính kiên trì, song nguyên nhân mà ai cũng nhận thấy, đó là xã hội phát triển, các loại hình giải trí như truyền hình kỹ thuật số, Internet, truyền hình cáp ngày càng trở nên phổ biến, cuốn hút giới trẻ. Tình trạng trẻ lười đọc sách dẫn đến nhiều hệ quả xấu, đáng báo động như trẻ có vốn ngôn từ nghèo nàn và trí tưởng tượng kém, nói năng vụng về, cộc lốc, tác động xấu đến việc hình thành nhân cách cho trẻ. Trẻ ngại học văn, tâm hồn trở nên dửng dưng, vô cảm. Bên cạnh những nguyên nhân mang tính khách quan, có nguyên nhân mang tính chủ quan là do người lớn thiếu sự quan tâm đến nhu cầu đọc sách của trẻ, định hướng cho trẻ đọc sách phù hợp với lứa tuổi. Theo số liệu khảo sát của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội về thói quen đọc sách của thiếu nhi tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy 80% giáo viên không đọc sách thiếu nhi, 72% giáo viên tiểu học và THCS hầu như không gợi ý cho học sinh đọc sách gì. Đối với các bậc phụ huynh, chi phí cho trẻ một tháng chỉ có 2% tổng thu nhập dành để mua sách báo. Nhiều gia đình không dành không gian riêng cho trẻ đọc sách. Ở các vùng nông thôn, hiếm thấy nhà nào có giá sách, nhiều nhà không có một cuốn truyện, một tờ báo, ngoại trừ mấy cuốn sách giáo khoa! Những gia đình ở thành thị kê kệ ti vi, bàn máy vi tính chiếm phần lớn diện tích thay vì kệ sách, giá sách. Ngay cả bậc phụ huynh cho con tiền mua sách cũng ít quan tâm con mua sách gì? Thích đọc sách gì? Có 79% phụ huynh không cùng đọc sách với con, 86% phụ huynh không đọc một tác phẩm văn học thiếu nhi nào từ khi con biết đọc. Phải chăng, trẻ lười đọc sách, lỗi là do người lớn! Bố mẹ không có thói quen đọc sách, không hướng cho con có thói quen đọc sách ngay từ nhỏ thì sao trẻ biết yêu thích sách? Thầy cô giáo cũng thờ ơ với sách thì tránh sao học sinh cũng thờ ơ với việc đọc sách? Bên cạnh đó là áp lực học hành khiến trẻ hiếm có thời gian rảnh rỗi dành cho niềm đam mê đọc sách. Giá các loại sách báo còn cao so với mặt bằng thu nhập của người dân cũng là yếu tố cản trở trẻ được tiếp xúc với văn hoá đọc.

Để sách trở thành niềm đam mê của trẻ!

Không phải ngẫu nhiên mà khẩu hiệu Ngày hội đọc sách năm 2011 là “Đọc sách cho ngày mai”, trong đó đối tượng hướng tới là thế hệ mầm non tương lai của đất nước. Ai cũng biết đọc sách có rất nhiều tác dụng, nó góp phần hình thành nhân cách cho trẻ, giúp trẻ được tiếp cận với nhiều nền tri thức trên thế giới, mang lại cho trẻ sự hiểu biết và vốn từ ngữ phong phú, kích thích trí tưởng tượng và khả năng giao tiếp, giúp ích rất nhiều cho trẻ trong việc học hành và trong cuộc sống sau này. Để giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách thì trước hết các thành viên trong gia đình phải cùng duy trì thói quen đọc sách với trẻ, nghe hoặc đọc sách cùng trẻ ngay từ lúc còn nhỏ. Nếu kiên trì, trẻ có thói quen ham mê đọc sách sẽ có tư duy phát triển, tâm hồn khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Trong gia đình cần dành khoảng không gian cho trẻ và mọi người cùng đọc sách, dành một phần chi phí nhất định cho việc mua sách, báo. Các bậc cha mẹ cần định hướng cho trẻ những cuốn sách hay, bổ ích có tác dụng giáo dục, không nên cho trẻ đọc những cuốn sách có hình ảnh nội dung mang tính bạo lực, thiếu tính giáo dục. Bên cạnh đó, các nhà quản lý, nhà xuất bản sách báo cần quan tâm nhiều hơn đến các mảng sách, báo viết cho thiếu nhi, cần có nhiều “Tủ sách vàng” như của nhà xuất bản Kim Đồng, chú trọng đến các mảng sách có tính giáo dục, các tác phẩm văn học truyền thống như kho tàng truyện cổ tích, truyện cười dân gian, đồng dao Việt Nam hay bộ sách phát triển IQ cho trẻ… Kiểm soát chặt chẽ nội dung các cuốn sách dành cho thiếu nhi bởi thực tế hiện nay có nhiều truyện tranh chỉ chú trọng đến hình ảnh mà cắt xén hầu hết cốt truyện, thậm chí còn sai lệch nội dung so với nguyên bản. Điều quan trọng hơn, cần tạo môi trường để trẻ tiếp cận với sách như hệ thống thư viện trong các trường học, thư viện ở các huyện, thành phố, cần có sự quan tâm đầu tư cho mảng sách thiếu nhi, các hoạt động quảng bá để lôi cuốn các em đến với văn hoá đọc ngày một nhiều hơn.

Kỳ nghỉ hè đang đến, bên cạnh những hoạt động vui chơi, giải trí bổ ích, bậc cha mẹ cần định hướng cho trẻ đến với niềm vui từ những cuốn sách hay, tạo niềm đam mê đọc sách cho trẻ. Từ cuối tháng 5, phòng đọc sách thiếu nhi Thư viện tỉnh với hàng nghìn đầu sách đủ chủng loại đã mở cửa đón các em đến đọc hàng ngày. Nhiều bậc phụ huynh đến đăng ký mua phiếu đọc cho con trong dịp hè. Tuy nhiên, hiện tại những địa chỉ như thế vẫn còn quá ít so với nhu cầu của các em và không phải ai cũng có điều kiện đưa đón con đến thư viện hàng ngày. Rất nhiều trẻ em nông thôn còn xa lạ với văn hóa đọc, vì vậy rất cần những tủ sách thiếu nhi miễn phí đưa về các vùng khó khăn giúp các em được mở mang tri thức, làm giàu thêm vốn sống, tránh xa các tệ nạn xã hội và các trò chơi độc hại./.

Hoài Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com