Sử dụng nước sạch và giữ gìn vệ sinh môi trường: Thể hiện trách nhiệm và lợi ích cộng đồng

09:05, 16/05/2011

Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường được tổ chức từ ngày 29-4 đến ngày 6-5 hàng năm và duy trì các hoạt động đến Ngày Môi trường Thế giới 5-6. Phong trào hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường đã thực sự đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Đến cuối năm 2010, tỷ lệ người dân nông thôn trên cả nước được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83%; số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 60%, số chuồng, trại chăn nuôi được cải tạo và xây mới đáp ứng việc xử lý chất thải chiếm 45%; số chuồng, trại có công trình biogas chiếm gần 17%. Việc thu gom và xử lý chất thải bắt đầu được quan tâm, với 32% xã, phường có tổ thu gom rác thải.

Theo TS Nguyễn Duy Lượng, Phó Chủ tịch BCH Hội Nông dân Việt Nam, mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng tình hình nước sạch và vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều vấn đề đáng lo ngại. Nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường còn hạn chế, ý thức bảo vệ môi trường vẫn chưa trở thành thói quen, nếp sống. Một số vùng nông thôn vấn đề ô nhiễm môi trường đang ngày càng gia tăng, việc thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt chưa được quan tâm đúng mức, phong tục tập quán lạc hậu, thiếu vệ sinh vẫn còn tồn tại trong cộng đồng dân cư. Ô nhiễm môi trường ở một số khu công nghiệp tập trung, ở các làng nghề, lưu vực sông vẫn chưa được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang tác động trực tiếp lên môi trường, đa dạng sinh học, tài nguyên nước; thiên tai bão lũ, triều cường, hạn hán xảy ra thường xuyên. Nhiệt độ tăng làm cho khô, hạn kéo dài, nước mặn xâm thực, phát sinh nhiều dịch bệnh ảnh hưởng đến đời sống và sức khoẻ của người dân và đặt ra cho công tác nước sạch và vệ sinh môi trường những khó khăn và thách thức mới.

Nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và các mục tiêu về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015 (giai đoạn hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam cam kết với thế giới), cần thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể. Đó là tăng cường truyền thông, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về cấp nước sạch và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Chú trọng việc xây dựng, phát triển và nêu gương các điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm tốt về nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn.

Phối hợp với các ngành chức năng bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ và kỹ năng truyền thông cho cán bộ chuyên trách làm công tác nước sạch và môi trường, xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên để tuyên truyền sâu rộng tới hội viên, nông dân làm thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi sống thân thiện với môi trường. Hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý, trữ nước và ứng dụng công nghệ xử lý nước sạch cho vùng nông thôn khó khăn về nguồn nước sạch.

Mặt khác, phát động phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, tích cực tham gia xây dựng mới, tu bổ, nâng cấp công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường. Hạn chế sử dụng hoá chất trong sản xuất nông nghiệp, hoá chất bảo quản nông sản và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản. Ngăn ngừa các hành vi đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lý ra sông, rạch, ao hồ. Tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật bảo vệ tài nguyên, môi trường trên địa bàn nông thôn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng và nhân rộng các mô hình Hội Nông dân tham gia thu gom, phân loại và xử lý chất thải và rác thải nông thôn, mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh, mô hình xử lý chất thải làng nghề, mô hình sử dụng kiến thức bản địa bảo vệ môi trường; chi, tổ Hội Nông dân tự quản về vệ sinh môi trường phù hợp với địa phương. Tiếp tục duy trì phong trào “Sạch từ nhà ra ngõ” và “Sạch từ ngõ vào nhà”, “Sạch làng, tốt ruộng, đẹp quê hương”./.

Thăng Long



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com