Mùa hè sắp đến. Khi kết thúc năm học, bước vào kỳ nghỉ, các bậc phụ huynh lo lắng, vất vả tìm chỗ vui chơi cho trẻ em bởi các điểm vui chơi dành cho đối tượng này đang bị thu hẹp, xuống cấp và thiếu thốn.
Tại Hà Nội, thường ngày các điểm sinh hoạt văn hoá, thể thao dành cho thanh thiếu nhi đã luôn quá tải. Vào hè, nhu cầu trở nên tăng vọt do học sinh nghỉ học và thiếu nhi các tỉnh về tham quan nên việc tham gia sinh hoạt tập luyện tại các điểm này, nhu cầu dù chính đáng cũng khó có khả năng thực hiện. Trên địa bàn thành phố có khoảng 1.700 điểm vui chơi cấp phường, xã nhưng phần lớn chưa được xây dựng hoàn chỉnh hoặc còn để đất trống và đang bị “gặm nhấm” dần.
Ở TP Hồ Chí Minh, nhà văn hoá thiếu nhi cũng luôn ở tình trạng quá tải, nhất là trong dịp hè và lễ hội. Nhiều nhà văn hoá thiếu nhi quận, huyện chỉ dành một phần diện tích cho thiếu nhi sinh hoạt, còn cho thuê mặt bằng hoặc kinh doanh các dịch vụ cho người lớn. Chính vì vậy khoảng 1,7 triệu trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn thành phố khó tìm được chỗ vui chơi, giải trí trong dịp hè.
Tại các thành phố lớn, chỗ vui chơi cho trẻ em còn như vậy, ở các địa phương, nhất là các tỉnh còn khó khăn, điều kiện vui chơi, sinh hoạt văn hoá, thể thao cho các em còn thiếu thốn hơn nhiều. Thiếu nơi vui chơi, không ít trẻ em vùi đầu vào Internet với thế giới ảo và các trò chơi bạo lực. Một số em chọn lòng đường, sông hồ làm nơi vui chơi gây cản trở giao thông, không an toàn tính mạng.
Vui chơi giải trí là quyền lợi chính đáng của trẻ em, giúp các em phát triển thể chất, trí lực và nhân cách. Để trẻ em có chỗ vui chơi, trong các dự án quy hoạch xây dựng cần dành quỹ đất làm sân chơi cho thiếu nhi. Phải trả lại mặt bằng, sử dụng đúng mục đích và đầu tư cho các điểm sinh hoạt văn hoá, thể thao thu hút các em vào các hoạt động lành mạnh, bổ ích trong dịp hè./.
Theo: Báo Thời Nay