Qua 2 năm thực hiện Luật BHYT

09:05, 16/05/2011

 

Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi tỉnh.  Bài và ảnh: Lam Hồng
Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi tỉnh.

Kết quả qua 2 năm thực hiện Luật BHYT ở tỉnh ta đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, hạn chế sự lạm dụng quỹ BHYT... Tuy nhiên, trong thực tế thực hiện Luật BHYT cũng nảy sinh những khó khăn, vướng mắc.

Theo quy định của Luật BHYT, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng có trách nhiệm phải tham gia BHYT. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường học quan niệm đây là đối tượng tham gia tự nguyện, nên số lượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT không cao. Một bộ phận người dân do thói quen chỉ khi có bệnh mới tham gia BHYT. Đối tượng cận nghèo mặc dù được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% mức đóng BHYT nhưng số người tham gia BHYT vẫn thấp. Bên cạnh đó, kinh phí mua thẻ và hỗ trợ các đối tượng từ ngân sách Nhà nước chuyển cho cơ quan BHXH còn chậm. Đến ngày 31-12-2010 tổng số tiền ngân sách Nhà nước chưa chuyển cho cơ quan BHXH còn trên 12,8 tỷ đồng, ảnh hưởng đến công tác thu và phát triển đối tượng tham gia BHYT. Công tác phát hành thẻ BHYT cũng gặp khó khăn. Năm 2010, ngành BHXH thực hiện nhiều công việc như: cấp mới thẻ BHYT cho các đối tượng tham gia theo luật định (trẻ em, học sinh, sinh viên, hộ gia đình và các đối tượng tham gia bắt buộc khác), đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu, đổi mã quyền lợi cho các đối tượng người có công... Việc cấp phát thẻ phải qua nhiều khâu nên không kịp thời gian quy định, đối tượng chậm nhận được thẻ. Việc lập danh sách trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT còn sót, nhiều trẻ em khi đi KCB không có thẻ BHYT, gây khó khăn cho cơ quan bảo hiểm trong việc tổng hợp chi phí KCB và phân bổ quỹ BHYT. Đặc biệt, công tác KCB có thẻ BHYT đang nảy sinh nhiều vướng mắc. Đối tượng KCB theo nhu cầu tại Bệnh viện Bạch Mai (bệnh viện hạng I) nếu điều trị nội khoa (viêm họng, viêm phế quản) được thanh toán mức tối đa là 3,6 triệu đồng nhưng nếu điều trị ngoại khoa (viêm ruột thừa, phẫu thuật thoát vị bẹn nghẹt) thanh toán mức tối đa 450 nghìn đồng. Như vậy mức thanh toán không đảm bảo công bằng. Số lượng người có thẻ BHYT KCB trái tuyến gia tăng, nhất là ở các phòng khám tư nhân. Có trường hợp, đối tượng đã được hưởng các chế độ KCB đúng tuyến, nhưng ngay sau đó lại đến cơ sở y tế khác và tiếp tục hưởng chế độ KCB trái tuyến, nên cùng thời gian chi phí KCB trùng nhau. Tình trạng chỉ định đơn thuốc, các dịch vụ kỹ thuật cận lâm sàng trong chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, gây vượt quỹ KCB BHYT vẫn xảy ra. Năm 2010, mặc dù đã cân đối quỹ KCB BHYT trong toàn tỉnh song vẫn còn 10 cơ sở KCB vượt quỹ, trong đó có 3 cơ sở quỹ không đủ để thanh toán chi phí KCB đa tuyến. Ở một số nhóm đối tượng đặc thù, công tác KCB còn gặp nhiều khó khăn. Số lượt trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng giấy khai sinh, giấy chứng sinh đi KCB là trên 39 nghìn lượt trẻ, chiếm 17% số lượt điều trị của đối tượng này. Nhiều trường hợp, trẻ em đã được cấp thẻ BHYT nhưng vẫn sử dụng giấy khai sinh để KCB. Vì vậy, việc thống kê, tổng hợp và báo cáo chi phí KCB của đối tượng này khó khăn và thiếu chính xác, nhất là các trường hợp từ tỉnh khác chuyển đến. Ngoài ra, bệnh nhân KCB trái tuyến và không đăng ký cơ sở KCB ban đầu nên cơ quan BHXH gặp khó khăn trong việc quản lý và tính phân bổ quỹ đối với các cơ sở KCB. Đối tượng người nghèo, chi phí KCB trên 48,4 tỷ đồng, chiếm 16% tổng chi phí trong toàn tỉnh. Chi phí tại các tuyến TW chiếm 49% tổng chi phí của đối tượng người nghèo, do bệnh nhân nặng, chi phí 1 đợt điều trị lớn. Quỹ KCB của đối tượng này không tự cân đối được (âm hơn 16,7 tỷ đồng), phải sử dụng kinh phí KCB của các đối tượng khác để cân đối. Ở nhóm đối tượng tự nguyện, số thẻ BHYT chỉ chiếm 2,5% tổng số thẻ trong toàn tỉnh nhưng chi phí KCB là trên 22,6 tỷ đồng, vượt quỹ KCB BHYT 330%... Năm 2010, BHXH tỉnh phối hợp với Sở Y tế rà soát, xác định các trạm y tế xã đủ điều kiện KCB ban đầu; điều tiết số thẻ đăng ký KCB ban đầu phù hợp với khả năng về chuyên môn, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã. Tuy nhiên, trên thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các trạm y tế xã, phường còn thiếu thốn; nhiều nơi chưa có bác sỹ khám bệnh, chữa bệnh nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng KCB. Từ khi thực hiện Luật BHYT, do đối tượng tham gia BHYT gia tăng, quyền lợi của người tham gia BHYT được mở rộng, nhiều mức độ hưởng khác nhau nên gia tăng khối lượng công việc cho giám định viên BHXH. Trong khi đó, lực lượng giám định viên tại các cơ sở còn mỏng. Một số cơ sở KCB không bố trí hoặc có bố trí nơi làm việc cho giám định viên nhưng chưa thuận tiện, hạn chế chất lượng giám định chi phí KCB BHYT...

Mặc dù còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện Luật BHYT nhưng năm 2010 BHXH tỉnh đã đảm bảo quyền lợi KCB cho hơn 1,6 triệu lượt bệnh nhân có thẻ BHYT, trong đó có gần 40 nghìn lượt trẻ em dưới 6 tuổi, gần 94 nghìn lượt người nghèo... Nhờ đó, đã thu hút được ngày càng nhiều người tham gia BHYT./.

Bài và ảnh: Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com