Những năm gần đây, tệ nạn ma túy đã xâm nhập vào trường học bằng nhiều con đường, thủ đoạn khác nhau và ngày càng tinh vi, gây nên sự lo lắng cho cộng đồng và toàn xã hội. Trước tình hình đó, ngành GD-ĐT tỉnh đã phối hợp với các ngành, các tổ chức đoàn thể và chính quyền địa phương triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học.
Đốt hình nộm, tuyên truyền ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường.
Ảnh:
Xuân Thu
|
Hàng năm, Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống ma túy của ngành GD-ĐT đều tổ chức hội nghị quán triệt tới lãnh đạo phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm trực thuộc, thống nhất các giải pháp phòng, chống tệ nạn ma túy. BCĐ các cấp thường xuyên chỉ đạo triển khai, nắm tình hình, diễn biến trong công tác xây dựng phong trào an toàn trường học, phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi các loại tội phạm xâm nhập học đường; đồng thời tiến hành lồng ghép chương trình phòng, chống ma túy vào chương trình nội khóa của môn học, nhất là ở các bộ môn Sinh học, Giáo dục công dân, Giáo dục thể chất… và tổ chức tập huấn cho giáo viên, học sinh các trường, các trung tâm để nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, phương pháp phát hiện, cách phòng chống… Bên cạnh việc cung cấp tài liệu đáp ứng kịp thời công tác tuyên truyền cho các cơ sở giáo dục trong tỉnh, ban giám hiệu, BCĐ các trường đã tiến hành tuyên truyền phòng, chống ma túy sâu rộng trong nội bộ giáo viên, học sinh, sinh viên (HSSV) với nhiều hình thức đa dạng như: Thông qua các đợt học tập đầu năm, đầu khóa; tuần lễ sinh hoạt đầu năm học của HSSV, hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy; các hoạt động ngoại khóa, nói chuyện chuyên đề, chương trình biểu diễn văn nghệ, các buổi lễ chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần… nhằm giúp cán bộ, giáo viên, HSSV và các bậc phụ huynh nhận thức rõ về tác hại của ma túy, tội phạm đối với trường học, bản thân, gia đình và xã hội. Qua đó, vận động mọi người tích cực phòng ngừa, đấu tranh đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy xâm nhập vào nhà trường. Các hoạt động ngoại khóa như văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thi tìm hiểu “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… ở các trường cũng đã tạo ra môi trường giáo dục lành mạnh cho HSSV, hướng tới cái đẹp, cái thiện trong cuộc sống. Các trường còn xây dựng bản tin, kẻ vẽ pa-nô, áp phích, hàng cây “biết nói”, hòm thư tố giác, truyền thanh nội bộ, đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong trường học. Hiện tại, với gần 14 nghìn giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường THPT và 165 giáo viên ở các trường chuyên nghiệp trong tỉnh được coi là lực lượng then chốt trong phong trào xây dựng trường, lớp học an toàn, phòng chống ma túy, tội phạm. Với chức năng quản lý, giáo dục HSSV, giáo viên chủ nhiệm lớp có điều kiện gần gũi, chia sẻ và giáo dục các em. Những học sinh có biểu hiện hay la cà tại hàng quán, nghỉ học, bỏ học, hay xin ra ngoài lớp vào những giờ nhất định đều được các thầy cô chú ý giám sát, tìm hiểu và luôn có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình để hướng các em vào nề nếp, tránh để những đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo. Các trường đại học, cao đẳng, TCCN trong tỉnh thường xuyên khám sức khỏe cho HSSV, nhất là HSSV năm thứ nhất. Bên cạnh đó, các trường thường xuyên rà soát, chấn chỉnh lực lượng bảo vệ, bổ sung quy chế, quy định về sinh hoạt, học tập và quan hệ của HSSV trong trường; đồng thời chủ động phối hợp với lực lượng công an làm trong sạch địa bàn trong và ngoài trường học, ngăn chặn những ảnh hưởng xấu của các loại tội phạm ma túy, tai, tệ nạn xã hội đến cán bộ, giáo viên, HSSV.
Nếu giai đoạn 2001-2005, mỗi năm toàn tỉnh phát hiện từ 4-10 HSSV sử dụng ma túy, thì từ năm 2005 đến nay, ngành GD-ĐT không phát hiện cán bộ, giáo viên và HSSV nào mắc vào tệ nạn ma túy. Đó là sự cố gắng lớn của ngành GD-ĐT và các ngành, các đoàn thể liên quan trong việc phòng ngừa và đẩy lùi ma túy ra khỏi nhà trường, tạo môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh cho các em và sự tin tưởng của các bậc phụ huynh và xã hội./.
Hồng Minh