Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố của kiểm sát viên trong xét xử các vụ án

08:05, 16/05/2011

Thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, theo hướng nâng cao chất lượng xét xử tại các phiên tòa hình sự đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, bình đẳng, những năm qua, Viện KSND tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại phiên tòa, tạo khâu đột phá trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.

 

Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh thực hành quyền công tố trong một phiên tòa.
Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh thực hành quyền công tố trong một phiên tòa.

Hàng năm, các kiểm sát viên (KSV) ngành KSND tỉnh thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử từ 750 đến 800 vụ án hình sự. Trong quá trình thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp tại các phiên tòa, các KSV phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, trích dẫn đầy đủ các chứng cứ buộc tội và gỡ tội đối với bị cáo, dự thảo luận tội, đề cương tham gia xét hỏi, dự kiến những vấn đề luật sư có thể nêu ra… Để làm tốt điều đó, người KSV phải có đủ trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, am hiểu về pháp luật, có bản lĩnh chính trị vững vàng và có tâm trong nghề. Xác định rõ điều đó, Viện KSND tỉnh đã chú trọng công tác tuyển chọn, cử cán bộ, KSV tham dự các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ. Từ năm 2005 đến nay, ngành đã cử 28 cán bộ đi học hoàn thiện trình độ cử nhân luật, 7 cán bộ đi học thạc sĩ; 30 cán bộ, KSV đi học các lớp cao cấp lý luận chính trị; 138 cán bộ, KSV tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự do Viện KSND Tối cao tổ chức. Bên cạnh đó, Viện KSND tỉnh còn tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ KSV mới vào nghề dưới sự giảng dạy của đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm đã kinh qua những vụ án phức tạp. Đến nay, toàn ngành có 117 KSV, trong đó có 42 KSV cấp tỉnh, 75 KSV cấp huyện, thành phố có đủ trình độ, năng lực đảm đương thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự.

Cùng với bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, KSV, Viện KSND tỉnh đã thực hiện chủ trương đào tạo KSV thông qua các vụ án cụ thể lựa chọn, phân công công việc phù hợp với năng lực, sở trường của KSV; chỉ đạo các KSV tham gia trong suốt quá trình giải quyết vụ án ngay từ khi có sự việc phạm tội xảy ra như tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cùng cơ quan điều tra để thu thập tài liệu, đề xuất phê chuẩn các quyết định khởi tố, áp dụng các biện pháp ngăn chặn như bắt, tạm giữ, khởi tố, tạm giam, ra quyết định truy tố… thực hiện nhanh gọn, đảm bảo chính xác. Trước khi tham gia phiên tòa, KSV phải chuẩn bị tốt dự thảo đề cương xét hỏi, dự thảo luận tội để bảo đảm tính chủ động cao nhất khi tham gia phiên tòa. Tại phiên tòa, KSV đã chủ động tham gia xét hỏi, ghi chép những ý kiến của bị cáo, người bào chữa hoặc những người tham gia tố tụng khác để bổ sung, sửa chữa kịp thời vào bản dự thảo luận tội. Nếu như trước đây, bản luận tội của Viện Kiểm sát thường dập khuôn nội dung cáo trạng, nặng về phê phán hành vi phạm tội của bị cáo để đề xuất hình phạt thì đến nay, bản luận tội đã căn cứ vào chứng cứ được kiểm tra tại phiên tòa, ý kiến của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng để phân tích, chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, thể hiện tính dân chủ trong quá trình giải quyết vụ án. Nhờ đó đã góp phần giúp hội đồng xét xử đưa ra bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không xử oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, hàng năm, ngành KSND tỉnh còn phối hợp với Tòa án các cấp tổ chức những phiên tòa mẫu theo tinh thần cải cách tư pháp, qua đó đánh giá năng lực các KSV và những điều cần bổ sung trong quá trình thực hiện pháp luật. Từ năm 2007 đến nay, Viện KSND 2 cấp (cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố) đã phối hợp với các cấp Tòa án tổ chức 23 phiên tòa rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp, đồng thời thành lập đoàn khảo sát tham dự các phiên tòa xét xử để đánh giá năng lực, trình độ tranh tụng của KSV để rút kinh nghiệm về nghiệp vụ cũng như kỹ năng thực hành quyền công tố của KSV.

Bằng những biện pháp thiết thực, ngành KSND tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động xét xử các vụ án hình sự của đội ngũ KSV trong tỉnh. Từ năm 2005 đến nay, toàn ngành không để xảy ra trường hợp oan sai, không có vụ án nào Viện Kiểm sát truy tố mà Tòa án tuyên không phạm tội, góp phần cùng Tòa án ra các quyết định, bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các vụ án trọng điểm, án điển hình đều được đưa ra xét xử lưu động, hình phạt áp dụng phù hợp với tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi của các bị cáo gây ra, được nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần phòng ngừa và răn đe tội phạm, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com