Kinh nghiệm hòa giải ở Trung Thành

09:05, 16/05/2011

Cùng với phát triển kinh tế và tốc độ đô thị hóa nhanh, những mâu thuẫn cũng thường xuyên nảy sinh trong đời sống xã hội của người dân xã Trung Thành (Vụ Bản). Trước thực trạng đó, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã tập trung chỉ đạo, củng cố, đẩy mạnh hoạt động của các tổ hòa giải nhằm giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở.

Xã Trung Thành đã xây dựng 19 tổ hòa giải ở các thôn, xóm với 96 thành viên. Mỗi tổ hòa giải có từ 5-7 thành viên gồm đại diện của chi bộ Đảng, Ban công tác Mặt trận cơ sở, các đoàn thể và những người có uy tín, kinh nghiệm thuyết phục, vận động nhân dân. Các thành viên thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải và trang bị những kiến thức pháp luật. Các tổ hòa giải hoạt động theo quy chế, duy trì thường xuyên chế độ sinh hoạt, rút kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải. Để nâng cao kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ hòa giải viên, xã đã tổ chức các cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” giữa các thôn, xóm… Trong quá trình hoạt động, đối với những vụ việc tình tiết phức tạp, tổ hòa giải báo cáo với UBND xã, Hội đồng PBGDPL xã để được hướng giải quyết. Tùy theo đối tượng, lứa tuổi, các vụ va chạm, mâu thuẫn…, tổ hòa giải có phương án tiếp cận, kết hợp với các tổ chức đoàn thể, vận động gia đình, người thân, dòng họ và những người có uy tín ở thôn xóm cùng tham gia tìm nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và giải quyết hiệu quả. Đơn cử như vụ việc mâu thuẫn tình cảm do tranh chấp đất đai giữa hai mẹ con bà Phạm Thị T ở thôn Phạm tưởng chừng như khó hàn gắn bởi hai mẹ con cùng ở trên mảnh đất cha ông để lại. Do tuổi cao, sức yếu, bà T nhường quyền sử dụng đất cho con. Khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên mình, anh T có thái độ ngỗ ngược, không cho bà T ở trên phần đất mang tên mình, bà T đã viết đơn trình bày với UBND xã. Ban hòa giải xã đã tìm hiểu nguyên nhân gây mâu thuẫn và kết hợp với gia đình, dòng họ thuyết phục, giúp anh T hiểu ra trách nhiệm của người làm con và đón mẹ về ở cùng. Tình cảm gia đình được hàn gắn.

Thông qua việc hòa giải các mâu thuẫn nảy sinh từ cơ sở, tổ hòa giải kết hợp tuyên truyền phát huy tinh thần tự chủ, tự quản của nhân dân trong xây dựng và thực hiện hiệu quả hương ước thôn, làng; gắn hoạt động hòa giải với việc động viên nhân dân giúp đỡ nhau phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện xóa đói giảm nghèo. Do tập trung làm tốt công tác hòa giải nên những năm gần đây 100% vụ việc phát sinh từ cơ sở đều được giải quyết kịp thời. Đồng chí Lê Thiết Hùng, Phó Chủ tịch UBND, trưởng Ban hòa giải xã cho rằng: Kinh nghiệm thành công trong công tác hòa giải ở Trung Thành bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, Đảng uỷ, UBND xã đã phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp hòa giải; đẩy mạnh hoạt động của Hội đồng giáo dục pháp luật xã; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật với hình thức phong phú, kịp thời và sâu rộng đến nhân dân. Cơ quan tư pháp, MTTQ và các tổ chức đoàn thể thường xuyên phối hợp theo dõi tình hình, đôn đốc việc thực hiện nghiêm túc kết luận hòa giải trong thực tế. Đồng thời duy trì chế độ cung cấp văn bản, tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời kiểm tra, đôn đốc, giúp đỡ các tổ hòa giải ở cơ sở giải quyết những vướng mắc trong thực tế, gắn với việc khen thưởng nhân rộng các cá nhân, tập thể tiêu biểu có đóng góp tích cực trong công tác hòa giải./.

Trần Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com