Khó khăn trong thực hiện bộ chuẩn phát triển cho trẻ 5 tuổi

08:05, 30/05/2011

Với mục đích chăm lo đến sự phát triển toàn diện của trẻ, là bước chuẩn bị thiết thực để trẻ khỏi bỡ ngỡ khi vào lớp 1, Bộ GD-ĐT đã xây dựng bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi. Bộ chuẩn gồm 28 chuẩn với 120 chỉ số, chia thành 4 lĩnh vực phát triển: thể chất, tình cảm và quan hệ xã hội, ngôn ngữ và giao tiếp, nhận thức và sẵn sàng với việc học.

Học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non xã Nam Hùng (Nam Trực) trong tiết học
Học sinh lớp 5 tuổi Trường Mầm non xã Nam Hùng (Nam Trực) trong tiết học  "Làm quen với văn học và chữ viết".

Bộ chuẩn 5 tuổi được Bộ GD-ĐT triển khai thí điểm từ năm học 2010-2011. Về thể chất, trẻ có thể nhảy xuống từ độ cao 40cm và tiếp đất an toàn, chạy 18m với thời gian 5-7 giây, trèo lên và xuống được ít nhất 5 bậc thang luân phiên từng chân. Về phát triển tình cảm và quan hệ xã hội, trẻ phải nói được họ, tên, địa chỉ nhà, số điện thoại, tên bố mẹ, có thói quen chào hỏi, xưng hô lễ phép với người lớn, biết nói cảm ơn, xin lỗi. Về phát triển nhận thức và sẵn sàng với việc học, bé có thể dự đoán một số hiện tượng tự nhiên đơn giản  như: nắng, mưa, gió…, có thể nhận ra được khối cầu, khối vuông, khối chữ nhật và khối trụ theo yêu cầu. Về phát triển ngôn ngữ và giao tiếp, ngoài việc phát âm rõ ràng, không nói tục, chửi bậy, trẻ phải tự viết được đúng tên mình, nhận diện được 29 chữ cái tiếng Việt. Trẻ 5 tuổi phải biết hút thuốc lá là có hại và không lại gần người đang hút thuốc, trẻ tham gia học tập liên tục và không có dấu hiệu mệt mỏi trong khoảng 30 phút… Theo Bộ GD-ĐT, các chỉ số trong bộ chuẩn đều dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, giúp trẻ phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần, chuẩn bị tâm thế tự tin khi bước vào lớp 1. Trong thời gian qua, bộ chuẩn đã thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tuy nhiên, không ít nhà quản lý giáo dục, giáo viên ở bậc mầm non và các phụ huynh có con đang ở độ tuổi mầm non cho rằng, nhiều tiêu chí đưa ra trong bộ chuẩn đòi hỏi quá cao so với trẻ 5 tuổi, thậm chí có một số tiêu chí còn thiếu tính khả thi. Chị Thu Phương, có con đang học lớp 5 tuổi băn khoăn: “Việc đòi hỏi con tôi phải nhảy xuống từ độ cao 40cm và tiếp đất an toàn, chạy 18m với thời gian nhiều nhất 5-7 giây tôi thấy thực sự nguy hiểm, bởi rất dễ gây chấn thương, trong khi con tôi lại rất nhút nhát. Hơn nữa, trong bộ chuẩn còn có sự mâu thuẫn khi chỉ số 104 mong muốn trẻ nhận biết con số trong phạm vi 10, nhưng chỉ số 111 lại mong muốn trẻ nói được ngày trên blog lịch và giờ trên đồng hồ… Tôi nghĩ với con tôi, không thể đạt nhiều tiêu chí trong bộ chuẩn”. Anh Tuấn Anh, cũng tỏ ra lo lắng khi con trai rất hiếu động, đã chuẩn bị bước sang lớp 5 tuổi mà bố mẹ vẫn phải đút cơm, không tự mặc quần áo, chải tóc, trong khi đó bộ chuẩn lại đưa ra tiêu chí trẻ phải giữ đầu tóc gọn gàng, quần áo sạch sẽ, không tự ý sử dụng những đồ vật nguy hiểm… Nhiều giáo viên cũng tỏ ra băn khoăn, khi lấy những tiêu chí của Bộ GD-ĐT để đánh giá, trẻ học trong các trường mầm non ở nông thôn, thành phố và trong các trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và chưa đạt chuẩn là rất khác nhau về điều kiện sinh hoạt, chăm sóc, dinh dưỡng… Những trẻ sinh sống tại thành phố có điều kiện hơn tiếp xúc với thế giới xung quanh, các phương tiện giải trí hiện đại, kích thích trí thông minh cũng như khả năng phát triển về ngôn ngữ, giao tiếp, nhận thức, nhưng lại hạn chế về khả năng leo trèo, chạy nhảy, tìm hiểu về con vật, dự đoán về các hiện tượng thiên nhiên sắp xảy ra… so với trẻ em nông thôn. Bên cạnh đó, còn nhiều tiêu chí có phần “trái khoáy” và mâu thuẫn như: trẻ phải viết đúng được tên mình, trong khi Bộ GD-ĐT và nhiều địa phương rất tích cực để thực hiện chủ trương không dạy chữ cho trẻ mầm non. Trẻ chưa được học viết và ghép vần thì không thể tự viết tên mình được. Tiêu chí yêu cầu trẻ phải đặt được lời bài hát theo giai điệu hay kể một câu chuyện sau khi xem một bức tranh… cũng là một trong nhiều tiêu chí thiếu tính khả thi.

Hiện tại, với 20 trường mầm non được triển khai thí điểm trên địa bàn tỉnh, Sở GD-ĐT đã chọn những trường đạt chuẩn quốc gia, có điều kiện cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục tốt, trong đó chỉ đạo điểm cấp tỉnh ở 2 Trường mầm non 8-3 và Nam Vân (T.P Nam Định); cấp huyện mỗi đơn vị thực hiện ở 2 trường mầm non đang thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới, bảo đảm đến năm học 2012-2013, tất cả các cơ sở giáo dục mầm non sử dụng bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi để hỗ trợ thực hiện Chương trình giáo dục mầm non và theo dõi đánh giá sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, do chưa được Bộ GD-ĐT tập huấn nên các trường mới chỉ căn cứ vào bộ chuẩn cùng với thực tế của trường để triển khai, tùy theo từng tiêu chí cho phù hợp. Nhiều giáo viên dạy lớp 5 tuổi cho rằng, nếu áp dụng vào thực tế một cách máy móc, sẽ gây ra những trở ngại trong quá trình thực hiện, bởi một số điểm trong bộ chuẩn chưa phù hợp với thực tế của nhiều trường. Trên thực tế, khi chưa có bộ chuẩn, nhiều trường mầm non vẫn đặt ra những tiêu chuẩn cụ thể đối với trẻ ở từng giai đoạn khác nhau, nhằm đánh giá chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Khi áp dụng bộ chuẩn, còn phụ thuộc nhiều vào trình độ chuyên môn và sự tâm huyết của mỗi giáo viên, bộ chuẩn giúp giáo viên có thể quan sát, đánh giá đúng từng trẻ, từ đó điều chỉnh kịp thời những hoạt động phù hợp, giúp tất cả trẻ phát triển tốt. Nếu giáo viên không tâm huyết với nghề, rất khó để đánh giá theo từng tiêu chuẩn với trẻ, nhất là với những lớp có sĩ số đông. Khi bộ chuẩn được triển khai đại trà vào năm học 2012-2013, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và bồi dưỡng giáo viên… cần được chú trọng đúng mức mới mong đạt được những tiêu chí trong bộ chuẩn./.

Bài và ảnh: Hồng Minh

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com