Hiện nay, trong các chương trình dạy học chính khóa, việc tổ chức lễ chào cờ vào sáng thứ hai hàng tuần là hoạt động thường xuyên trong các nhà trường. Đây là một tiết học đặc biệt nhằm giáo dục học sinh trân trọng Quốc kỳ, Quốc ca, bồi đắp tình yêu Tổ quốc; biểu dương những gương sáng trong học tập và rèn luyện, góp phần nâng cao tinh thần hiếu học, tính tích cực hoạt động của học sinh.
Tại trường THPT A, sau phút chào cờ thiêng liêng, đại diện lớp trực tuần đã thông báo khái quát các hoạt động giáo dục trên lớp và ngoại khóa thông qua sổ ghi đầu bài của các lớp và báo cáo của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ lớp, trong đó có đánh giá xếp loại đối với từng mặt giáo dục của các lớp, biểu dương những lớp đã có cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện. Tuy nhiên, vẫn có 5 học sinh bị điểm kém khi kiểm tra bài đầu giờ, 4 bạn mất trật tự và không ghi chép bài trên lớp, nghỉ học không có lý do, quay cóp bài trong giờ kiểm tra… đã bị nêu tên trước toàn trường. Trong đó học sinh Nguyễn Thanh T bị kiểm điểm vì đã mắc 2 lỗi lớn là quay cóp khi làm bài kiểm tra và bỏ học không có lý do. Cúi mặt không dám nhìn ai, chắc chắn lần nêu danh này sẽ là một “kỷ niệm” khó quên trong thời áo trắng của em, nhưng đó cũng là một bài học đối với tất cả học sinh trong trường về sự chểnh mảng trong học tập và thực hiện nội quy, nền nếp khi đến trường.
Đối với các nhà trường, tiết chào cờ không chỉ mang tính định hướng hoạt động cho học sinh trong một tuần, một tháng trên cơ sở khắc phục những mặt tồn tại của tuần qua và tiếp tục phát huy những ưu điểm đã có mà còn là dịp để học sinh hoạt động tư tưởng, tham gia vào các hoạt động do nhà trường tổ chức như: kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, hoạt động văn hoá, văn nghệ, trò chơi dân gian, sinh hoạt tự quản… đồng thời để các lớp hiểu biết nhau về thành tích phấn đấu, rèn luyện sau một tuần. Đã có nhiều tập thể lớp, nhiều học sinh cố gắng và trưởng thành hơn từ những tiết chào cờ đầu tuần. Nhớ về một kỷ niệm dưới cờ của mình, em Nguyễn Văn Long, hiện đang là sinh viên của một trường đại học vẫn còn cảm giác nóng bừng mặt khi bị thầy hiệu trưởng gọi lên đứng dưới cờ khi mắc khuyết điểm bỏ tiết học thể dục. Là học sinh cá biệt của lớp nhưng khi đứng dưới cờ Long cảm thấy như tất cả thầy cô, bạn bè đang hướng ánh mắt về phía mình đầy trách móc và ngay lúc đó Long đã tự hứa với bản thân phải sửa lỗi. Và Long đã phấn đấu trong thực hiện nền nếp, trong học tập và đã đỗ đại học trong niềm tự hào của gia đình, thầy cô và bạn bè. Cô giáo Nguyễn Minh Hải, Trường THCS Lộc Hạ (TP Nam Định) tâm sự: Mỗi giáo viên hàng ngày có trách nhiệm dạy dỗ, truyền đạt kiến thức đến các em nên việc phải nêu tên các em trong buổi lễ chào cờ đầu tuần, chúng tôi đều cảm thấy buồn. Nhưng với các lỗi mà các em mắc phải như ăn quà vặt, nói chuyện riêng trong lớp; học hành chểnh mảng…, nếu dùng hình thức kỷ luật mạnh hơn như ghi sổ học bạ, mời cha mẹ đến trường… thì nặng với các em; nếu chỉ nhắc nhở tại lớp mà không có hình thức kỷ luật nào thì các em sẽ ít chịu sửa sai hoặc có nguy cơ tái mắc lỗi. Vì vậy, nhắc các em dưới cờ trước toàn trường sẽ giúp các em có ý thức hơn vì đa số các em đều biết xấu hổ, không muốn mất thể diện với nhiều người; qua đó, các em sẽ quyết tâm sửa sai và phấn đấu vươn lên.
Hiện tại, nhiều trường đã có những đổi mới trong tiết chào cờ đầu tuần để mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất, trong đó có sự đan xen giữa nhận xét, tổng kết thi đua giữa các lớp với việc tạo ra sân chơi bổ ích như sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt tự quản, học mà chơi - chơi mà học xoay quanh những kiến thức và kỹ năng xã hội mà sách giáo khoa không đề cập, dưới sự chỉ đạo của các tổ chức Đoàn, Đội, sẽ giúp cho các em có thêm sự phấn chấn, tự tin để có thể bắt đầu một tuần học mới với nhiệt huyết, tiếp thu kiến thức tốt hơn, sống chan hòa và có ý thức về hành vi, lối sống, tránh mắc phải những sai lầm, khuyết điểm không đáng có./.
Thảo Linh