Huyện Giao Thuỷ có 67,617km đê, trong đó tuyến đê hữu sông Hồng dài 11,602km; tuyến đê biển dài 31,161km; tuyến đê sông Sò dài 13,884km và 27 cống dưới đê, trên 12km kè sông và kè biển. Một số đoạn thuộc tuyến đê hữu sông Hồng có chất đất nền là đất cát và cát pha nên độ bền vững của thân đê không cao. Phía đồng một số đoạn gần chân đê có nhiều thùng ao, phía sông một số đoạn đê không còn bãi, dòng chảy áp sát thân đê. Tuyến đê phía biển từ xã Giao Hải đến Thị trấn Quất Lâm cao trình bãi đang bị hạ thấp, bãi ngoài không có cây chắn sóng, thường xuyên chịu tác động của sóng triều. Tuyến đê sông Sò chưa được nâng cấp, thiếu cao độ thiết kế, mặt cắt nhỏ, mặt đê lồi lõm, gây khó khăn trong công tác kiểm tra đê và cứu hộ khi cần thiết. Các kè: Cồn Nhì, Cồn Ba, Cồn Tư (xã Hồng Thuận), cống Chúa (Thị trấn Ngô Đồng), kè Giao Hương bãi đầu và cuối kè đang bị sạt lở do diễn biến của lòng sông và dòng chảy sát bờ… Trước thực trạng trên, mùa mưa bão năm 2011, huyện Giao Thuỷ xác định 3 trọng điểm phòng chống lụt bão (PCLB) cấp huyện gồm: Đê, kè Giao Hương; đê, kè Hồng Thuận và tuyến đê tả sông Sò từ K1+500 - K11+600 thuộc địa bàn các xã Giao Tiến, Giao Tân, Giao Thịnh.
Đẩy nhanh tiến độ thi công cống Cồn Nhất, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) để đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão. |
Trọng điểm đê, kè Giao Hương dài 700m thuộc địa phận xã Giao Hương; đê, kè Hồng Thuận dài 200m thuộc địa phận xã Hồng Thuận, trên tuyến đê hữu sông Hồng. Do đặc điểm địa chất nên đất đắp đê ở vùng này là đất thịt pha cát không đầm nện, vả lại do biến động của dòng chảy nên đoạn kè này liên tục bị sạt, trượt trong nhiều năm, tuy đã được sửa chữa nhưng đến nay vẫn còn 350m bị sụt rồng, sạt mái và tiếp tục sạt trượt do dòng chảy luôn áp sát dưới chân kè, rất nguy hiểm… Nếu gặp sự cố sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới 4 xã: Giao Hương, Giao Thanh, Giao Thiện, Hồng Thuận với diện tích 5.033,5ha của gần 14 nghìn hộ dân. Để bảo đảm an toàn vùng trọng điểm đê, kè Giao Hương và Hồng Thuận, UBND huyện Giao Thủy đã xây dựng hai tình huống giả định để chủ động các phương án xử lý khi có bão lũ. Giả định thứ nhất là tình huống lũ về trùng với triều cường, xuống kiệt, mái kè mất ổn định, xảy ra một số cung trượt lớn ăn sâu vào mái đê, mặt đê phía sông trong lúc lũ tiếp tục tăng cường, phương án của Ban chỉ huy PCLB huyện là: Giảm lưu tốc dòng chảy xói vào chân đê bằng cách dùng rồng đá, rọ thép, cụm cây… thả xuống chân đê, kè phía sông, khu vực bị sạt lở; đồng thời dùng đất đắp mở rộng mặt đê về phía đồng. Nhân lực chống sạt lở gồm 100 người, trong đó 50 người vận chuyển đất, đá, cự ly vận chuyển trung bình 5m, mỗi người cách nhau 0,5m; 50 người bốc đá lên xe. Nhân lực phục vụ đắp mở rộng mặt đê về phía đồng gồm 200 người, huy động 10 xe ô tô vận chuyển đá. Giả định thứ hai là tình huống lũ trùng với bão gây sạt lở mái đê, kè phía sông, sóng lớn tràn mặt đê, nước dâng gây tràn cục bộ, biện pháp xử lý là dùng rồng đá, rọ thép… thả xuống chân đê, kè, hạn chế để các hố sạt rộng thêm; dùng bạt chống tràn, bó cành cây, bao tải chống sóng, dùng bao tải đựng đất, cát đắp con chạch chống tràn. Nếu lũ vẫn tiếp tục tăng cường, bão lớn cấp 10, 11 kết hợp với nước dâng, sóng phá làm mái đê bị sạt lở ăn sâu vào mặt đê, cao trình đê bị hạ thấp, nước tràn qua có khả năng gây vỡ đê, Ban chỉ huy trọng điểm đê, kè Giao Hương, Hồng Thuận báo cáo với Ban chỉ huy PCLB huyện phát hiệu lệnh sơ tán dân theo phương án đã xác định. Nhân dân các xã Giao Hương, Giao Thanh, Hồng Thuận sơ tán về trung tâm huyện và Thị trấn Ngô Đồng, nhân dân xã Giao Thiện chuyển từ chỗ trũng lên khu vực cao trong xã. Cty KTCTTL Xuân Thuỷ kết hợp với cán bộ thuỷ nông các xã Giao Hương, Giao Thanh, Giao Thiện, Hồng Thuận đóng tất cả các đập ngăn trên các sông cấp 1, 2, khoanh vùng không cho nước tràn ra diện rộng. Xã Giao Hương huy động 500 người, xã Giao Thiện 200 người, xã Giao Thanh 200 người, xã Hồng Thuận 250 người cùng các vật tư dự trữ ứng cứu đê. Nếu tình huống nguy cấp vượt khả năng của huyện, Ban chỉ huy PCLB -TKCN huyện báo cáo Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh và Trung ương để tăng cường nhân lực, vật tư, phương tiện… tiếp ứng bảo vệ vùng trọng điểm. Ban chỉ huy trọng điểm đê, kè Giao Hương, Hồng Thuận sơ tán về trụ sở UBND xã Giao Hương, Hồng Thuận. Phương án khắc phục hậu quả và hàn khẩu đê vỡ được xử lý ngay sau khi nước rút bằng hai phương pháp: Kè 2 hàng bằng tre cây (cắm sâu) cách nhau 2m, liên kết giữa hai hàng bằng thép phi 6 và phi 8, khoảng cách mỗi cây là 0,5m; dùng bao ni lông đóng cát hoặc đất đắp lên, cao trình dương 3m, mặt rộng 3m, mái phía đồng, phía sông m=2/1, sau đó tiếp tục dùng ô tô chở đất đắp hoàn lại bằng mặt cắt đê cũ. Trọng điểm đê tả sông Sò có cao trình hiện tại dương 3-3,7m, chiều rộng mặt đê 2,5-3m, mặt đê lồi lõm đã lâu không được tu sửa, đất đắp đê là đất thịt pha cát không đầm nện, nền đê là đất pha cát mềm, yếu… Đối với trọng điểm đê tả sông Sò, huyện Giao Thủy đã đặt ra 3 tình huống giả định để chủ động các phương án xử lý khi bão về trùng với triều cường. Tình huống thứ nhất, mái kè mất ổn định, cung trượt ăn sâu vào mái đê, mặt đê phía sông, xử lý bằng cách dùng rồng rào, bạt chống sóng bảo vệ mái ngoài; huy động 450 người thả bao tải đất vào vị trí chân đê bị sạt lở, đồng thời đắp mở rộng mặt đê phía đồng. Tình huống thứ hai, nước dâng gây sóng lớn xảy ra tràn cục bộ, huy động 350 người dùng bạt chống tràn, bó cành cây, đất, bao tải đất, đắp con chạch chống tràn. Tình huống thứ ba, xuất hiện nhiều lỗ rò qua thân đê, nền đê, có khả năng gây mất an toàn đê, dùng bao cát vít vị trí các lỗ rò, huy động 50 người cắm cừ về phía thượng lưu, hạn chế lưu tốc dòng chảy, sau đó dùng bao tải đất, cát đắp. Trường hợp đê, kè bị sạt lở cục bộ, nhiều đoạn sạt lở tuyến dài, tùy theo khối lượng, UBND huyện sẽ huy động các xã trong huyện ứng cứu và khắc phục hậu quả.
Để bảo vệ an toàn trọng điểm đê, kè Giao Hương, Hồng Thuận, ngoài nguồn vật tư dự trữ của huyện gồm: 498 bộ rọ thép; 2.234m2 bạt chống tràn; 2.291m3 đá hộc…, các xã Giao Hương, Giao Thanh, Hồng Thuận, Giao Thiện còn huy động lực lượng xung kích gồm 850 người; chuẩn bị 11 nghìn cây tre, phi lao; 8.500 cọc tre dài 2,5m; 170 nghìn bao tải, 3.500m3 đất dự trữ; 4 máy phát điện; 20 ô tô và nhiều loại vật tư, phương tiện khác. UBND huyện huy động thêm 3 ca nô của Chi cục kiểm lâm, Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, Đồn Biên phòng 84; 220 phao cứu sinh; 50 áo phao; 1 xe cứu thương và nhiều dụng cụ y tế khác, chuẩn bị đủ cơ số thuốc để cứu người bị nạn. Các xã Giao Tiến, Giao Tân, Giao Thịnh huy động 600 người tham gia lực lượng xung kích, 800 bụi tre, phi lao, 20 ô tô, 2.500 cọc tre dài 2,5m, 17.400 bao ni-lon, 3 máy phát điện và nhiều vật tư, phương tiện khác. UBND huyện Giao Thuỷ kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí để xử lý một số đoạn đê, kè khu vực cống Chúa, đê kè Cồn Tư xã Hồng Thuận, Giao Hương đã bị sạt lở; bê tông hoá tuyến đê hữu Hồng từ K212+700 - K219+702; tuyến đê, kè tả sông Sò; làm kè những đoạn phía sông không còn bãi, dòng chảy luôn áp sát chân đê; cấp cho huyện 10 nghìn m2 bạt chống tràn, 10 nghìn bao ni-lon để xử lý khi cần thiết, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi sự cố xảy ra./.
Bài và ảnh: Thanh Thuỷ
[links()]