Con người và văn hóa bảo vệ môi trường

07:05, 13/05/2011

Chưa bao giờ trên thế giới mọi thành phần khác nhau trong xã hội lại quan tâm nhiều đến môi trường đến như vậy, bởi hành tinh chúng ta đang hứng chịu những hậu quả nặng nề do vấn đề ô nhiễm môi trường sống gây nên. Liên Hợp Quốc đang kêu gọi các nước cùng tập trung mọi nỗ lực nhằm cải thiện môi trường sống tại các đô thị, nơi mà dân số thế giới tập trung nhiều nhất và cũng là nơi phát sinh ra nhiều hệ quả xấu đến môi trường nhất nếu không có những biện pháp quản lý hợp lý và hiệu quả. Thay đổi cách sống từ mỗi cá nhân, hộ gia đình cũng là xu thế mà thế giới đang hướng đến.

 Con người gây hại môi trường

Tương lai của loài người có mối liên quan không thể tách rời với thực vật, động vật và hệ sinh thái trên trái đất, vì đó là nguồn cung cấp thực phẩm, nước, không khí, thuốc men, vật liệu xây dựng và không kém phần quan trọng, đó là vẻ đẹp - một yếu tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng để nuôi dưỡng cuộc sống tinh thần của con người. Tất cả chúng ta có rất nhiều đồ đạc. Khi chúng ta mua đồ đạc mới, việc này gây thiệt hại cho môi trường. Hàng hóa mà chúng ta sản xuất cần đến năng lượng, gây ra một lượng ô nhiễm và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá.

Ngày nay, phần lớn chúng ta biết rằng những mối nguy đang hiện diện và chính loài người đã gây ra. Nhiều người lo lắng cho tương lai của hành tinh chúng ta đang sống và trừ khi chúng ta có thể tìm ra một cách thức để giải quyết các vấn đề con người đã gây ra thì khi đó vấn đề ô nhiễm môi trường mới có được giải quyết. Mỗi người chúng ta, ở bất kỳ độ tuổi nào, có thể làm điều gì đó để giúp làm chậm lại và đảo ngược lại một số thiệt hại. Chúng ta không thể để lại toàn bộ công việc giải quyết các vấn đề lại cho các chuyên gia - tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đối với môi trường mà chúng ta đang sống. Chúng ta cần học để sống theo một cách bền vững hơn, ví dụ, học cách sử dụng tài nguyên bao gồm không khí, nước, rừng, động vật hoang dã, đất nông nghiệp và biển mà không làm hại đến chúng. Bởi vì dân số ngày càng tăng và cách sống đang thay đổi, chúng ta phải gìn giữ thế giới ở điều kiện tốt để cho các thế hệ mai sau sẽ có những tài nguyên như chúng ta hiện nay. Dưới đây là vài ví dụ về những mối nguy cho môi trường chúng ta và một số ý tưởng để giúp bạn làm điều gì đó cho môi trường.

Con người chúng ta tạo ra rất nhiều rác. Mỗi hộ dân ở Anh tạo ra khoảng 1 tấn rác mỗi năm. Mỗi ngày, TPHCM thải ra khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt. Trong đó, mỗi hộ gia đình có 4 người thải ra trung bình 2,4 kg rác/ngày (nếu tính trung bình mỗi người thải ra 0,6 kg rác/ngày), mỗi năm trung bình một hộ dân thải ra 0,87 tấn rác. Phần lớn lượng rác này được vận chuyển và chôn lấp hoặc đốt trong lò đốt rác - mà cả 2 hình thức này đều gây nguy hiểm cho môi trường. Rác của chúng ta có thực sự là rác? Nếu nghĩ kỹ, phần lớn cái chúng ta quăng đi có thể sử dụng lại. Việc tái chế chất thải rất có ý nghĩa và không chỉ giải quyết vấn đề tìm địa điểm để chứa chất thải. Phần lớn chất thải bao gồm thủy tinh, kim loại, nhựa và giấy. Tài nguyên của chúng ta như cây cối, dầu mỏ, than và nhôm được sử dụng với một khối lượng khổng lồ để tạo ra các sản phẩm này và các nguồn tài nguyên một ngày nào đó sẽ cạn kiệt.

Con người bảo vệ môi trường

Người ta thường tranh cãi rằng, bảo vệ môi trường sẽ đòi hỏi quá nhiều hy sinh. Nhận thức môi trường đối với nhiều người - đơn giản là những gì đem đến tiện lợi cho họ. Mỗi người có thể không có khả năng làm giảm sự nóng lên toàn cầu, kết thúc ô nhiễm và cứu những loài động vật đang có nguy cơ tuyệt chủng một cách riêng lẻ, nhưng bằng cách chọn lựa một phong cách sống thân thiện với trái đất, bạn có thể làm được nhiều việc mỗi ngày để giúp đạt đến những mục tiêu đó. Và có những quyết định thông minh về cách bạn sống, loại và lượng tài nguyên mà bạn tiêu thụ. Vậy thì chúng ta cần phải làm gì ?

Hãy phân loại rác: những chất hữu cơ như vỏ khoai, rau úa, thực phẩm thừa, lá trà… có thể chất thành đống trong vườn để chuyển thành phân vi sinh như là một nguồn phân bón tự nhiên tốt cho cây cối; lon nhôm, chai thủy tinh, giấy có thể bán cho những nơi tái chế.

Sử dụng giấy tái chế để cứu rừng cây. Giấy tẩy trắng thường được dùng để in báo và loại giấy này khi sản xuất gây ô nhiễm nguồn nước. Cho nên, tốt nhất nên sử dụng giấy tái chế hay loại giấy không qua tẩy trắng. Cắt giảm năng lượng sử dụng và tiết kiệm điện bởi điện được sản xuất bằng cách đốt than, dầu và khí và hoạt động này thải ra khí các-bô-níc.

Tránh sử dụng nhựa: chúng ta hãy từ chối sử dụng túi nhựa do nhân viên siêu thị cung cấp và sử dụng những túi làm bằng vật liệu bền chắc, hoặc sử dụng túi nhựa nhiều lần cho đến khi không còn dùng được nữa. Mua những hàng hóa không đóng gói quá nhiều lớp.

Thay đổi thói quen mua hàng và tiêu dùng để giảm tác động đến môi trường là xu thế đang phát triển trên thế giới. Những thói quen đã bị mất dần đi, nay đang được khuyến khích trở lại tại các nước giàu có. Xách theo túi mua hàng là một ví dụ khi đi siêu thị. Ở Thụy Điển, hàng hóa sau khi tính tiền của bạn chỉ được đựng trong những túi nylon rất mỏng manh và rất dễ rách nếu bạn mua hàng nhiều và nặng. Muốn có những túi nhựa dầy để đựng hàng như vẫn thường thấy trong các siêu thị của TP. HCM bạn phải trả tiền khoảng 6.000-10.000 đồng tùy kích cỡ. Đây là một biện pháp kinh tế để hạn chế việc tiêu thụ túi nhựa cũng như thải rác nhựa ra môi trường và khuyến khích người dân đem theo túi đựng hàng có thể sử dụng được nhiều lần như túi vải, giỏ xách.

Hãy ăn chay! Ăn ít thịt và nhiều trái cây, ngũ cốc và rau củ có thể giúp môi trường nhiều hơn bạn nhận biết. Ăn thịt, trứng và các sản phẩm từ sữa đóng góp rất lớn vào vấn đề nóng lên toàn cầu vì nuôi gia súc để sản xuất thực phẩm có thể phát thải khí nhà kính nhiều hơn trồng thực vật. Một báo cáo năm 2006 của Đại học Chicago (Mỹ) phát hiện rằng áp dụng một chế độ ăn chay sẽ làm giảm vấn đề nóng lên toàn cầu nhiều hơn là chuyển sang sử dụng xe hơi điện. Việc nuôi gia súc để lấy thực phẩm cũng sử dụng nhiều diện tích đất, nước, ngũ cốc và nhiên liệu. Mỗi năm chỉ riêng ở Mỹ, 80% diện tích đất nông nghiệp, 1/2 tài nguyên nước, 70% sản lượng ngũ cốc, và 1/3 lượng nhiên liệu hóa thạch được sử dụng để nuôi gia súc lấy thực phẩm.

Đi ăn buffet ở nhà hàng, bạn thay đĩa nhiều lần là điều bình thường. Nhưng nếu bạn giảm số lần thay đĩa đi, sẽ giúp giảm lượng nước dùng để rửa đĩa đấy! Nước cũng là tài nguyên mà! Thêm nữa, đừng phung phí thức ăn, ăn bao nhiêu lấy bấy nhiêu. Lương thực, gia súc, gia cầm được nuôi trồng rồi mới chế biến thành thức ăn cho chúng ta tiêu thụ. Và cũng phải khai thác môi trường để có những sản phẩm này.

Nếu tất cả chúng ta tạo nên những thay đổi nhỏ này trong đời sống, hiệu quả sẽ vô cùng to lớn! Chúng ta có thể tạo ra một sự khác biệt chung trong cuộc sống hôm nay của mình và thay đổi một cách quyết liệt cho tương lai tốt đẹp hơn. Con cháu chúng ta sẽ cám ơn chúng ta về điều đó./.

Theo: monre.gov.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com