Cần nâng cao hiệu quả hoạt động của bưu điện văn hoá xã

06:05, 06/05/2011

Hiện nay, tỉnh ta có 198 điểm bưu điện văn hoá xã. Mục tiêu cơ bản của hệ thống bưu điện văn hoá xã là nhằm cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin cho nhân dân vùng nông thôn, nâng cao tỷ lệ người dân được hưởng thụ các lợi ích của dịch vụ bưu chính viễn thông, khuyến khích nhu cầu sử dụng thông tin, góp phần phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương. Để nâng cao hiệu quả phục vụ, các điểm bưu điện văn hoá xã đã trang bị một số đầu sách về các lĩnh vực pháp luật, hướng dẫn sản xuất… phục vụ miễn phí người dân đến đọc báo, sách nâng cao kiến thức, phục vụ sản xuất, học tập, giải trí.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do sự bùng nổ các dịch vụ viễn thông như điện thoại di động, Internet, sự xuất hiện ồ ạt của các loại hình giải trí và các phương tiện thông tin, nghe nhìn hiện đại thì hệ thống các điểm bưu điện văn hoá xã đã bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu giao dịch ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của các điểm bưu điện văn hoá xã ngày càng giảm, không ít điểm phải bù lỗ. Bưu điện văn hoá xã Xuân Hoà (Xuân Trường) hoạt động từ tháng 4-1999, những năm đầu, là địa chỉ thu hút đông đảo nhân dân địa phương; ngoài việc cung cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông như “Phòng đọc cộng đồng”, được trang bị tủ sách pháp luật, phục vụ nhân dân đến đọc báo miễn phí, nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao dân trí và đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân địa phương. Do đó, doanh thu của bưu điện văn hoá xã Xuân Hoà luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Những năm gần đây, đời sống kinh tế của bà con trong xã ngày càng khởi sắc, số hộ dân có điện thoại ngày càng nhiều, nhu cầu tìm đến điểm bưu điện văn hoá xã để sử dụng các dịch vụ bưu chính viễn thông ngày càng ít. Bởi vậy, doanh thu thường xuyên không đạt chỉ tiêu. Chị Trần Thị Trang, nhân viên bưu điện văn hoá xã Xuân Hoà cho biết: Có tháng chỉ đạt dưới 400 ngàn đồng. Bưu điện văn hoá xã Mỹ Xá (TP Nam Định) được đặt cạnh trụ sở UBND xã, có vị trí thuận tiện cho hoạt động giao dịch. Dù mở cửa tất cả các ngày trong tuần phục vụ nhân dân nhưng rất ít người tìm đến. Hệ thống máy vi tính được kết nối Internet đầu tư trang bị từ năm 2005, đến nay đã hết khấu hao, chất lượng đường truyền kém, hỏng hóc, không sử dụng được. Nếu trước đây, doanh thu của bưu điện văn hoá xã chủ yếu là từ dịch vụ gọi điện, bán tem thư thì hiện tại nguồn thu chủ yếu từ bán thẻ, sim điện thoại, bảo hiểm ô tô, xe máy, doanh thu mỗi tháng đạt từ 450-600 nghìn đồng.

Bên cạnh đó, với tính chất là một thiết chế văn hoá theo mô hình “Phòng đọc cộng đồng” thì hệ thống điểm bưu điện văn hoá xã vừa yếu, vừa thiếu. Số lượng đầu sách tại mỗi điểm chỉ có từ 300 đến 400 bản, chủ yếu là văn bản pháp luật và chỉ có 3 đến 5 đầu báo, tạp chí, chưa đáp ứng nhu cầu đọc sách, nghiên cứu tài liệu, giải trí ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân. Mỗi điểm bưu điện văn hoá xã hiện nay chỉ có một nhân viên, phần lớn có trình độ văn hoá tốt nghiệp THPT, không có nghiệp vụ, chuyên ngành bưu chính viễn thông, thông tin thư viện. Mặt khác, thu nhập của nhân viên bưu điện văn hoá xã hiện rất thấp 400.000 đồng/tháng, không đảm bảo cuộc sống. Không ít nơi, nhân viên bưu điện văn hoá xã phải kiêm nhiệm nhiều công việc như đi thu phí dịch vụ điện thoại, không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống bưu điện văn hoá xã, ngành Bưu chính Viễn thông cần có sự phối hợp với các đơn vị hữu quan và các cấp chính quyền, tạo sự liên kết đầu tư kinh phí, củng cố cơ sở vật chất, trang bị và phát triển số lượng đầu sách, báo, tạp chí đa dạng, nhiều thể loại, lĩnh vực phục vụ nhu cầu đọc và nghiên cứu, cung cấp kiến thức, phục vụ lao động sản xuất, học tập vùng nông thôn. Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên về công tác kinh doanh, ứng dụng tin học, thông tin thư viện, nâng cao chất lượng phục vụ cùng với các hệ thống điện, đường, trường, trạm, nhà văn hoá hợp thành một thiết chế văn hoá cộng đồng góp phần phát triển kinh tế, văn hoá xã hội ở địa phương./.

Lê Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com