Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường mầm non

08:05, 11/05/2011

Toàn tỉnh hiện có 260 trường mầm non với trên 100 nghìn cháu tới lớp. Phần lớn thời gian trong ngày trẻ được học tập, vui chơi, ăn ngủ tại trường, các cháu chưa có ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Do đó, vấn đề VSATTP ở trường mầm non đang là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm. 

Giờ ăn trưa của các cháu Trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định).  Bài và ảnh: minh thuận
Giờ ăn trưa của các cháu Trường Mầm non Sao Vàng (TP Nam Định).

Theo khảo sát của ngành Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) về chất lượng bữa ăn tại các trường mầm non, vấn đề VSATTP ở các cơ sở giáo dục công lập luôn được quán triệt và triển khai tốt. Các trường thực hiện công khai thực đơn, thay đổi món ăn theo mùa, đảm bảo chống suy dinh dưỡng và béo phì. Nhiều trường đạt chuẩn quốc gia đã có hệ thống bếp ăn một chiều đạt chuẩn, đáp ứng đủ các tiêu chí về VSATTP. Để làm tốt công tác VSATTP, hàng năm, ngành GD-ĐT phối hợp với Trung tâm Bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý các trường mầm non về công tác chăm sóc sức khỏe, tiêm chủng mở rộng, chống suy dinh dưỡng, VSATTP, phòng chống ngộ độc cho trẻ; phối hợp với Trường Dạy nghề du lịch thương mại và dịch vụ tỉnh mở 6 lớp đào tạo giáo viên dinh dưỡng cho gần 300 học viên của các trường mầm non bán trú. Phòng GD-ĐT các huyện, thành phố cũng mở các lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho 900 giáo viên dinh dưỡng. Bên cạnh đó, ngành học Giáo dục mầm non thường xuyên chỉ đạo việc thực hiện xây dựng bếp ăn một chiều, bếp ít khói, hợp vệ sinh, công trình vệ sinh, nước sạch đúng quy cách; khuyến khích phát triển hệ sinh thái VAC để cung cấp nguồn thực phẩm sạch tại chỗ. Do đó việc thực hiện quy chế vệ sinh trong các trường mầm non được thực hiện khá nghiêm túc. Trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục mầm non tỉnh ta không để xảy ra tình trạng ngộ độc thức ăn. Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT tham mưu với UBND tỉnh kiện toàn, duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo công tác y tế học đường, phối hợp với các ngành chức năng có nhiều biện pháp phòng, chống ngộ độc thức ăn trong các trường học; đồng thời làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về công tác VSATTP cho đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non. Ngành GD-ĐT chỉ đạo các trường mầm non giữ ổn định đội ngũ giáo viên phụ trách dinh dưỡng, nếu tuyển mới phải được tập huấn về kỹ thuật nấu ăn và kiến thức dinh dưỡng có liên quan; Phòng Giáo dục các huyện, thành phố thường xuyên bồi dưỡng công tác đảm bảo quy chế vệ sinh cho giáo viên đứng lớp và bồi dưỡng kỹ năng tiếp phẩm, chế biến thực phẩm đảm bảo quy trình VSATTP cho đội ngũ giáo viên dinh dưỡng trong các trường mầm non. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục mầm non đã chỉ đạo xây dựng điểm công tác giáo dục dinh dưỡng và VSATTP ở các trường mầm non Sao Vàng (TP Nam Định), Nam Thành (Nam Trực), Xuân Kiên (Xuân Trường)... để rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Vào thời điểm dịch bệnh gia cầm, gia súc diễn biến phức tạp, ngành học yêu cầu các trường mầm non chủ động thay thế thực phẩm, thực hiện nghiêm việc ký hợp đồng mua thực phẩm sạch, quy chế vệ sinh đối với người chế biến thực phẩm và 100% các trường thực hiện lưu giữ mẫu thức ăn trong 24 giờ. Bên cạnh đó, ngành học Giáo dục mầm non thường xuyên tổ chức các hoạt động hỗ trợ khác như: Tổ chức hội thi “Cô dinh dưỡng giỏi” các cấp với các nội dung: Thi nấu ăn ở các độ tuổi, thi lý thuyết về giáo dục dinh dưỡng và VSATTP, thi viết sáng kiến kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, thực hiện giáo dục dinh dưỡng, VSATTP... Thông qua hội thi, giáo viên ở các trường có điều kiện giao lưu, học hỏi về các thao tác, kỹ năng nấu ăn cho trẻ theo độ tuổi; các cấp quản lý tìm được những thực đơn dễ thực hiện và phù hợp với trẻ em; những sáng kiến, kinh nghiệm hay về VSATTP để  phổ biến trong toàn ngành học. Tuy nhiên hiện nay, việc triển khai công tác VSATTP trong trường mầm non vẫn còn gặp không ít khó khăn. Ở một số trường, đội ngũ giáo viên dinh dưỡng hầu hết là giáo viên mới tuyển hoặc luôn thay đổi, chỉ được bồi dưỡng rất sơ khai về kỹ thuật chế biến các món ăn cho trẻ. Ý thức giữ gìn vệ sinh dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho trẻ của một số phụ huynh còn hạn chế. Một số địa phương chưa quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường mầm non theo chuẩn, nước sạch, công trình vệ sinh chưa được chú trọng đã ảnh hưởng đến việc bảo đảm VSATTP; việc ký hợp đồng mua bán thực phẩm sạch, an toàn còn thiếu chặt chẽ, vẫn còn tình trạng dùng bát nhựa, cốc nhựa cho trẻ ăn, uống. Ở một số trường mầm non vẫn còn tình trạng nhà vệ sinh đặt gần khu chế biến thức ăn; giáo viên, cán bộ không kiểm tra sức khỏe định kỳ theo quy định; bếp ăn dinh dưỡng xây chưa đúng quy cách, còn dùng chung dụng cụ chế biến để lẫn thực phẩm chín và thực phẩm sống, phòng ăn ẩm thấp, chật chội… Những hạn chế trên cần được khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo VSATTP, bảo vệ sức khoẻ và sự phát triển của trẻ./.

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com