Qua hơn 10 năm thực hiện chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông, việc đổi mới dạy và học trong các nhà trường đã được ngành GD-ĐT tỉnh chỉ đạo thực hiện đồng bộ, giúp học sinh tích cực và chủ động hơn trong học tập, tạo tiền đề cho các em phát triển tốt hơn.
Sở Giáo dục và Đào tạo trao thưởng cho giáo viên dạy giỏi cấp học giáo dục mầm non năm 2011. |
Với phương châm chỉ đạo: Đổi mới phương pháp dạy của thầy, phương pháp học của trò..., tạo nền tảng để có sự tiến bộ đích thực về chất lượng của nhà trường, ngay từ khi triển khai, Sở GD-ĐT tập trung bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên trong thực hiện chương trình giáo dục. Các trường đã tập trung nâng cao kiến thức của giáo viên các bộ môn, giúp họ biết căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình; chủ động, sáng tạo trong xây dựng kế hoạch dạy học, xác định mục tiêu, thiết kế bài học theo các phương pháp học tập tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, đồng thời, nắm vững phương pháp dạy học, quy trình và phương pháp đặc trưng của từng bộ môn, từ đó, biết cách lựa chọn sử dụng linh hoạt hệ thống các phương pháp bảo đảm phù hợp với nội dung của tiết học. Ngành GD-ĐT cũng tiến hành đồng bộ việc bồi dưỡng và nâng cao trình độ tin học để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp giảng dạy, trang bị kiến thức giúp giáo viên thực hiện tốt việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, đồng thời cung cấp thông tin giúp cho cán bộ quản lý biết được thực trạng trong quá trình dạy học để có những điều chỉnh kịp thời trong quá trình chỉ đạo thực hiện. Cô giáo Trần Thị Ngân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mỹ Thắng (Mỹ Lộc) cho biết: Xác định rõ phương pháp dạy học của giáo viên có tác động trực tiếp đến phương pháp học của học sinh, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, nên nhà trường luôn quan tâm đến vấn đề này. Phương châm của nhà trường là khơi dậy nhu cầu tự đổi mới của mỗi giáo viên, tổ chức các phong trào thi đua chuyên môn để thu hút họ, lấy sinh hoạt chuyên môn ở tổ nhóm làm cơ sở. Hàng tuần, hàng tháng nhà trường đều có các buổi sinh hoạt chuyên môn nhằm đánh giá tuần dạy đã qua cả về nội dung kiến thức và phương pháp, phương tiện cần thiết và có sự chuẩn bị cho tuần dạy tới. Những khúc mắc, băn khoăn cũng được đưa ra thảo luận, trao đổi..., qua đó giúp giáo viên tự đánh giá được chất lượng và hiệu quả giáo dục của mình. Những việc làm đó đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, nếu giáo viên không có nhu cầu tự đổi mới, bù đắp thêm những phần thiếu hụt, hoặc điều chỉnh những gì không còn phù hợp nữa thì dù vẫn đứng trên bục giảng nhưng họ đã tự “đánh mất” mình trước đồng nghiệp và học sinh. Một giáo viên trẻ trong một lần trao đổi về phương pháp đổi mới dạy học đã tâm sự: Mặc dù đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, được đào tạo chuẩn để về dạy bậc THCS, nhưng trước thách thức và sự phát triển của nhà trường, chúng tôi vẫn phải phấn đấu học trên chuẩn. Nhưng thế chưa đủ, nếu bản thân không tự nghiên cứu để có phương pháp dạy học thích hợp với đối tượng học sinh của mình, không tự trau dồi kiến thức tin học, ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới và được tiếp cận với việc học, bồi dưỡng, tập huấn của ngành để trang bị những kiến thức cơ bản nhất thì không thể đem lại hiệu quả cao trong giáo dục.
Cùng với việc thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, từ năm học 2007-2008, ngành GD-ĐT còn nhận được sự cộng hưởng tích cực từ cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong đó có nội dung quan trọng là dạy và học hiệu quả thông qua đổi mới phương pháp dạy của giáo viên và phương pháp học tập của học sinh. Sự thân thiện và tích cực đã được mỗi nhà trường xác định không thể tách rời, bổ sung và tác động lẫn nhau khi thực hiện các nội dung của phong trào thi đua. Việc đổi mới phương pháp dạy học chỉ hiệu quả khi đề cao được trách nhiệm của đội ngũ giáo viên trong môi trường sư phạm thân thiện và phát huy được vai trò tích cực học tập của học sinh. Đây là giải pháp quan trọng, quyết định đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các nhà trường. Chính vì vậy, thành tích giáo dục của tỉnh ta trong những năm qua ngày càng khẳng định được vị thế trong toàn quốc với tỷ lệ thi học sinh giỏi quốc gia, thi tốt nghiệp và đỗ đại học luôn đứng trong tốp đầu ./.
Bài và ảnh: Hồng Minh