Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề

07:04, 25/04/2011

Sinh viên khoa Điện (Trường CĐ nghề kinh tế-kỹ thuật Vinatex) tại phòng thực hành chất lượng cao.  Bài và ảnh: Vân Thi
Sinh viên khoa Điện (Trường CĐ nghề kinh tế-kỹ thuật Vinatex) tại phòng thực hành chất lượng cao.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh, công tác dạy nghề của tỉnh những năm qua đã có nhiều đổi mới cả về lượng và chất, nhất là từ khi triển khai thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Với mục tiêu lao động qua đào tạo nghề chiếm khoảng 65-70%, thì dạy nghề là hướng đi chủ yếu giúp người lao động có nghề, để lập nghiệp ổn định cuộc sống. Đến nay, hệ thống dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã phát triển mạnh với hàng chục trường cao đẳng, trung cấp nghề, các huyện đều có trung tâm dạy nghề; các trường đại học liên kết với một số cơ sở để đào tạo, dạy nghề đã đáp ứng các nhu cầu học nghề của người dân. Công tác dạy nghề ở tỉnh được mở rộng quy mô, tạo mọi cơ hội thuận lợi cho người lao động tiếp cận với các dịch vụ dạy nghề. Qua việc đẩy mạnh tuyên truyền đã nâng cao nhận thức của cộng đồng và người lao động, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vai trò, vị trí của dạy nghề trong phát triển nguồn nhân lực, góp phần tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế và phát triển xã hội. Sự tham gia phối hợp “các nhà” (nhà trường, nhà doanh nghiệp, nhà nông) được đẩy mạnh giúp cho công tác dạy nghề được đổi mới theo hướng “lấy người học làm trung tâm”; tuân thủ nguyên tắc tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh;  sử dụng có hiệu quả phương tiện và thiết bị dạy nghề. Đổi mới dạy nghề được thực hiện đồng bộ với việc thực hiện và triển khai chính sách phân luồng và liên thông trong hệ thống dạy nghề với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân; phát triển hệ thống đánh giá và cấp văn bằng, chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia tạo điều kiện cho người lao động học nghề, lập nghiệp bằng nhiều con đường và phương thức khác nhau. Chất lượng dạy nghề đã được nâng lên đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập kinh tế quốc tế. Một số trường đã khuyến khích và tạo điều kiện để học sinh tham gia các hội chợ, hội giảng, các cuộc thi nghề cấp quốc gia, khu vực ASEAN để đánh giá thực chất chất lượng đào tạo của mình so với toàn quốc, khu vực, đồng thời tạo cơ hội, khích lệ tinh thần học hỏi của học sinh như Trường Cao đẳng nghề Nam Định,  Trường Cao đẳng Xây dựng. Các trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định… thường xuyên cử giáo viên tham gia các hội thảo, dự án nước ngoài về đào tạo nghề, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học trong giáo viên và sinh viên. Trong số các trung tâm dạy nghề cấp huyện, Trung tâm dạy nghề huyện Hải Hậu được Bộ LĐ-TB&XH công nhận là trung tâm dạy nghề cấp huyện kiểu mẫu (đạt tiêu chuẩn kiểm định cấp độ 3). Cùng với việc tập trung đầu tư cho các cơ sở, đơn vị đào tạo, dạy nghề, năng lực quản lý của hệ thống dạy nghề cũng được chú trọng; đào tạo nghề theo định hướng thị trường sức lao động, thị trường nhân lực và hội nhập kinh tế quốc tế; hệ thống thông tin thị trường lao động được thiết lập, xây dựng chính sách phối hợp giữa đào tạo và sử dụng; chính sách hợp tác và khuyến khích đào tạo nghề với doanh nghiệp; phân cấp quản lý dạy nghề theo hướng tăng tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở dạy nghề; nâng cao năng lực quản lý và lập kế hoạch của đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề các cấp. Từ năm 2009 đến nay, chịu tác động mạnh của suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai… hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gặp nhiều khó khăn, nhưng hàng năm tỉnh vẫn hoàn thành chỉ tiêu giải quyết việc làm, trong kết quả đó có đóng góp không nhỏ của công tác dạy nghề giúp cho tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề nâng lên, thuận lợi trong tìm việc làm.

Tuy vậy, việc đổi mới công tác đào tạo nghề ở tỉnh ta vẫn chưa đồng đều. Một số huyện chưa được đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho đào tạo nghề theo yêu cầu. Cấp uỷ Đảng, chính quyền một số nơi, nhất là cấp xã chưa thực sự “vào cuộc”, chưa coi đây là nhiệm vụ thiết thực nên chưa phối hợp trong việc theo dõi, điều tra nhu cầu học nghề và tham gia quản lý các lớp học nghề tại địa phương. Công tác tuyên truyền về nhiệm vụ đào tạo và học nghề vẫn còn những hạn chế, nhiều người dân còn “mò mẫm” trong quá trình tìm kiếm thông tin, thậm chí rơi vào “bẫy” của các đối tượng “cò mồi” tìm việc làm, xin học nghề, khiến người dân vừa tốn kém, lại không hiệu quả.

Dạy nghề có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Tiếp tục đổi mới dạy nghề dựa trên cơ sở ổn định lâu dài, kế thừa, phát huy những kết quả và kinh nghiệm đạt được trong thời gian qua là những tiền đề quan trọng để công tác đào tạo nghề phát triển bền vững trong thời gian tới./.

Bài và ảnh: Vân Thi



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com