Vệ sinh an toàn thực phẩm: Mối lo của toàn xã hội (kỳ I)

07:04, 25/04/2011

1. Mất VSATTP: Nhìn từ thức ăn đường phố…

Cứ mỗi buổi sáng hoặc cuối giờ chiều, hàng loạt dãy hàng ăn vỉa hè tại Thành phố Nam Định lại bắt đầu mọc lên, từ phở, bánh đa cua, bún ốc, bún đậu… đủ loại bày bán tại các điểm quen thuộc: trong nhà, ngoài ngõ lớn ngõ nhỏ hoặc ngay trên vỉa hè nơi đông người qua lại. Hầu hết thực phẩm đều để trên bàn nếu là bún, phở, hoặc một cái mẹt nếu là bánh cuốn, trứng vịt lộn hoặc đựng trong làn, rau để trong túi nilon… tùy thuộc mức độ gọn nhẹ hay cồng kềnh của mặt hàng ăn. Điều đáng chú ý là các loại thức ăn này hầu hết đều che đậy rất sơ sài, xung quanh người ngồi ăn uống xì xụp... Ở những hàng quán trong các chợ hoặc xung quanh khu vực các chợ, cảnh tượng còn kinh hãi hơn nhiều. Đó là những hàng ăn có khi được đặt ngay bên cạnh… đống rác. Nhưng có một điều lạ là thực khách cứ vô tư ăn… Hình ảnh người ngồi ăn cạnh đống rác, cống rãnh hôi thối nhiều ruồi nhặng, hàng trăm người ăn phải chung nhau một cái khăn lau bát trở thành một hình ảnh rất phổ biến, và người tiêu dùng chấp nhận với việc ăn uống mất vệ sinh. Ở các quán ăn kiểu này, nếu không rửa bát đĩa trên miệng cống thì cũng rửa cạnh các gốc cây, mỗi quán một, hai xô nước nhỏ chứa khoảng vài lít nước cứ thế tráng lần tráng lượt hàng chục cái bát tô. Một người dân cạnh khu vực chợ Hoàng Ngân cho biết: "Do các quán ăn này mặt bằng quá nhỏ, không đủ nước sạch để rửa, nên phải xách từng xô nước để rửa, do vậy mà người bán hàng cũng phải tính toán để tận dụng hai xô nước cho khoảng mấy chục cái bát”. Việc “tận dụng” đó dẫn đến việc bát đĩa bị nhiễm vi khuẩn, vi trùng là lẽ đương nhiên. Đó là nguy cơ ô nhiễm từ thực phẩm và các dụng cụ đựng thực phẩm… Bên cạnh đó, với những chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm vô lương tâm, thì nguy cơ mất VSATTP còn kinh hãi hơn nhiều, ví dụ như tình trạng ở quán bún giả cầy trên đường H. (TP Nam Định). Đã từng nghe những người giúp việc ở quán này kháo nhau, chủ quán thường tận dụng đồ ăn thừa của các thực khách ăn trước để “quay vòng” cho các thực khách sau, và người viết bài đã kiểm chứng thông tin qua một lần thực tế ăn sáng muộn và vòng ra tham quan khu vực phía sau nhà vệ sinh của quán ăn này. Nhìn bên ngoài quán trông rất lịch sự, sạch sẽ, nhưng bước vào bên trong, thấy ngay chỗ rửa bát của quán cũng nằm ngay tại cửa nhà vệ sinh, cạnh đó là rổ thức ăn để những miếng giả cầy đã được rửa qua để chuẩn bị “quay lại” với những thực khách mới. Đáng lo ngại hơn, không chỉ là không thể nhận ra vi khuẩn, vi trùng bằng mắt thường từ dụng cụ ăn uống mất vệ sinh, từ thức ăn bị nhiễm khuẩn nên thường dễ bị ngộ độc thực phẩm, mà những nguy cơ trên còn gây ra nhiều bệnh mạn tính. Bên cạnh đó, những người bán hàng ăn, nhất là ở đường phố, vỉa hè thường là những người có thu nhập thấp, ít vốn, nên rất khó khăn trong việc bán, thuê người phục vụ, vì thế việc họ thực hiện khám sức khỏe định kỳ và dự tập huấn kiến thức ATVSTP để nâng cao được trách nhiệm của mình là điều không thể.

Hàng ăn vỉa hè, không bảo đảm các điều kiện VSATTP, có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Internet
Hàng ăn vỉa hè, không bảo đảm các điều kiện VSATTP, có nguy cơ cao gây ngộ độc thực phẩm.
Ảnh: Internet

Bên cạnh những quán hàng ăn nhẹ buổi sáng và buổi chiều, những cửa hàng ăn chuyên bán đồ ăn sẵn cho những người không có thời gian nấu nướng, tận dụng thời gian bằng cách mua đồ ăn sẵn cũng mất vệ sinh không kém. Đó là những tủ treo thịt quay che đậy sơ sài bên lề các con đường bụi bặm ở trên nhiều đường phố, nhiều con đường khu vực các xã, thị trấn, thoạt nhìn có vẻ sạch sẽ, nhưng người bán hàng lại dùng tay trần chặt, bốc thức ăn rồi đếm tiền của người mua, dưới chân họ thì đầy rác rưởi. Thức ăn đường phố có ưu điểm là mang lại thuận tiện cho người tiêu dùng, rẻ tiền, thích hợp cho nhiều đối tượng, nguồn thức ăn lại đa dạng, hấp dẫn, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, nhất là những người phụ nữ nông thôn ra thành phố kiếm sống, nhưng do hạ tầng cơ sở, dịch vụ vệ sinh yếu nên nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Không chỉ thức ăn đường phố, vỉa hè, bước vào các chợ ở cả thành phố và nông thôn, có thể thấy hầu hết tình trạng chung ở các chợ đầu mối là rất nhiều rác thải, cống rãnh bị ứ đọng trong khi khu dịch vụ gần đó bày bán đủ thức ăn chín như thịt quay, lòng lợn luộc, giò chả… Chưa kể đến thực phẩm, thức ăn đường phố lạm dụng sử dụng chất phụ gia, phẩm màu công nghiệp… Làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn đường phố không đảm bảo VSATTP đang ngày càng diễn biến phức tạp, và trên thực tế, đến nay nhiều loại hình thức ăn đường phố vẫn còn bị thả nổi. Theo số liệu từ Chi cục ATVSTP tỉnh, qua các đợt thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh, có tới 53,8% cơ sở ô nhiễm thực phẩm từ thức ăn đường phố, 28,2% ô nhiễm thực phẩm do nhiễm vi sinh vật, 22,3% ô nhiễm thực phẩm do sử dụng phụ gia độc hại (phẩm màu công nghiệp, chất bảo quản độc hại), ngoài ra, nguy cơ rau, củ, quả các loại tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt mức quy định cũng đang ở tình trạng đáng báo động. Qua kiểm tra kiến thức trước các đợt tập huấn về công tác bảo đảm ATVSTP mà Chi cục ATVSTP tỉnh tổ chức cho thấy tỷ lệ người hiểu biết đúng và thực hành đúng về VSATTP chiếm tỷ lệ không cao, chỉ khoảng 44,4% người sản xuất chế biến thực phẩm, 45,5% người kinh doanh thực phẩm, 65,5% người tiêu dùng và 81% người quản lý doanh nghiệp thực phẩm hiểu biết đúng và thực hành đúng về ATVSTP. Năm 2010, toàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với 120 người mắc, ngoài ra còn có trên 200 vụ lẻ tẻ. Đa số các vụ ngộ độc thực phẩm trên đều do sử dụng thức ăn đường phố, ở các chợ, nơi thức ăn bị ô nhiễm từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm có xu hướng thay đổi từ giảm ngộ độc do vi sinh sang tăng ngộ độc do hoá chất, độc tố tự nhiên. Theo số liệu mới nhất của Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP thì trên 70% số vụ là do tồn dư hóa chất trong thực phẩm, độc tố tự nhiên. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm cấp tính và nguy hiểm hơn là ngộ độc mạn tính, tiền đề cho một loạt các bệnh ung thư đang gia tăng hiện nay. Đây là vấn đề đáng báo động, đặc biệt khi mà mùa hè đang tới gần, nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các dịch bệnh liên quan đến thực phẩm vẫn là điều đáng lo ngại. Vì vậy, cùng với ngành Y tế, chính quyền các cấp cần phải vào cuộc để xử lý nghiêm tất cả các cơ sở không đảm bảo điều kiện VSMT, VSATTP theo quy định./.

(còn nữa)
Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com