Vệ sinh an toàn thực phẩm: Mối lo của toàn xã hội (kỳ cuối)

08:04, 27/04/2011

[links()]
2. Giải pháp nào bảo đảm VSATTP ?

Tình hình VSATTP năm qua ở nước ta và ở tỉnh ta diễn biến khá phức tạp. Năm 2010, toàn quốc xảy ra 132 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP), 4.679 người mắc, trong đó có 3.281 người nhập viện, 41 người tử vong. Tại tỉnh ta, xảy ra 2 vụ NĐTP tập thể, vụ thứ nhất diễn ra vào đầu năm tại Hải Phong (Hải Hậu) có 55 người bị/100 người ăn, nguyên nhân do dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trên đỗ xào; cuối năm có 1 vụ 67 người mắc/270 người ăn tại xã Trung Thành (Vụ Bản) do thịt ngan nhiễm Salmonella typhi murium. Ngoài ra, năm 2010 tỉnh ta ghi nhận 17.000 trường hợp mắc các bệnh đường tiêu hoá liên quan tới thực phẩm như tả, lỵ, thương hàn…

 

Hàng ăn vỉa hè không bảo đảm các điều kiện VSATTP.  Bài và ảnh: Minh Thuận
Hàng ăn vỉa hè không bảo đảm các điều kiện VSATTP.

Chất lượng VSATTP luôn là vấn đề quan tâm của người tiêu dùng vì nó gắn liền và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của tất cả mọi người. Theo bác sỹ Lê Lợi, Trưởng phòng Quản lý NĐTP, Chi cục ATVSTP tỉnh thì những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ NĐTP trong thời gian qua ở tỉnh ta là do ô nhiễm thực phẩm, qua xét nghiệm có 23,8% số mẫu thực phẩm không đạt tiêu chuẩn VSATTP (nhiễm vi sinh vật, phụ gia ngoài danh mục), 14% số mẫu rau quả dư lượng hoá chất BVTV; 35% số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định. Toàn tỉnh có trên 7.000 cơ sở tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng chỉ có 37% số cơ sở được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cấp giấy chứng nhận VSATTP. Như vậy, còn tới 2/3 số cơ sở chưa đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận VSATTP.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm VSATTP, nhưng có thể phân chia thành các nhóm nguyên nhân chính như: Với các nhà sản xuất, hoặc do thiếu hiểu biết, hoặc vì tham lợi nhuận không chấp hành các quy định VSATTP, cố tình đưa ra các sản phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP. Với những nhà kinh doanh và chế biến, việc kiểm soát khâu mua nguyên liệu đầu vào chưa đảm bảo đúng yêu cầu VSATTP. Vì lợi nhuận mà mua rẻ và dùng các chất phụ gia bị cấm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế hoặc mua phải thực phẩm đã hư hỏng. Với những người tiêu dùng, vẫn chủ quan, chấp nhận những quán ăn không đảm bảo vệ sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho những người kinh doanh coi thường vấn đề này. Về phía các nhà quản lý, vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành tại nhiều địa phương chưa được đề cao; lực lượng thanh tra, kiểm tra và các chế tài xử lý còn chưa phù hợp với từng nơi, từng đối tượng và chưa đủ sức răn đe.

Tháng 6-2010, Luật An toàn thực phẩm đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khoá 12, kỳ họp thứ 7 thông qua, và có hiệu lực từ ngày 01-7-2011. Luật An toàn thực phẩm đã phân định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP với vai trò “nhạc trưởng” là ngành Y tế, còn hai ngành Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo nguyên tắc quản lý xuyên suốt “từ trang trại đến bàn ăn”. Với những ý nghĩa đó, nhằm nhanh chóng đưa Luật An toàn thực phẩm đi vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý về ATTP, phổ biến nội dung Luật An toàn thực phẩm đến mọi đối tượng (quản lý, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm), chủ đề Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2011 là: “Sản xuất - Kinh doanh - Sử dụng thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm”. Ngoài các hoạt động thường xuyên nhằm bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, “Tháng hành động vì chất lượng VSATTP” còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông đẩy mạnh các hoạt động vì chất lượng VSATTP và chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa NĐTP, đặc biệt là các vụ NĐTP tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Để làm tốt công tác VSATTP, vấn đề đặt ra không chỉ là sự tham gia của ngành Y tế mà còn cần phải có sự “vào cuộc” của chính quyền địa phương, và chính quyền địa phương phải là người chủ trì trong việc triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thức ăn đường phố. Chỉ có chính quyền thực sự chủ trì mới có thể điều hành được các cơ quan, ban, ngành cùng tham gia quản lý được các dịch vụ ở địa phương. Y tế địa phương phải làm được vai trò tham mưu cho cấp uỷ đảng, chính quyền, đề xuất được kế hoạch, giải pháp, trong đó trọng tâm là các tiêu chuẩn, điều kiện an toàn vệ sinh, truyền thông giáo dục. Phải huy động được các cơ quan, đoàn thể quần chúng ở địa phương tham gia. Tổ chức tập huấn, giáo dục tuyên truyền cho người làm dịch vụ thức ăn đường phố và duy trì thường xuyên sự giáo dục và tuyên truyền đó. Tổ chức ký cam kết của chủ cơ sở với chính quyền, duy trì kiểm tra, thanh tra và xử lý kịp thời các vi phạm. Có khu quy hoạch riêng, đảm bảo các điều kiện vệ sinh môi trường cơ bản cho các hộ kinh doanh thức ăn đường phố. Thường xuyên cung cấp thông tin trên các phương tiện truyền thông về tình hình vệ sinh thức ăn đường phố để thông tin đến người tiêu dùng. Các nhà sản xuất phải chấp hành nghiêm túc các quy định VSATTP, các sản phẩm phải đảm bảo VSATTP. Những nhà kinh doanh và chế biến tăng cường kiểm soát khâu thu mua nguyên liệu đầu vào đảm bảo đúng yêu cầu VSATTP. Chỉ mua các nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng và dùng các chất phụ gia trong danh mục cho phép của Bộ Y tế. Về phía các nhà quản lý, cần nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền các cấp, các ngành ở địa phương. Tăng cường lực lượng thanh tra, kiểm tra, xây dựng các chế tài xử lý đủ mạnh, phù hợp với từng đối tượng và đủ sức răn đe, nhanh chóng đưa Luật An toàn thực phẩm vào cuộc sống, phân công người thi hành, nhiệm vụ chức năng rõ ràng.

Cần đặc biệt quan tâm tới công tác truyền thông giáo dục, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Truyền thông giáo dục với mục tiêu là xây dựng được ý thức chấp hành các quy định của pháp luật ở người sản xuất kinh doanh chế biến thực phẩm, đồng thời kêu gọi để họ trở thành người kinh doanh có lương tâm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền hướng tới người tiêu dùng, bởi họ là người có tác động tới sự phát triển của các cơ sở thực phẩm theo hướng tích cực, để người tiêu dùng có kiến thức VSATTP, trở thành người tiêu dùng thông thái có ý thức tự bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, bằng cách tẩy chay những quán hàng ăn, những cửa hàng không đảm bảo vệ sinh, chỉ mua thực phẩm ở những nơi có uy tín, có đầy đủ nhãn mác, còn hạn sử dụng, rõ nguồn gốc. Không mua và sử dụng các thực phẩm có mùi lạ, ôi thiu, mốc hỏng hoặc thực phẩm không rõ nguồn gốc, không có tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, các thực phẩm nhuộm màu sắc loè loẹt, không ghi hạn hoặc đã hết hạn sử dụng, biết cách chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, không gây độc, và có ý thức về VSATTP ngay từ những việc tưởng chừng đơn giản như: ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn…

Bài và ảnh: Minh Thuận

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com