Trung tâm dạy nghề Xuân Trường: Địa chỉ tin cậy của người lao động

08:04, 25/04/2011

Trung tâm dạy nghề huyện Xuân Trường có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó chủ yếu là đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Một trong những thuận lợi của Trung tâm là có đội ngũ cán bộ, giáo viên từng được tham gia các dự án nước ngoài về công tác cộng đồng với nhiều kinh nghiệm, kỹ năng công tác xã hội, cộng đồng giúp Trung tâm làm tốt công tác  điều tra, nắm bắt nhu cầu học nghề và điều kiện của lao động nông thôn. Trên cơ sở đó, Trung tâm xây dựng được kế hoạch đào tạo nghề, danh mục nghề đào tạo, các giải pháp thực hiện sát với thực tế. Trong quá trình điều tra nhu cầu học nghề, Trung tâm đều tư vấn cụ thể về ngành nghề, khả năng tìm việc làm sau đào tạo cho người lao động. Để đáp ứng yêu cầu của người học ở từng địa phương, Trung tâm linh hoạt mở lớp dạy nghề tập trung tại Trung tâm hoặc tại địa bàn xã. Mỗi năm, Trung tâm đào tạo 800-1.000 lao động với các nghề: may, mộc, cơ khí hàn, điện dân dụng, thêu ren móc sợi, trồng nấm, trong đó, người nghèo được đào tạo chiếm trên 20%. Các ngành nghề được đào tạo đều căn cứ vào nhu cầu của người học và “đầu ra” cho lao động đã học nghề. Chẳng hạn các nghề thêu ren, móc sợi hay nghề mộc, cơ khí dân dụng được tổ chức tại các xã có nghề truyền thống, học viên có thể đã biết nghề theo kiểu truyền tay, nhưng qua đào tạo, vừa nâng cao tay nghề vừa giúp họ chủ động khi mẫu mã hàng thay đổi, những người có năng khiếu có thể chủ động sáng tạo mẫu mã để chào hàng. Đối với nghề may, trên địa bàn huyện hiện đã có nhiều doanh nghiệp lớn về đầu tư nhà máy sản xuất với quy mô thu hút hàng nghìn lao động do đó nhu cầu học nghề rất lớn. Cùng với việc ký hợp đồng đào tạo lao động cho Cty cổ phần may Trường Tiến, Cty cổ phần may Sông Hồng, Cty Haprosimex (Giao Thủy), Trung tâm còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp may ở ngoài tỉnh có nhu cầu xây dựng các vệ tinh gia công hàng, để tư vấn học viên đầu tư mua thiết bị, tổ chức các nhóm gia công hàng cho các doanh nghiệp. Chị Cúc ở xóm 6, xã Xuân Thủy, sau khi học nghề ở Trung tâm, đã cùng một số người góp vốn mua máy may công nghiệp về may gia công màn xuất khẩu cho Cty màn tuyn 10-10 (Hà Nội). Thời gian đầu Trung tâm không chỉ hỗ trợ vốn, mà còn giúp đỡ kỹ thuật để tổ gia công của chị nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo uy tín với doanh nghiệp. Từ chỗ tay nghề chưa vững, thu nhập mỗi người chỉ đạt 20-25 nghìn đồng/ngày, sau 3 tháng các thành viên trong nhóm đã đạt mức thu nhập 40 nghìn đồng/ngày, và đến nay sản xuất ổn định với thu nhập khá. Đối với người khuyết tật học nghề ở Trung tâm, ngoài việc tư vấn chọn nghề học phù hợp, còn được Trung tâm xem xét hỗ trợ các điều kiện bước đầu khi làm nghề như cho vay vốn, giúp thiết bị. Trường hợp em Đoàn Khắc Lập ở xã Xuân Phong bị khuyết tật, sau khi học nghề may không thể tìm việc làm ở các cơ sở sản xuất đã được Trung tâm tặng một chiếc máy khâu, để có thể làm các sản phẩm đơn giản ngay tại nhà. Qua theo dõi sau đào tạo cho thấy, các lớp học nghề trồng nấm, mộc, thêu ren, học viên có thể vừa học vừa thực hành, làm nghề ngay tại gia đình; riêng nghề may tỷ lệ có việc làm và thu nhập ổn định đạt gần 90%.

Đồng chí Trần Gia Đoàn, Giám đốc Trung tâm cho biết, trong quá trình hoạt động, bên cạnh thuận lợi là được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến xã quan tâm ủng hộ, cán bộ giáo viên Trung tâm luôn ý thức rõ trách nhiệm trong việc giúp đỡ các đối tượng xã hội, người nghèo có nghề tìm kiếm việc làm tự lo cho cuộc sống bản thân. Đi đôi với việc nâng cao chất lượng dạy nghề giúp cho học viên có thể hành nghề ngay sau khi tốt nghiệp, các chế độ chính sách Nhà nước quy định đều được Trung tâm thông báo công khai và thanh toán đầy đủ cho các học viên. Năm 2011, Trung tâm có kế hoạch dạy nghề cho 500-600 lao động nông thôn, trong đó lao động nghèo khoảng 200 người. Ngoài các nghề phi nông nghiệp, năm nay Trung tâm dự kiến dạy thêm một số ngành nghề nông nghiệp như chăn nuôi gia súc, gia cầm, bảo vệ thực vật, trồng hoa cây cảnh, đáp ứng nhu cầu và định hướng chiến lược phát triển sản xuất ở địa phương./.

Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com