Tăng cường công tác trợ giúp người khuyết tật

01:04, 22/04/2011

Giờ học chữ của trẻ khuyết tật ở Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh.
Giờ học chữ của trẻ khuyết tật ở Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật tỉnh.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tỉnh ta có trên 37.700 người khuyết tật, chiếm hơn 2% dân số, trong đó số người khuyết tật nặng không có khả năng lao động, tự phục vụ sinh hoạt chiếm 60%, gần 34% thuộc hộ nghèo. Thực hiện Quyết định 239 của Thủ tướng Chính phủ về trợ giúp người tàn tật giai đoạn 2006-2010, người khuyết tật đã có nhiều cơ hội để được quan tâm toàn diện hơn, không chỉ được hỗ trợ kinh phí hàng tháng mà những người có khả năng, nhu cầu làm việc đã được dạy nghề, giới thiệu và tạo việc làm. Qua 5 năm thực hiện Đề án, đến nay, toàn tỉnh đã tạo việc làm ổn định cho 1.194 người khuyết tật, giúp họ cải thiện đời sống; 18.446 người đang hưởng chính sách trợ cấp hàng tháng, trong đó có gần 13.000 người hưởng chính sách trợ giúp xã hội. Đặc biệt đối với phụ nữ, thông qua việc lồng ghép với các chương trình, dự án, chính sách khác trên cơ sở ưu tiên đối tượng, toàn tỉnh đã có trên 300 phụ nữ khuyết tật được vay vốn phát triển sản xuất, trên 500 người được tạo việc làm và hàng trăm chị em được tham gia học các lớp dạy nghề ngắn hạn. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức dạy nghề cho 30 phụ nữ khuyết tật và xây dựng mô hình thí điểm nhóm phụ nữ tự lực tại 2 xã Xuân Trung và Xuân Vinh (Xuân Trường) với sự tham gia của 30 chị em cùng cảnh ngộ. Trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm trẻ em được phát hiện sớm những khiếm khuyết và can thiệp bằng các biện pháp y tế để giảm thiểu mức độ khuyết tật. Hàng năm, tỉnh đều tổ chức các chương trình phẫu thuật vận động môi, điều trị mắt cho từ 100-200 trẻ, khám chữa bệnh và phục hồi chức năng cho 1.039 người và hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình cho gần 1.300 người. Cùng với các hoạt động điều trị, phẫu thuật, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã vận động ủng hộ tặng xe lăn cho 953 trẻ khuyết tật; vận động 2 tổ chức quốc tế ủng hộ Hội Người mù tỉnh 3,5 tỷ đồng xây dựng trụ sở làm việc và phòng dạy chữ nổi cho hội viên; ủng hộ Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật Thành phố Nam Định 500 triệu đồng đầu tư nâng cấp phòng phục hồi chức năng; ủng hộ Trường Dạy nghề trẻ em khuyết tật huyện Giao Thuỷ 190 triệu đồng để nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải thiện điều kiện học tập và sinh hoạt cho các em. Trong 5 năm qua, 18.000 lượt trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh trong độ tuổi được đến trường, các em đều được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp. Hàng trăm gia đình có người khuyết tật được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ về nhà ở. Hơn 1.000 lượt người khuyết tật được khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, 1.283 người được hỗ trợ dụng cụ như xe lăn, xe lắc…, hàng trăm trẻ em khuyết tật được phát hiện sớm và can thiệp bằng các biện pháp y tế để giảm thiểu mức độ khuyết tật. Các chương trình chăm sóc sinh sản, sàng lọc trước sinh với tiến bộ kỹ thuật y tế đã giúp hạn chế trẻ khuyết tật. Trung tâm dạy nghề cho trẻ khuyết tật Nam Định (Sở LĐ-TB&XH) mỗi năm đón nhận nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề cho khoảng 100 em bằng nguồn ngân sách địa phương. Mạng lưới các tổ chức đoàn thể của người khuyết tật được thành lập từ tỉnh đến cơ sở tạo điều kiện cho người khuyết tật ở các địa bàn trong tỉnh đều có sân chơi, diễn đàn sinh hoạt chia sẻ tâm tư nguyện vọng, hỗ trợ động viên lẫn nhau. Từ Hội Người khuyết tật tỉnh, một số chi hội địa phương đã được thành lập như Chi hội Thanh niên khuyết tật là thành viên của Hội Người khuyết tật Nam Định và Hội LHTN Nam Định (TP Nam Định), Chi hội Sao Mai (Thị trấn Lâm - Ý Yên) được thành lập với sự trợ giúp của VVAF; Chi Hội Người khuyết tật huyện Xuân Trường…

Mặc dù đã có nhiều cố gắng song công tác trợ giúp người khuyết tật vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng ở tỉnh ta vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa với sự tham gia chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội. Các cơ sở điều trị, dạy nghề cho người khuyết tật hiện nay  quy mô và các điều kiện cơ sở vật chất, năng lực con người và trang thiết bị đều khá “khiêm tốn”. Đặc biệt, cần quan tâm tạo điều kiện để người khuyết tật dễ dàng hòa nhập cộng đồng về cơ hội việc làm, đời sống sinh hoạt và trong các hoạt động ở các điểm vui chơi, các công trình văn hóa, phúc lợi công cộng như: công trình nhà văn hóa, rạp chiếu phim, trường học, các phương tiện giao thông công cộng... có lối đi riêng hoặc thiết bị thuận tiện cho người khuyết tật sử dụng. Để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng cần cái tâm, cái tầm, trách nhiệm và tâm huyết của toàn xã hội. Người khuyết tật khi được trợ giúp, tạo điều kiện họ cũng đóng góp không nhỏ cho xã hội, nhất là nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội./. 

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com