Người lao động đang được tư vấn giới thiệu việc làm tại Sàn giao dịch việc làm. |
Phiên giao dịch thứ 12 (2-2011) của Sàn giao dịch việc làm tỉnh diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, ước tính chỉ có gần 500 lao động đến tham gia. Nguyên nhân được giải thích là vừa nghỉ tết và vẫn đang trong mùa lễ hội. Sau đó 1 tháng, phiên giao dịch thứ 13, tình hình cũng không được cải thiện. Tại sàn lúc hơn 9 giờ sáng, trong số gần 20 doanh nghiệp treo băng rôn tuyển lao động, chỉ vài gian có người đến tuyển. Hầu hết các doanh nghiệp may đều chỉ có bàn ghế và những tập tờ quảng cáo giới thiệu về doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng và địa chỉ liên hệ nếu có nhu cầu. Nhiều doanh nghiệp cho biết, qua nhiều phiên tuyển lao động tại sàn không được nên “chán”. Cty cổ phần Thúy Đạt (KCN Hòa Xá) không tổ chức phỏng vấn và tuyển dụng tại sàn mà chủ yếu quảng cáo giới thiệu về Cty, nhu cầu tuyển dụng để người lao động nắm được, nếu đủ điều kiện thì đến phỏng vấn và làm thủ tục tại Cty. Riêng với lao động đứng máy may, kéo sợi Cty sử dụng chính công nhân đang làm tại Cty làm vệ tinh tìm lao động cho Cty. Nhìn chung, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn đều có chung cách tuyển dụng này, với rất nhiều chính sách cởi mở thu hút người lao động như tuyển cả người chưa biết nghề, trong thời gian học nghề vẫn có thu nhập nhất định… Đối với các vị trí quản lý, kế toán…, các doanh nghiệp cũng chưa thể hiện sự thiết tha tuyển dụng. Anh Nguyễn Hữu Hùng, quê ở xã Hải Phong (Hải Hậu), tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, đã đi làm ở Hà Nội được hơn 1 năm với mức lương 180 nghìn đồng/ngày, cơm nuôi một bữa; trừ chi phí thuê nhà và các sinh hoạt khác, mỗi tháng anh Hùng vẫn tích lũy được hơn 1 triệu đồng để gửi về gia đình. Nghỉ tết về quê, nghe nói về sàn giao dịch việc làm, anh Hùng đến tìm việc, nhưng qua hai phiên anh đều không thể tìm được cơ hội vì với mức công 80-100 nghìn đồng/ngày… tính ra khó có thể tích lũy để gửi về cho gia đình. Lý do các nhà tuyển dụng không thể trả lương cao là vì “theo mặt bằng chung của thị trường”. Tuy nhiên, nếu theo cách nghĩ này thì các doanh nghiệp sẽ khó có được người lao động giỏi, yếu tố có thể giúp doanh nghiệp tăng năng suất và hiệu quả lao động. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đều đòi hỏi ứng viên phải có kinh nghiệm thực tế mà không tổ chức phỏng vấn kiểm tra năng lực tại chỗ. Nếu như vậy thì với những người vừa tốt nghiệp ra trường sẽ khó có cơ hội tìm việc làm để có kinh nghiệm (!). Trao đổi về vấn đề này, một số người làm công tác nhân sự ở các doanh nghiệp cho biết: Thực tế có nhiều ứng viên hồ sơ bằng cấp khá, nhưng “bằng rỗng”. Chẳng hạn có người chứng chỉ B về Tin học nhưng khi giao làm hoàn chỉnh một văn bản bằng Word và Excel trong thời gian quy định thì không làm nổi, hoặc thi tuyển vào vị trí văn phòng tổng hợp nhưng không biết viết báo cáo… Riêng về nhân viên kế toán, việc đòi hỏi kinh nghiệm của ứng viên một phần vì yêu cầu chất lượng công việc, phần khác để doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro vì đây là bộ phận công tác quan trọng trong doanh nghiệp. Một số nhà tuyển dụng cũng cho biết rất nhiều người lao động thiếu kỹ năng khi đi xin việc, thậm chí khi doanh nghiệp nêu một số khó khăn để thử thách và kiểm tra khả năng thuyết phục của ứng viên thì người đến tuyển đã tỏ ý rút lui mà không chứng minh được nguyện vọng tha thiết cần có việc làm. Đại diện một doanh nghiệp ở Hà Nội nói: “Khi họ không thực sự tha thiết và quyết tâm thì làm sao hy vọng họ sẽ thực tâm cống hiến cho doanh nghiệp”(?!)
Rõ ràng, tình trạng sàn giao dịch việc làm thời gian qua kém sôi động là do cả phía người lao động và nhà tuyển dụng. Lãnh đạo Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, cơ quan tổ chức và quản lý sàn giao dịch việc làm cho biết, Trung tâm đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền, quảng bá về sàn giao dịch, cách thức hoạt động mỗi phiên; tổ chức điều tra nắm thực trạng nhu cầu việc làm ở các lĩnh vực ngành nghề, tăng cường tiếp thị, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về tuyển, nhưng sau 13 phiên giao dịch, người lao động trên địa bàn vẫn chưa có thói quen tìm đến sàn khi có nhu cầu tìm việc. Mặc dù ở đây người lao động không phải trả các khoản phí gì, và ngoài phiên giao dịch, hàng ngày vẫn có bộ phận tư vấn giới thiệu việc làm. Vai trò cầu nối giữa cung và cầu trên thị trường lao động của Trung tâm vẫn bị hạn chế. Qua kinh nghiệm của các phiên giao dịch, Trung tâm cần làm việc kỹ với các doanh nghiệp tham gia hoạt động tại sàn để nắm được các yêu cầu tuyển dụng, có biện pháp tuyên truyền trước ngày mở sàn để người lao động nắm được. Mặt khác, những hạn chế của người lao động trong quá trình đi tìm việc làm cũng cần được tuyên truyền để người lao động, các đơn vị đào tạo nghề đưa vào chương trình đào tạo tư vấn giúp người lao động tìm việc làm. Khắc phục tình trạng doanh nghiệp chỉ đến sàn để tuyên truyền, quảng bá mà không tổ chức phỏng vấn tuyển dụng ngay tại sàn. Số lượng lao động tìm được việc làm ngay tại sàn trong mỗi phiên giao dịch sẽ là minh chứng thuyết phục thu hút người lao động tìm đến sàn khi có nhu cầu tìm việc, bảo đảm hiệu quả đầu tư sàn giao dịch việc làm tỉnh./.
Bài và ảnh: Trần Vân Anh