Phát triển và nhân văn

07:04, 10/04/2011

Đô thị hoá là hệ quả tất yếu của quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá. Quá trình đô thị hoá đã được diễn ra theo 2 loại hình: Đô thị hoá vật chất và đô thị hoá nhân văn.

Đô thị hoá vật chất là quá trình đô thị hoá có chủ đích hướng về sự tổ chức mặt bằng, kiến trúc nhà và công trình theo nhu cầu thuần tuý đáp ứng cho tăng trưởng kinh tế.

Đô thị hoá nhân văn là quá trình đô thị hoá có chủ đích hướng về phát triển văn hoá dân tộc/truyền thống, nâng cao giá trị đạo đức và trí thức con người, xây dựng môi trường thiên nhiên trong sạch cho cuộc sống, hướng tới một xã hội hoàn thiện trong quan hệ cộng đồng của thị dân, để khẳng định bản sắc dân tộc và giá trị nhân văn của dân tộc mình.

Trong sự phát triển rất nhanh tại các đô thị như hiện nay, việc sắp xếp không gian đô thị cần quan tâm đến môi trường thiên nhiên để tạo sự hài hoà giữa con người và môi trường sống đô thị, như môi trường sinh thái tự nhiên, hệ thống ao hồ, cảnh quan sông rạch.

Một thực trạng khá phổ biến là quá trình đô thị hoá với tốc độ lớn, thiên về mặt kinh tế đang gây nên tác hại đối với cảm quan văn hoá, làm tổn thương đến tổng thể văn hoá - lịch sử cổ truyền (trong đó có cả các công trình kiến trúc tôn giáo có liên quan đến khía cạnh tâm linh). Tất cả những khu này đã tạo hình nên chúng ta ngày nay, một phần của cộng đồng thành phố. Trong thành phố, khung cảnh và những công trình cổ là yếu tố gợi nhớ xã hội ngày xưa. Cần bảo tồn cảnh quan bản sắc các công trình cổ.

Đô thị hoá đem lại sức mạnh, đem lại sự giàu có song mặt trái của nó là sự cách biệt giữa giàu và nghèo. Nông dân nghèo không có đất sẽ tiếp tục di dân đổ về các đô thị để kiếm công ăn việc làm, tìm cơ may trong cuộc sống đô thị, nước chảy chỗ trũng, đó cũng là dịch chuyển sinh thái nhân văn. Việc giảm nghèo ở đô thị không thể thực hiện được nếu không tạo thêm việc làm và thu nhập. Nếu các thành phố không cung cấp được các cơ hội tạo ra thu nhập cho người nghèo thì sẽ phải đối mặt với sự gia tăng đói nghèo, xung đột xã hội và trì trệ.

Các khu dân cư có thu nhập thấp đang phát triển và sẽ tiếp tục phát triển, trong tình trạng không có kế hoạch thiếu dịch vụ cơ sở hạ tầng. Điều này tạo ra nguy cơ về môi trường và sức khoẻ đối với dân cư, ảnh hưởng xấu tới cảnh quan văn hoá.

Văn hoá như là chất keo kết dính các mối quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, tạo nên hình hài và bản sắc dân tộc trong đô thị. Nếu như văn hoá có khả năng bao quát trực tiếp, bảo đảm tính bền vững xã hội, tính kế thừa lịch sử và không bị pha trộn ngay khi hội nhập vào cộng đồng thế giới, thì trong quá trình đô thị hoá cần chú ý đúng mức và khai thác sức mạnh của chức năng văn hoá, xem nó như là hệ điều chỉnh và động lực của phát triển đô thị./.

Ngọc Lý



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com